ThienNhien.Net – Mặc dù Quảng Nam đã nhiều lần tổ chức truy quét đẩy đuổi, xử phạt, nhưng tình trạng khai thác vàng trái phép ở miền núi tỉnh này vẫn diễn biến phức tạp. Trong không ít trường hợp, đáng lo ngại hơn khi chính quyền cấp xã lại làm ngơ để vàng tặc biến ruộng, đất của người dân vùng cao thành đại công trường khai thác vàng.
Cánh đồng, dòng sông và sự tàn phá
Chúng tôi đến huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Ở đây có một nơi được người dân gọi là “đại công trường vàng tặc”, tại thôn Pà Lanh thuộc xã Cà Dy. Nhưng “những vị khách lạ” không mời mà đến đã nhanh chóng bị vàng tặc phát hiện.
Sau một đêm, sáng sau chúng tôi vào khu vực khai thác vàng trái phép trên con đường bị cày nát, lầy lội. Tại hiện trường, đón chúng tôi là những người đàn ông cầm rựa, cầm xà-beng. Một người hất hàm hỏi: “Nơi đây hầm hố hiểm nguy các ông không sợ chết hay sao mà mò vào đây? Các ông đến đây để làm gì?”.
Trước mắt chúng tôi là cảnh tượng thật không thể tưởng tượng nỗi. Những cánh ruộng lúa đã biến thành bình địa với những hố sâu hun hút. Điều đó cho thấy vàng tặc đã ở đây đã khai thác thời gian rất dài. Với những chiếc máy khá nhỏ thì có thể thấy lượng người làm việc ở đây là rất lớn mới cày xới, đào khoét được như thế này.
Dọc con sông Cái từ thôn Pà Lanh đến giáp thị trấn Thạnh Mỹ của huyện Nam Giang đã có gần 10ha bị vàng tặc cày xới nham nhở. Đó đây hàng chục hố sâu trên chục mét, rộng cả trăm mét ở khắp nơi. Ở phía ngoài bờ sông, những hố đất lồi lõm bị đào bới lên, sỏi đá chất từng đống. Con sông Cái sạt lở nhiều nơi, dòng nước đục ngầu.
Phía dưới những hố sâu là những nhóm phu vàng đang cặm cụi làm việc. Cạnh đó, lán trại được dựng lên để làm nơi ăn ở cho người khai thác vàng. Bạt đã bị dỡ chỉ còn trơ lại khung gỗ. Thế nhưng chiếc trang thờ đặt phía trước trại vẫn hương khói nghi ngút khói. Đáng nói điểm làm vàng trái phép này chỉ cách đường Hồ Chí Minh khoảng 200 mét, nhưng đã bị cày xới tan hoang.
Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình vào chốn vàng tặc lộng hành. Những gì chứng kiến đã cho thấy vàng tặc có mặt khắp nơi với đủ hình thực khai thác. Từ việc dùng xe múc hạng nặng đào khoét, đến việc tự mình đào bới sông suối, dùng máng, bồn tuyển vàng. Cách nơi hầm hố cày xới không xa, bên đường có đến 4 chiếc xe múc màu vàng cùng hàng chục máy nổ các loại cùng các thiết bị phục vụ cho việc khai thác vàng trái để sát bên đường ngay sát cạnh Trường Mẫu giáo xã Cà Dy.
Còn tại thôn Ngói (cũng thuộc xã Cà Dy), cũng là cảnh đào bới tan hoang cả một đoạn sông, tạo nên những ụ đất cao như núi. Ở đây vẫn còn lán trại có phu vàng đang ở để giữ bãi. Chúng tôi tiếp cận nhóm phụ nữ người địa phương đang bất chấp cái nắng như đổ lửa đào mót quặng. Chị Plong Lợi, ở thôn Ngói cho biết: Khai thác vàng ở đây họ làm cả ngày lẫn đêm, xe múc xong rồi đến máy hút, có thấy ai nói chi mô. Giờ họ đi rồi chúng tôi mới vào mót lại. Mỗi ngày làm chỉ được vài chục nghìn thôi”.
Thật sự đáng lo ngại với việc đào xới những hố sâu, rộng hàng chục mét mà không hoàn thổ. Nó không ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan môi trường, khiến dòng chảy bị thay đổi. Những hố sâu là nguy cơ hiểm họa khi không may ai đó sảy chân xuống đây.
Dân bán ruộng cho vàng tặc, xã không biết
Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi tiến sâu vào những ruộng lúa bị cày xới. Bà Trần Thị Nở, ở thôn Pà Lanh bức xúc nói: “Tui được biết họ đã di chuyển máy móc ra khỏi khu vực ni, nên sáng nay tui vào đây. Vì chưa lấy được tiền, họ cứ hẹn lần trong khi ruộng mình bị tàn phá hư hại hết chú ơi! Trước đó tôi đã yêu cầu một ông chủ bãi tên là Năm phải bồi thường vì múc đất làm vàng ảnh hưởng đến đất của tôi. Ông Năm hứa sẽ bồi thường cho, nhưng ông ta hứa lần, hứa hồi mà không chịu trả tiền. Nhưng nay ổng rút đi rồi biết ông ta ở đâu mà đòi được nữa”.
Không chỉ ruộng của bà Nở mà hầu hết các ruộng lúa ở đây đã bị các chủ bãi cày xới khai thác vàng. Một hộ dân có mặt tại đây cho biết, mỗi hộ dân bán được ít nhất cũng trên 10 triệu đồng, còn người nhiều thì bán được 40-50 triệu đồng thậm chí còn hơn thế nữa. Do đó nhiều người vì cái lợi trước mắt họ đã giao đất cho cai vàng.
Qua tìm hiểu được biết, trước đây khu này người dân trồng lúa và hoa màu. Chính nhờ làm lúa nước và sản xuất hoa màu mà đời sống người dân nơi đây khá ổn định. Thế nhưng mọi việc đã đổi thay, từ khi việc khai thác vàng trái phép dưới sông Cái làm dòng chảy bị ảnh hưởng nên nước không đưa lên đây được. Ruộng hoang hóa, sản xuất hiệu quả cũng thất thường vì trông chờ vào nước trời. Trước tình hình này, với quyết tâm giữ cho được diện tích lúa nước, huyện cũng đã có đề án xây dựng hồ chứa nước. Thế nhưng từ năm ngoái đến nay, một số người từ nơi khác đến liên hệ với người dân để mua đất khai thác vàng. Thế rồi vì hám lợi trước mắt người ta đã giao đất cho vàng tặc, nên nơi đây thành đại công trường khai thác vàng. Nhiều người dân cũng phản ánh rằng, để biến nơi đây thành bình địa như thế này đã có hàng chục xe múc hạng nặng cùng các loại máy nổ, máy hút công suất lớn cùng số lượng đông đảo con người đã thay phiên nhau ngày đêm cày xới, băm nát cánh đồng. Thế nhưng không một ông chính quyền nào nào ngăn cản. “Cái làng ni đã có gần 90 hộ dân bán đất cho các chủ bãi để khai thác vàng trái phép. Tất cả việc mua bán, khai thác vàng này mấy ông ở xã biết hết trơn. Vì nơi đây là đại công trình, với máy móc và hàng trăm con người làm việc, chứ có phải con kiến, củ khoai chi đâu. Hơn nữa thi thoảng vẫn có đoàn xuống kiểm tra. Thế nhưng không hiểu vì sao, đâu lại vào đó, vàng tặc vẫn cày nát sông, nát ruộng đồng ở đây. Thế là bao nhiêu năm mồ hôi công sức khai phá làm ruộng giờ đây vì tiền, vì cái lợi trước mắt mà nó đã tan hoang như thế này. Cứ thế ngày chẳng mấy chốc khu vực này sẽ hết đất sản xuất”, một người dân cho biết.