ThienNhien.Net – Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Luật Khí tượng thủy văn, thay thế Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn, nhằm tạo ra bước thay đổi mang tính đột phá toàn diện cho công tác quản lý nhà nước về khí tượng thuỷ văn.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển ngành khí tượng thủy văn, văn bản có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động khí tượng thuỷ văn đến thời điểm hiện tại là Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn, ban hành từ năm 1994.
Qua tổng kết, đánh giá việc thi hành pháp luật về khí tượng thủy văn giai đoạn 1994 – 2014 cho thấy, các văn bản quy phạm pháp luật về khí tượng thủy văn hiện tại chưa đầy đủ và không có hệ thống nên đã không bao quát được các hoạt động khí tượng thủy văn đang ngày càng phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình khí tượng thủy văn ban hành đã quá lâu, đến nay đã được 20 năm và chỉ điều chỉnh đến mảng công tác điều tra cơ bản, cụ thể là khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn, không bao quát được đầy đủ toàn bộ các mặt hoạt động khác của lĩnh vực khí tượng thuỷ văn. Mặt khác, do ban hành ở thời điểm năm 1994, nên nhiều thay đổi, phát triển kinh tế – xã hội có liên quan tới hoạt động khí tượng thủy văn ở thời điểm hiện nay, cũng như các chủ trương, quan điểm mới của Đảng và Nhà nước đã không được phản ánh, dự liệu đầy đủ trong Pháp lệnh.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa có chế độ khí hậu, thủy văn rất phức tạp và đa dạng. Các loại thiên tai khí tượng thủy văn như bão, lũ lụt, nước biển dâng, mưa lớn, hạn hán, rét hại… hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống. Đặc biệt, Việt Nam lại là một trong số ít các nước được đánh giá là bị tác động nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu. Trong những điều kiện như vậy, lĩnh vực khí tượng thuỷ văn cần cấp thiết được tăng cường cả về thể chế quản lý và năng lực kỹ thuật, công nghệ để hoạt động hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, phòng, chống, quản lý rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, các nhu cầu phục vụ khí tượng thuỷ văn ngày càng nhiều hơn với các đối tượng đa dạng và phức tạp hơn, kéo theo các dịch vụ khí tượng thuỷ văn phát triển. Hoạt động khí tượng thuỷ văn theo truyền thống trước đây chỉ có Nhà nước đảm nhiệm nay sẽ có thêm những thành phần khác tham gia. Ngày càng có nhiều tổ chức, doanh nghiệp mong muốn tham gia cung cấp các dịch vụ khí tượng thuỷ văn. Xu hướng xã hội hóa, thương mại hoá hoạt động khí tượng thuỷ văn trở thành xu thế tất yếu. Thực tế cũng đã có một số công ty tư nhân tham gia các dịch vụ khí tượng thuỷ văn. Các hoạt động này chưa có sự quản lý toàn diện, ngoài việc cấp phép. Vì vậy rất cần có những cơ chế pháp lý quản lý các hoạt động này nhằm mang lại lợi ích cho xã hội và tạo sự bình đẳng trong hoạt động này khi có nhiều tổ chức tham gia.
Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Khí tượng thủy văn là hoàn toàn cần thiết để tạo ra bước thay đổi mang tính đột phá toàn diện cho công tác quản lý nhà nước về khí tượng thuỷ văn; bảo đảm điều kiện cho hoạt động khí tượng thuỷ văn phát triển, cung cấp và sử dụng thông tin khí tượng thuỷ văn trong các lĩnh vực kinh tế xã hội có hiệu quả và là công cụ pháp lý hướng dẫn, bảo đảm các biện pháp quan trọng trong công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn tính mạng con người và tài sản xã hội, góp phần phát triển bền vững kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng của quốc gia.
Mạng lưới trạm khí tượng thuỷ văn
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dự thảo Luật Khí tượng thủy văn gồm 11 chương, 65 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo nêu rõ những quy định cụ thể về quan trắc khí tượng thủy văn; dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn; phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn; giám sát biến đổi khí hậu…
Dự thảo Luật đưa ra những quy định về chủ thể thực hiện các hoạt động đầu tư, vận hành, khai thác mạng lưới trạm khí tượng thuỷ văn, bao gồm: 1-Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thực hiện quan trắc khí tượng thủy văn cơ bản, do cơ quan khí tượng thủy văn nhà nước xây dựng, quản lý và khai thác; 2- Mạng lưới trạm giám sát biến đổi khí hậu thực hiện giám sát biến đổi khí hậu, bao gồm các trạm khí tượng thủy văn phù hợp, được lựa chọn từ mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia hoặc được xây dựng mới, do cơ quan khí tượng thủy văn nhà nước đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác; 3- Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng thực hiện quan trắc khí tượng thủy văn theo mục đích riêng, do các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác; 4- Mạng lưới điểm, trạm khảo sát khí tượng thủy văn trên đất liền, trên biển thực hiện quan trắc khí tượng thủy văn theo chương trình riêng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.