ThienNhien.Net – Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố ngày 9/9, lượng khí điôxít cácbon (CO2) gây hiệu ứng nhà kính thải vào khí quyển đã tăng kỷ lục trong năm 2013, trong khi hầu hết bề mặt các đại dương, nơi hấp thụ lượng lớn khí thải CO2, lại đang bị axít hóa nghiêm trọng hơn bao giờ hết.
Năm 2013, lượng khí thải CO2 toàn cầu, nguyên nhân chính gây ra sự ấm dần lên của Trái Đất, đạt mức 396 ppm, tăng 2,9 ppm so với năm 2012 và đây là mức tăng hàng năm lớn nhất trong 30 năm qua. Các loại khí gây hiệu ứng nhà kính khác như mêtan và ôxít nitơ đều tăng ở mức kỷ lục trong năm 2013, trong đó khí mêtan tăng lên mức 1.824 ppb, ôxít nitơ tăng lên mức 325,9 ppb.
Trong khi đó, bề mặt các đại dương – nơi hấp thu khoảng 1/4 lượng khí phát thải, đang xảy ra tình trạng axít hóa mà WMO đánh giá là chưa từng có trong tiền lệ 300 triệu năm qua, khiến cho hệ sinh thái đại dương biến đổi. Lượng khí thải CO2 tồn tại hàng trăm năm trong bầu khí quyển, thậm chí còn lâu hơn trong lòng đại dương gây ra những tác động lâu dài lên tình trạng ấm dần của Trái Đất và axít hóa của đại dương và dự báo tình trạng này sẽ càng tồi tệ hơn nếu con người tiếp tục làm ngơ.
Giám đốc WMO Michel Jarraud (Mi-sen Gia-rốt) cho rằng những hoạt động khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch phục vụ quá trình công nghiệp hóa là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu, khiến cho thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn. Hơn nữa, con người có đủ hiểu biết và công cụ để kiềm chế sự ấm dần lên của Trái Đất ở mức 2 độ C. Vì vậy, ông kêu gọi các nước trên thế giới cần gấp rút hành động nhằm cắt giảm lượng khí thải CO2 và những loại khí nhà kính khác để ngăn chặn tình trạng này.