ThienNhien.Net – Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) vừa hợp tác phát hành ấn phẩm Administering Fiscal Regimes for the Extractive Industries: A Handbook (Tạm dịch: Cẩm nang quản lý tài chính cho ngành công nghiệp khai khoáng) nhằm bổ khuyết những khoảng trống cho công tác quản trị nguồn thu từ nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Đã có rất nhiều nghiên cứu liên quan tới chính sách tài chính được triển khai nhằm đảm bảo tăng trưởng bền vững, tuy nhiên khía cạnh quản trị nguồn thu từ tài nguyên thiên nhiên lại chưa được chú trọng. Lỗ hổng này là hết sức nghiêm trọng bởi vì một cơ chế tài chính chỉ có thể hiệu quả khi năng lực quản trị của các thể chế nhà nước được duy trì bằng chính nguồn thu của nó.
“Ấn phẩm là một trong những công cụ đầu tiên có thể giúp giải quyết các thách thức phức tạp của việc quản lý nguồn thu từ ngành công nghiệp khai khoáng” – Ông Katherine Baer, Ban Quản lý Nguồn thu nguồn IMF nhận xét.
Nội dung ấn phẩm chủ yếu tập trung vào vấn đề quản trị hiệu quả các nguồn thu từ tài nguyên thiên nhiên, cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách cũng như chính quyền tại các quốc gia đang phát triển và mới nổi các hướng dẫn cụ thể để thiết lập khung thể chế, tổ chức và các quy chế nhằm quản lý tốt nguồn thu này.
Trong ấn phẩm, các tác giả cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tính minh bạch để đáp ứng những đòi hỏi ngày càng tăng từ trong nước cũng như quốc tế về minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý các nguồn thu từ tài nguyên.
Ngoài ra, ấn phẩm còn đưa ra những khuyến nghị giúp các nước đang phát triển tăng cường năng lực quản trị và kỹ thuật để quản lý các nguồn thu.
Cuốn cẩm nang cung cấp các giải pháp cho những thách thức thực tế mà các nước đang phát triển đang phải đối mặt trong nỗ lực duy trì nguồn lực phù hợp để giải quyết những phức tạp trong quản lý nguồn thu từ tài nguyên. Hiện tại, lương công chức ở các nước đang phát triển kém cạnh tranh hơn nhiều so với khu vực kinh tế tư nhân, do vậy, cuốn cẩm nang gợi ý các quốc gia giàu tài nguyên nên đặt ra một mức lương tương đối cạnh tranh riêng cho đội ngũ cán bộ làm công tác liên quan tới quản lý nguồn thu để tránh chảy máu chất xám. Để khắc phục các trở ngại liên quan tới nguồn nhân lực, các sách lược về đào tạo, quản lý, tuyển dụng giúp chính phủ duy trì lực lượng chuyên gia cần thiết cũng được các tác giả đưa vào trong cẩm nang.
Việc tổ chức quản lý thuế và phối hợp liên ngành trong chính phủ cũng được các tác giả cuốn sách nhấn mạnh như một phần quan trọng quyết định hiệu quả quản lý. Quản lý tích hợp tại một cơ quan thuế được đưa ra như một giải pháp về cơ cấu hiệu quả nhờ tính đơn giản và tập trung. Mặt khác, các tác giả cũng lưu ý rằng có rất nhiều bất lợi trong cơ chế phân quyền quản lý giữa các cơ quan chính phủ như chồng chéo công việc, thiếu trách nhiệm giải trình và thiếu phối hợp giữa các cơ quan…
Ông Jack Calder, Nguyên Phó Giám đốc Sở Thuế vụ dầu khí Vương quốc Anh, một trong các tác giả của tài liệu này nhận xét: “Ai cũng muốn có một phần lợi nhuận từ chiếc bánh trời cho nên việc quản lý nguồn thu từ tài nguyên thiên nhiên một cách tập trung sẽ phải đối mặt với những trở ngại về chính trị nhưng đó là chìa khóa để kiểm soát một cách có hiệu quả, đảm bảo tính minh bạch và duy trì đội ngũ nhân sự có năng lực”.
Những thách thức mang tính đặc thù khác liên quan đến nguồn thu từ tài nguyên thiên nhiên dẫn đến những thách thức đặc trưng như tính bất ổn và rủi ro cao, sự biến động lớn về quy mô và lợi nhuận, vốn đầu tư lớn, cơ cấu thương mại phức tạp, thời gian phát triển lâu dài và nhiều các yếu tố khác. Danh sách dài các thách thức và các khoản thu khổng lồ mà ngành công nghiệp khai thác tạo ra đã đặt ra thách thức to lớn trong quản trị, đặc biệt là trong bối cảnh năng lực tổ chức yếu kém.
Tính phức tạp và những khó khăn trong quản trị nguồn thu từ ngành công nghiệp khai thác cũng đồng nghĩa với việc chúng nhận được ít quan tâm hơn mức cần thiết. Những cải cách hành chính về thuế và hỗ trợ kỹ thuật cho đến nay thường tập trung vào tổng thể thay vì được thiết kế riêng cho ngành ngành công nghiệp khai thác – ngành đóng góp nguồn thu lớn cho chính phủ.
“Nâng cao chất lượng quản lý nguồn thu là yếu tố quan trọng của quản trị hiệu quả ngành công nghiệp khai khoáng. Ấn phẩm này góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiểu biết về các mô hình thực tiễn hiệu quả giúp nguồn thu từ ngành khai khoáng có thể trực tiếp hỗ trợ cho công tác xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy thịnh vượng chung.” – Ông Charles Feinstein, Giám đốc Ban Năng lượng và Khai khoáng toàn cầu của WB nhận định.