ThienNhien.Net – Giữa tháng 8/2014, nước sông Cẩm Lệ tại Cầu Đỏ (Đà Nẵng), hạ nguồn sông Vu Gia, đột ngột giảm mạnh, độ mặn tăng cao đột biến buộc nhà máy nước Cầu Đỏ phải giảm công suất khiến TP Đà Nẵng thiếu nước nghiêm trọng. Nguyên nhân là do thủy điện chặn dòng phía thượng nguồn Vu Gia tích nước. Một lần nữa, hàng triệu người dân sống ở hạ lưu sông Vu Gia lại lo nỗi lo cũ: Nỗi lo thủy điện!
Thủy điện chặn dòng, dân khát
Giữa tháng 8-2014, cả thành phố Đà Nẵng gần như bị đảo lộn bởi nguồn nước máy sinh hoạt chập chờn, điều mà cả chục năm qua chưa từng xảy ra với TP Đà Nẵng. Đà Nẵng vốn là địa phương có nguồn nước máy phục vụ sinh hoạt tốt nhất bởi áp lực nước mạnh, nhà 3 tầng không cần máy bơm nước vẫn mạnh bình thường. Thế nhưng, từ giữa tháng 8, nước lúc mạnh lúc yếu, có nơi như Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn có lúc bị cúp nước.
Ông Nguyễn Trường Ảnh, Giám đốc Dawaco cho biết, nguyên nhân của việc áp lực nước tại TP Đà Nẵng giảm nhiều do nguồn nước tại Nhà máy nước Cầu Đỏ nhiễm mặt quá cao. Độ mặn đo được ở nhà máy nước Cầu Đỏ tăng đến gần 12.000 mg/lít, trong khi độ mặn cho phép là 250 mg/lít. Đây là năm mà độ mặn xâm nhập vào cầu Đỏ ở mức cao nhất, các năm trước cao nhất cũng chỉ 7.000 đến 8.000 mg/lít.
Theo ông Nguyễn Trường Ảnh, từ ngày 12-8 đến ngày 20-8, do không có nguồn nước về từ thượng lưu do các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn chặn dòng, trong đó thủy điện sông Bung 4 tích nước, thủy điện A Vương không hoạt động nên mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa xuống thấp từ 2,10 – 2,5m gây ảnh hưởng lớn đến hạ du. Độ mặn tại cửa thu Cầu Đỏ liên tục dao động từ 3.000 – 5.000 mg/l, những lúc đỉnh triều, độ mặn lên đến 11.727 mg/l. Từ 6 giờ ngày 13-8-2014, Dawaco đã phải đóng tất cả cửa thu nước tại Cầu Đỏ, nước thô được lấy toàn bộ trên đập An Trạch. Tuy nhiên, nước tại An Trạch cũng thấp hơn bình thường, không đủ nước thô để xử lý, lượng nước sạch cấp vào mạng giảm 30 – 40.000 m³/ngày so với nhu cầu sử dụng nước thực tế.
Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng cho biết, sở đã tham mưu UBND TP Đà Nẵng có văn bản gửi Bộ TNMT và Bộ Công thương đề nghị hai thủy điện A Vương và thủy điện Đắk Mi 4 xả nước để bù lượng nước thiếu hụt nhưng đến cuối tháng 8, Vu Gia vẫn hụt nước.
Lo lũ chồng lũ
Ông Huỳnh Vạn Thắng cho biết thêm, mùa khô năm nay Sông Bung 4 bắt đầu tích nước ở thượng nguồn sông Vu Gia thì Đà Nẵng thiếu hụt nước sinh hoạt. Trong khi đó, chỉ còn 1 tháng nữa là đến mùa mưa lũ, Đà Nẵng lại lo thủy điện Sông Bung 4 gây “lũ chồng lũ” vì hiện nay thủy điện này chưa đưa vào quy trình vận hành liên hồ.
Ông Võ Văn Điềm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay các ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam đang tiến hành kiểm tra các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh để đảm bảo an toàn trong mùa lũ cũng như cho công tác vận hành liên hồ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, theo Quyết định 909 của Thủ tướng Chính phủ chỉ điều chỉnh 3 hồ chứa thủy điện là A Vương, Sông Tranh 2 và Đắk Mi 4. Còn hồ chứa thủy điện Sông Bung 4 hiện đã tích nước nhưng lại không nằm trong quy trình vận hành liên hồ.
Năm nay, theo chỉ đạo của Chính phủ, việc vận hành liên hồ chứa được giao cho Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam quyết định. Việc giao hoàn toàn cho địa phương quyết định vận hành liên hồ chứa thủy điện sẽ kịp thời điều chỉnh và cắt lũ cho hạ du nhưng điều lo lắng nhất hiện nay là địa phương không đủ năng lực để tính toán, phân tích cho việc điều hành. Vì vậy, người dân sống vùng hạ du hệ thống sông Vu Gia và Thu Bồn vẫn thấp thỏm trước mùa mưa lũ.
Quảng Ngãi: Thủy điện chặn dòng, thủy lợi khô nướcTừ cuối tháng 3-2014 đến nay, mực nước ở đập dâng Thạch Nham (Quảng Ngãi) đã bắt đầu xuống thấp, nhiều hồ chứa nước bắt đầu trơ đáy.
Ông Nguyễn Lập – Phó giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi cho rằng, nguyên nhân dẫn đến mực nước đập dâng Thạch Nham xuống thấp một phần do từ sau tết đến nay trời không mưa, một phần do Thủy điện Đắk Đrinh (huyện Sơn Tây) đang tích nước để phát điện nên chắn dòng sông Đắk Đrinh, lượng nước về đập gần như kiệt nên mực nước trên đập không cải thiện được. Hà Minh/Sài Gòn Giải Phóng |