ThienNhien.Net – Hàng trăm ngàn tấn titan đã bị khai thác, trong đó một lượng lớn xuất khẩu lậu khiến tài nguyên đất nước bị thất thoát
Tình trạng khai thác titan thời gian qua trên địa bàn 2 tỉnh Bình Định và Bình Thuận diễn ra ồ ạt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đời sống người dân trong khi nguồn thu cho ngân sách không đáng kể.
Mỗi năm mất 80 tỉ đồng
Bình Định là 1 trong 4 tỉnh có trữ lượng titan cao nhất nước với khoảng 2,5 triệu tấn, tập trung ở 2 huyện Phù Cát, Phù Mỹ và TP Quy Nhơn. Hiện toàn tỉnh đang có hơn 30 doanh nghiệp (DN) được cấp phép khai thác, chế biến titan.
Sở Công Thương tỉnh Bình Định cho biết trung bình mỗi năm, các DN khai thác hơn 500.000 tấn titan, thu hơn 1.000 tỉ đồng. Còn tiền thuế tài nguyên khoáng sản và phí môi trường, theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ khoảng 100 tỉ đồng. Theo một cán bộ của Sở Giao thông Vận tải Bình Định, nếu tính một cách sòng phẳng thì nguồn thu trên chỉ đủ để duy tu, sửa chữa đường sá, cầu cống do các xe vận chuyển titan quá tải gây ra trên những tuyến đường giao thông trong tỉnh.
Điều đáng nói là từ khi Chính phủ ban hành quy định cấm xuất khẩu khoáng sản thô, DN khai thác titan ở Bình Định bắt tay nhau hoặc “đẻ” ra nhiều công ty “ma” có địa chỉ ở các tỉnh, thành khác rồi “ký hợp đồng” bán titan thô ra khỏi tỉnh. Sau khi hợp thức hóa thủ tục mua bán, vận chuyển nội địa, DN tìm cách xuất lậu sang Trung Quốc bằng đường biển. Theo thống kê của các ngành chức năng, bình quân mỗi năm tỉnh này bị “chảy” qua đường xuất lậu hơn 400.000 tấn titan, tương đương với việc ngân sách thất thu khoảng 80 tỉ đồng tiền thuế xuất khẩu.
“Trước khi khai thác titan, các DN đều cam kết bảo vệ môi trường nhưng sau đó chẳng mấy ai thực hiện. Lợi ích từ khai thác titan cho địa phương, ngân sách nhà nước chẳng được bao nhiêu mà mất mát thì rất lớn” – ông Trần Đình Thời, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, trăn trở.
Không biết titan “chảy” đi đâu
Theo công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trữ lượng titan trên địa bàn tỉnh Bình Thuận ước gần 600 triệu tấn, chiếm 92% trữ lượng titan cả nước. Đến thời điểm này đã có hàng trăm ngàn tấn titan được các DN khai thác nhưng do công tác quản lý còn bất cập khiến nguồn tài nguyên này đang bị thất thoát.
Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Thuận, cho biết trong số 13 DN được cấp phép khai thác titan trên địa bàn tỉnh hiện chỉ còn Công ty TNHH Phú Hiệp (TP Phan Thiết) và Công ty TNHH Thương mại Đức Cảnh (huyện Bắc Bình) hoạt động, những DN khác đã tạm dừng.
Thống kê của Cục Thuế tỉnh Bình Thuận cho thấy tổng các khoản thuế, phí thu từ hoạt động khai thác titan từ năm 2008 đến tháng 6-2013 của 13 DN chỉ gần 220 tỉ đồng. “Từ trước tới nay, các DN thực hiện theo cơ chế tự kê khai, tự nộp thuế. Để kiểm tra, cục thuế chỉ căn cứ vào sổ sách kế toán của đơn vị và đến nay chưa phát hiện DN nào trốn thuế” – ông Phong nói.
Trong khi đó, báo cáo giám sát về tình hình thực hiện công tác quản lý, khai thác và chế biến titan của Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh Bình Thuận thể hiện trong năm 2010, ngành thuế đã kiểm tra 4 DN trong lĩnh vực này, truy thu và phạt 997 triệu đồng. Năm 2011 kiểm tra 2 DN, truy thu, phạt 282 triệu đồng. Năm 2012 kiểm tra 2 DN, truy thu, phạt 15 triệu đồng. Chín tháng đầu năm 2013 kiểm tra, thanh tra thuế 4 DN, truy thu, phạt 179 triệu đồng.
Ngoài ra, qua giám sát hồ sơ khai thuế của các DN, cơ quan thuế cũng đã phát hiện và yêu cầu DN kê khai điều chỉnh với tổng số thuế, phí tăng thêm gần 9 tỉ đồng.
Trao đổi với phóng viên về đầu ra của hàng trăm ngàn tấn titan mà các DN đã khai thác, Chi cục Hải quan Bình Thuận cho biết “không quản lý vì DN không làm thủ tục xuất khẩu tại tỉnh này”. Còn Sở Công Thương, sau 2 ngày liên hệ, chỉ trả lời đang cho rà soát, thống kê lại!
Hậu quả nặng nềKết quả thanh tra gần đây của cơ quan chức năng cho thấy phần lớn các DN khai thác titan ở Bình Định đều có sai phạm, phổ biến và nghiêm trọng nhất là lĩnh vực môi trường. Cụ thể, các báo cáo đánh giá tác động môi trường đều không đề cập việc giám sát thông số phóng xạ trong nước; nhiều DN không thực hiện giám sát môi trường chất thải; không đăng ký nguồn chất thải nguy hại, quản lý chất thải nguy hại không đúng quy định…
Hoạt động khai thác titan trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cũng để lại hậu quả nặng nề. Hàng trăm hộ dân xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam sống gần mỏ titan Suối Nhum mấy năm qua luôn phải sống chung với cơn “bão cát” và bệnh tật bủa vây. Bờ biển từ Sơn Mỹ kéo dài đến Tân Thắng của huyện Hàm Tân, sau khi các công ty khai thác titan rút đi đã để lại một dải đất bị biến dạng thành những vũng cao thấp, lồi lõm, sóng biển xâm thực và ngày càng ăn sâu vào bờ khiến dân làng lo sợ mỗi khi có gió bão. Dọc con đường ĐT 716 từ khu vực Long Sơn – Suối Nước (phường Mũi Né) đến cuối xã Hòa Thắng (huyện Bắc Bình), nơi có hoạt động khai thác titan rầm rộ nhất của tỉnh Bình Thuận, nay đã trở nên yên ắng. Ở đây chỉ còn những cồn cát “chết” trắng xóa; địa hình bị cày nát và lồi lõm với vô số cồn cát lổm chổm… |