ThienNhien.Net – Đến nay công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản vẫn còn hạn chế. Công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn chậm. Công tác thanh kiểm tra đạt hiệu quả chưa cao…
Sáng 10/9, tại Hà Nội, Bộ TN&MT tổ chức hội thảo trực tuyến với các tỉnh, thành phố lấy ý kiến Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản.Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam Nguyễn Văn Thuấn, việc triển khai Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, Chỉ thị số 29/CT-TTg về việc tiếp tục tăng cường quản lý Nhà nước đối với các hoạt động khảo sát, khai thác, vận chuyển, tiêu thụ cát, sỏi lòng sông đã kịp thời giải quyết những vướng mắc, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý về khoáng sản và đưa hoạt động khoáng sản vào nề nếp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản.
Tuy nhiên, đến nay công tác này còn tồn tại một số bất cập, vướng mắc, một số nội dung quy định không còn phù hợp với quy định của Luật Khoáng sản 2010.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến và giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong việc thực thi chính sách pháp luật về công tác khai thác khoáng sản hiện nay, như tránh tình trạng đưa các nhà máy hoạt động ồ ạt nhưng lại thiếu nguyên liệu; với một số loại khoáng sản quý hiếm cần cơ chế đặc thù, sớm có cơ chế bảo vệ, rà soát, khoanh vùng, không để khai thác trái phép.
Bên cạnh đó, cần quy định rõ đơn vị nào quản lý lĩnh vực trong từng hoạt động cụ thể, xác định quy chế phối hợp, thẩm quyền chung, thẩm quyền riêng của các cơ quan trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Với các dự án nạo vét và tận thu cát sỏi cần có quy định cụ thể để cấp phép khai thác phù hợp với thực tiễn của từng địa phương. Công tác thăm dò khoáng ở các địa phương cần thực hiện theo các quy định của pháp luật…
Theo đó, các điểm mới trong Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ như cấp phép khai thác khoáng sản phải gắn với địa chỉ sử dụng là các nhà máy chế biến đang hoạt động, đang xây dựng, hoặc dự án trong quy hoạch khoáng sản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đồng thời đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong công tác cấp phép hoạt động khoáng sản, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản. Đặc biệt là đối với các loại khoáng sản mà xã hội có nhu cầu lớn, kiểm tra, rà soát, tạm đình chỉ có thời hạn việc khai thác khoáng sản ở các khu vực đã cấp phép trước ngày Luật Khoáng sản năm 1996 có hiệu lực nhưng chưa làm thủ tục cấp lại giấy phép cho đến khi hoàn thành các thủ tục cấp phép theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010.
Dự thảo Chỉ thị cũng cần giao trách nhiệm cụ thể đối với từng bộ, ngành, địa phương trong công tác này.
Cụ thể, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 15/2015/NĐ-CP quy định một số điều của Luật Khoáng sản, xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 15, trình Chính phủ trong quý 4 năm 2015.
Bộ Công Thương tiếp tục rà soát chính sách, tiêu chuẩn xuất khẩu theo hướng quản lý chặt chẽ về việc xuất khẩu khoáng sản, thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra kiên quyết xử lý các tổ chức cá nhân, vi phạm, nhất là các hoạt động xuất nhập khẩu khoáng sản.
Bộ Xây dựng tăng cường công tác quản lý việc khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản làm xi măng. Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế, giải pháp cấp sử dụng nguồn thu từ khoáng sản để đầu tư cho công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.
Bộ Công an chỉ đạo lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn kịp thời hiện tượng xuất khẩu khoáng sản lậu; Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, bổ sung điều chỉnh các quy định của pháp luật về hình sự đối với các hành vi khai thác khoáng sản không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh phê duyệt quy hoạch khoáng sản, ban hành các văn bản tăng cường kỷ cương, trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về khoáng sản ở địa phương. Phối hợp, tạo tính liên kết vùng giữa các địa phương, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động khoáng sản.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Từ khi có Chỉ thị số 02/CT-TTg và Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc khắc phục những hạn chế, yếu kém trong quản lý Nhà nước về khoáng sản và đưa hoạt động khoáng sản dần đi vào nề nếp. Cùng với đó là từng bước chấn chỉnh và giải quyết được những vấn đề cấp bách đặt ra do hoạt động khoáng sản thiếu quy hoạch, không kiểm soát chặt chẽ, gây suy thoái, ô nhiễm môi trường… góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản.
Tuy nhiên, đến nay công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản vẫn còn hạn chế. Công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương. Công tác thanh kiểm tra đạt hiệu quả chưa cao. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung 2 chỉ thị trên là cấp thiết, đáp ứng yêu cầu của quản lý Nhà nước và thực tiễn cuộc sống hiện nay.
Thứ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ: Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đối với vấn đề này, Bộ TN&MT sẽ tổng hợp đầy đủ, tiếp thu nghiêm túc, nghiên cứu xem xét bổ sung các ý kiến của đại biểu cũng như báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.