ThienNhien.Net – Từ phân trường Ea Wy vào tiểu khu 102 thuộc Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Wy (Đăk Lăk), chúng tôi vượt qua những đoạn đường ổ trâu, đang mùa mưa trơn như đổ mỡ.
Xe máy phải cài số một mới nhích được từng đoạn, khó khăn lắm chúng tôi mới tới tiểu khu 102, đây là “điểm nóng” về nạn lấn chiếm đất rừng.
Anh Nguyễn Xuân An, Phó GĐ Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Wy mới ngoài 30 tuổi, kể về những ngày đầu gắn bó với với ngành lâm nghiệp: “Tôi quê ở xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Năm 2002 sau khi tốt nghiệp đại học tôi xin về đây làm. Thời gian đầu, do không quen với môi trường nên bị sốt rét liên tục hành hạ, có khi phải nằm viện cả chục ngày mới khỏi.
Khi đó, đời sống của người dân ở đây còn thiếu thốn, lạc hậu, nên nhiều tiểu khu người dân cứ lén lút phá rừng để lấy đất SX. Chúng tôi ngày nào cũng phải cuốc bộ cả chục cây số đường mòn ở rừng để đi kiểm tra.
Khi đến những điểm nóng, cứ 5 anh em chốt ở một tiểu khu, trước lúc đi phải chuẩn bị lương thực như gạo, cá khô, xoong nồi, võng dù… cho chuyến đi cả 10 ngày ăn và nghỉ lại ở trong rừng”.
Tôi cũng từng nghe “Bài ca người thợ rừng” của nhạc sỹ Phạm Tuyên, nhưng chưa bao giờ thấy xúc động như lần này. Từng lời ca: “Rừng ơi! Ta đã về đây, mang sức của đôi tay, lao động khó khăn không quản ngại. Rừng ơi! Trong tiếng ca hôm nay, vang lên cuộc đời, sáng tươi trong tương lai…” vang lên giữa cánh rừng, do chính những công nhân của Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Wy hát với bao cảm xúc ở một nơi rừng sâu, từng lâm cảnh đói rét. |
Ông Phạm Tấn Việt, Giám đốc Cty Lâm nghiệp Ea Wy cho biết, ở một số tiểu khu thuộc lâm phần Cty quản lý, phần lớn là diện tích đất trống, đất nông nghiệp bị các hộ dân lấn chiếm, sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ và sử dụng đất rừng.
Đầu năm 2014, Cty đã tổ chức họp dân và vận động tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước để người dân hiểu giao lại đất đã lấn chiếm cho Cty. Đến nay, Cty đã thu hồi được 106 ha từ 100 hộ dân.
Những diện tích đất thu hồi Cty thực hiện phương án trồng rừng SX bằng nguồn vốn vay của dự án FLITCH, nguồn vốn Cty và người dân cùng góp vốn. Trong năm 2014, Cty đã thiết kế trồng rừng được 213,5 ha, trong đó có 115 ha cây tếch và 97,58 ha keo lai thuần, với nguồn vốn đầu tư hơn 4 tỷ đồng.
Theo tính toán của ông Việt, 1 ha tếch trồng với mật độ 1.111 cây, sau 12 – 15 năm sẽ cho khai thác gỗ, hiện gỗ tếch đạt từ 1 – 1,5 tỷ đồng/ha. Cây keo lai chu kỳ từ 5 – 7 năm thu được 30 – 40 triệu đồng/ha.
Vừa qua, đã có 300 hộ dân trong lâm phần tự trồng lại rừng, Cty đã hỗ trợ cây giống, tiền công và hướng dẫn kỹ thuật. Khi khai thác sản phẩm họ được hưởng lợi 90%. Bên cạnh đó, Cty cho các hộ dân trồng cây ngắn ngày trên đất mới thu hồi để có thêm thu nhập.
Ông Việt còn cho biết thêm: Mặc dù định suất trồng rừng và nhận khoán quản lý bảo vệ rừng còn thấp, chưa thực sự thu hút nhiều hộ gia đình tham gia nghề rừng, nhưng có thể nói giá trị kinh tế mà họ nhận được và hưởng lợi từ rừng đã góp phần đáng kể trong việc cải thiện đời sống gia đình.
Điển hình là ông Phan Văn Minh ở xã Ea Wy trồng 30 ha cây tếch từ năm 1997, nay giá trị vườn cây hơn 30 tỷ; ông Cam Anh Văn trồng 3 ha và ông Phùng Trung Cộng 1,5 ha, mỗi hộ cũng có vườn cây giá trị vài tỷ đồng.
Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Wy đang quản lý 11.653 ha, trong đó hơn 10.000 ha có rừng, trên địa bàn 4 xã Ea Wy, Cư Mok, Ea Ral, Cư Amung, huyện Ea H’Leo (Đăk Lăk). Trong vùng có khoảng 40.000 nhân khẩu và gần 8.000 hộ dân, với hơn 80% số hộ SX nông nghiệp. Vì vậy, cuộc sống còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi đất đai ngày càng bị xói mòn, bạc màu, năng suất cây trồng giảm.
Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Wy được đánh giá là doanh nghiệp đóng vai trò “bà đỡ” tích cực và quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân thông qua các dự án trồng rừng SX để nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường và chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng ở địa phương. |
Để tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con, Cty đã chủ động giao đất, giao rừng tạo thêm việc làm cho bà con trong vùng có thêm thu nhập.
Đến nay đã giao đất, giao rừng cho 1.427 hộ dân trong vùng theo Nghị định 135/NĐ-CP được hơn 2.066 ha, giao khoán theo Nghị định 01/CP là 509,87 ha, đồng thời Cty còn xây dựng nhiều mô hình làm thí điểm có hiệu quả cao trong công tác giao khoán, quản lý bảo vệ rừng để bà con làm theo.
Ngoài ra, Cty còn chủ động phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phổ biến sâu rộng đến người dân đang canh tác trên lâm phần hiểu rõ lợi ích của việc trồng rừng theo hướng hàng hoá tập trung.
Cty còn làm tốt công tác quản lý đất đai. Mọi trường hợp cây trồng lâu năm trên đất trồng rừng, đất SX nông nghiệp hằng năm sau kiểm kê phải được lập biên bản và ký hợp đồng thoả thuận với Cty theo Nghị định 135/ NĐ-CP. Những trường hợp cố tình không chấp hành thì lập biên bản gửi đến các cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Từ năm 2002-2014, Cty đã trồng mới được 2.850,90 ha rừng, trong có 500 ha rừng phòng hộ và 2.400 ha hỗ trợ người dân trồng rừng. Trong những năm gần đây người dân đã tham gia vào các dự án trồng rừng của Cty như chuyển đổi dần những diện tích trồng điều kém hiệu quả sang trồng rừng dự án, đã có 500 hộ tham gia trồng rừng được 500 ha.
Cty đầu tư cây giống, vật tư, công lao động và kỹ thuật. Khi có sản phẩm người dân được hưởng 90%, Cty được 5% và địa phương 5%.