ThienNhien.Net – Nhiều địa phương đang gặp vướng mắc trong vấn để quản lý cũng như cấp phép khai thác khoáng sản nhỏ lẻ.
Khó khăn?
Tại hội thảo trực tuyến với các tỉnh, thành phố lấy ý kiến Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản do Bộ Tài nguyên- Môi trường (TN-MT) tổ chức tại Hà Nội ngày 10-9 vừa qua, nhiều địa phương kêu “khó” trong vấn đề quản lý khu vực khoáng sản nhỏ lẻ.
Theo đánh giá của nhiều địa phương cơ chế khai thác dành cho các loại khoáng sản như vật liệu xây dựng, cát sỏi lòng sông, khe suối nhỏ và phân tán tại các địa phương, nhất là những vùng sâu, miền núi chưa rõ ràng. Nên nhiều địa phương đã gặp khó khăn trong quá trình cấp phép khai thác khoáng sản nhỏ lẻ.
Tây Ninh có trữ lượng khoáng sản ít, phân tán nhỏ lẻ và chủ yếu loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng như: Cát, sỏi… Tuy nhiên, theo quy định của Luật Khoáng sản khi khai thác khoáng sản phải thực hiện đánh giá trữ lượng, xin cấp phép… như các mỏ khoáng sản có trữ lượng lớn.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Tây Ninh cho biết, khai thác các loại khoáng sản trữ lượng nhỏ và phân tán cần có cơ chế phù hợp. Bởi những dự án này, nếu thực hiện đánh giá theo quy định sẽ mất nhiều thời gian và chi phí lớn, chưa phù hợp với trữ lượng và giá trị khoáng sản khai thác.
Đối với tỉnh Bắc Kạn do địa thế miền núi, nên hầu hết các mỏ khoáng sản nhỏ lẻ, phân tán. Ngoài ra, do nhu cầu xây dựng nông thôn mới nên việc khai thác cát sỏi tại khe suối, lòng sông của tỉnh là cần thiết. Song tỉnh Bắc Kạn đang gặp khó khăn trong việc cấp phép khai thác khoáng sản có trữ lượng ít, nhỏ lẻ.
Ông Trần Nguyên, Phó Giám đốc Sở TN-MT Bắc Kạn nhấn mạnh: “Bộ TN-MT nên có những hướng dẫn để những dự án khai thác khoáng sản phục vụ công trình dân sinh không cần cấp phép khai thác, điều tra trữ lượng chỉ nên có giấy cho phép khai thác và thu tiền theo quy định. Bởi nếu thực hiện theo đúng quy trình như các loại khoáng sản khác sẽ rất lâu và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các công trình”.
Cần khoanh vùng
Nguyễn Minh Châu, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Hải Dương cho biết: “Một số mỏ khoáng sản khai thác để phục vụ các dự án trọng điểm. Nhưng để khai thác được khoáng sản phải làm thăm dò, đánh giá trữ lượng, môi trường và làm các thủ tục liên quan nhanh nhất phải một năm.
Như vậy, sẽ không kịp để triển khai các dự án xây dựng. Cần có một phương án mở đối với các công trình trọng điểm nên cấp phép theo khối lượng và theo tiến độ của dự án và không cần phải thăm dò, đảm báo tiến độ của dự án cũng như phát triển kinh tế xã hội”.
Hiện xin cấp phép khai thác khoáng sản nhỏ lẻ, trữ lượng ít có quy trình làm thủ tục giống với mỏ khoáng sản lớn, có giá trị kinh tế cao như: Vàng, bạc, đá quý… Ông Nguyễn Đình Xuân, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Tây Ninh nhận định: “Thủ tục để làm hầm đất cát khó như hầm để khai thác vàng, bạc, qua nhiều khâu, nhiều thủ tục.
Riêng về khâu tư vấn chuyên môn gồm có các bảng vẽ, thăm dò cộng lại chi phí lên hàng trăm triệu đồng, thời gian kéo dài hàng năm trời. Nên cần phân biệt loại khoáng sản như vàng bạc đá quý thủ tục chặt chẽ nhưng có những loại cần thủ tục đơn giản như đất. Chính thủ tục hành chính đã đẩy giá vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp lên cao”.
Ông Nguyễn Như Thức, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Phú Yên cho rằng, cần phải khoanh định các khu vực khoáng sản nhỏ lẻ để thuận tiện trong việc khai thác cũng như quản lý. Đồng thời, các thủ tục hành chính cần phải ngọn nhẹ, đơn giản, đặc biệt đối với những khu vực khoáng sản nhỏ lẻ. Thủ tục xin cấp phép khai thác khoáng sản nhiều nếu làm đẩy đủ sẽ làm chậm quá trình khai thác của doanh nghiệp.