Bài 2: Mất rừng nơi được giao giữ rừng
ThienNhien.Net – Tại lâm phần do các Cty Lâm nghiệp quản lý, rừng bị chặt phá diễn ra tràn lan. Rừng bị người dân “cạo trọc” để làm nương rẫy. “Đầu nậu” đất lộng hành, “tác oai tác quái” trong sự bất lực của các Cty. Có Cty được giao quản lý, bảo vệ rừng nhưng để mất một nửa diện tích.
Giữ hơn 14 nghìn ha rừng, để mất một nửa
Tại tỉnh Đắc Lắc, từ năm 2008 đến 5-2014, trên địa bàn toàn tỉnh đã có hơn 26,4 nghìn ha rừng bị phá và lấn chiếm, trong đó các Cty lâm nghiệp chiếm diện tích hơn 11.1 nghìn ha. Trong số này, nổi bật nhất là Cty Cư Mlan. Cty này được giao quản lý hơn 14 nghìn ha nhưng diện tích rừng bị mất và xâm chiếm lên đến 7 nghìn ha. Tình trạng mất rừng diễn ra ở hầu hết các tiểu khu, riêng 2 tiểu khu 262, 264 (có diện tích 1,5 nghìn ha) bị xâm chiếm hoàn toàn.
Tại 2 tiểu khu này, chúng tôi “rùng mình” khi thấy toàn bộ diện tích rừng bị “cạo trọc” không thương tiếc. Có vạc rừng vừa mới bị phá, cây rừng nằm bẹp dí trên đất, chồng chất lên nhau. Những năm trước, đây vốn là những cánh rừng xanh bạt ngàn, cây rừng um tùm, có cây to bằng 2-3 người ôm nay trơ trọi, chỉ còn gốc cháy đen, trơ trụi. Ngô, lúa, đậu… đua nhau mọc trên đất rừng. Còn tại tỉnh Đắc Nông, từ năm 2004 đến nay, tổng diện tích rừng bị phá và lấn chiếm là hơn 27,6 nghìn ha, trong đó, các Cty lâm nghiệp chiếm diện tích rất lớn.
Đáng chú ý, từ năm 2008 đến năm 2013, chỉ riêng Cty Trường Xuân (đóng tại xã Trường Xuân, H. Đắc Song, tỉnh Đắc Nông) đã để mất hơn 4,5 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp. Diện tích rừng bị phá nhiều ở các tiểu khu 1676, 1677, 1678, 1687, 1689, 1708. Khảo sát tại tiểu khu 1687, chúng tôi nghẹn lòng khi thấy những vạc rừng xanh tươi bị “mần thịt”, nhường đất sống cho những cây mì, bắp, cà-phê…
Lý giải việc để mất rừng, chủ rừng biện hộ: “Do kinh phí bảo vệ rừng không đủ, lực lượng bảo vệ rừng mỏng, đến chuyện cán bộ buông lỏng quản lý… nên dù rất cố gắng thì cũng không tránh khỏi…”. Theo ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục lâm nghiệp Đắc Lắc, ngoài những lý do mà chủ rừng nêu trên, thì việc chưa xử lý nghiêm các đối tượng xâm hại rừng… khiến lâm tặc “nhờn thuốc”, là nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc phá rừng, bao chiếm đất rừng vẫn âm ỉ diễn ra. Ngoài ra, người đứng đầu Cty không năng động trong quản lý, điều hành nên không giúp Cty vượt qua khó khăn”. Còn ông Vũ Minh Khôi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đắc Nông lại nhấn mạnh: “Ngoài ra, chính sách quản lý đất đai vẫn còn nhiều bất cập. Chính quyền địa phương không quản lý dân cư một cách chặt chẽ khiến rừng ngày càng bị lấn chiếm nhiều hơn”.
Công khai buôn bán đất rừng
Trong vai một người đi mua đất trồng cao su, chúng tôi đến 2 tiểu khu 262, 264 thuộc lâm phần của Cty Cư Mlan. Khoảng 100 lán trại được người dân dựng lên để ở. Thấy chúng tôi hỏi mua đất rừng, anh Nông Văn Bảo gãi đầu: “Vợ chồng tôi chỉ có 3ha đất rừng để trồng đậu. Đây là đất tôi khai phá của Cty Cư Mlan từ 7 năm trước. Mỗi héc-ta đất này giá 30 triệu đồng nhưng tôi không bán vì vợ chồng chỉ có chừng đó đất để làm ăn, nuôi con cái thôi. Nếu muốn mua thì anh mang tiền rồi chạy sâu vào 2-3km nữa thì có người bán cho. Ở đó người ta vừa phá rừng. Có điều giá đất rừng rất cao, cỡ 90 triệu ha lận”. Chúng tôi chê đắt, Bảo hất hàm nói: “Đắt chi, đất tốt thì đắt thôi”. Bảo cũng cho biết: “Ở đây toàn là đất rừng đi chiếm nên không ai có sổ đỏ. Ai mua bán đất thì viết giấy tay cho nhau thôi”.
Thực tế, việc buôn bán đất rừng diễn ra tràn lan, gây xung đột giữa người dân với chủ rừng, dẫn đến khiếu kiện khắp nơi. Đỉnh điểm là 29 hộ dân đồng bào ở các xã Ea Kiết, Ea M’tar, Ea Mdroh (H. Cư M’gar, Đắc Lắc) đã làm đơn khiếu nại Cty Buôn Ja Wầm (H. Cư Mgar) lên Thanh tra Chính phủ vì Cty hủy hoại tài sản, chiếm gần 70 ha đất của dân. Thực chất, số đất tranh chấp trên thuộc tiểu khu 547A, xã Ea Kiết, thuộc quản lý của Cty Buôn Ja Wầm.
Một số đối tượng đã chặt phá để chiếm đất, sau đó lừa bán cho 29 hộ dân nói trên với số tiền hơn 2 tỉ đồng. Cty Buôn Ja Wầm tiến hành giải tỏa đất, sau đó ưu tiên cho các hộ dân này liên kết trồng rừng, ăn chia sản phẩm. Tuy nhiên, cả 29 hộ đều không hợp tác. Khi Cty trồng rừng thì kéo ra chặt phá để chiếm lại đất. Cơ quan chức năng tiếp tục giải tỏa để trồng lại rừng thì 22 người dân chống đối quyết liệt, một cán bộ bảo vệ rừng bị trọng thương. Sau vụ việc trên, 29 hộ dân gửi đơn khiếu nại khắp nơi.
Ông Nguyễn Hữu Thu, Giám đốc Cty Cư Mlan cho biết: “Tại 2 tiểu khu 262, 264 nêu trên, phía Cty đã phát hiện một đường dây mua bán đất rừng trái phép với diện tích 15ha. Sự việc bắt đầu từ tháng 7-2014, Cty phát hiện một số người dân chở đất đá, vật liệu xây dựng vào 2 tiểu khu trên để xây lán trại giữa rừng. Những người này khai đã mua đất của một đầu nậu với giá 30 triệu đồng/ha. Việc mua bán bằng giấy viết tay. Sau khi có đầy đủ bằng chứng, Cty đã phôtô lại rồi chuyển cho cơ quan chức năng điều tra, xử lý”.
Theo ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục lâm nghiệp Đắc Lắc, ngoài đầu nậu gỗ, trên địa bàn còn xuất hiện thêm loại đầu nậu đất. Đầu nậu đất hoạt động rất tinh vi, chúng không trực tiếp ra mặt mà thông qua một trung gian gọi là “cai đầu dài”. “Cai đầu dài” tổ chức thuê người phá rừng, bao chiếm rừng. Diện tích rừng bao chiếm được chúng bán lại cho các hộ dân di cư tự do hoặc dân ở các huyện khác thiếu đất sản xuất. Cũng theo ông Hưng, từ trước đến nay, việc chưa xử lý nghiêm, chưa “lôi” được mấy ông đầu nậu đất ra để xử lý tận gốc khiến tình trạng buôn bán đất rừng vẫn còn xảy ra trong sự bất lực của Cty và ngành chức năng.