ThienNhien.Net – Khắc Niệm là làng nghề làm bún truyền thống ở TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động. Tuy nhiên, do chưa có giải pháp khả thi trong xử lý chất thải môi trường nên tình trạng ô nhiễm đang ngày một nghiêm trọng.
Ô nhiễm khủng khiếp
Theo thống kê, Khắc Niệm hiện có hơn 300 hộ làm bún, trong đó tập trung chủ yếu tại các thôn Tiền Trong, Tiền Ngoài và thôn Mộ. Mỗi ngày có hàng nghìn m3 nước thải chưa qua xử lý xả ra hệ thống cống, rãnh đang khiến môi trường nước bị ô nhiễm trầm trọng.
Hiện các kênh tiêu thoát nước chạy từ thôn Tiền Ngoài đến thôn Mộ với chiều dài gần 500 m rộng từ 2 – 3 m đã bị ô nhiễm rất nghiêm trọng và trở thành một con kênh chết.
Toàn bộ đoạn kênh dài 7 km từ thôn Tiền Trong đi qua 4 xã và đổ vào sông Sào Khê đã bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi nước thải từ làng nghề bún Khắc Niệm và nhiều cơ sở chăn nuôi dọc hai bên bờ kênh. Hệ thống mương xuống cấp, khiến các chất thải ứ đọng, gây tắc nghẽn, tràn ra đường, bốc mùi hôi thối.
Kết quả phân tích chất lượng nước thải làng nghề SX bún Khắc Niệm của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh cho thấy, các chỉ tiêu cơ bản để đánh giá chất lượng nước như COD, BOD, hàm lượng coliform đều cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 20 – 30 lần. Hiện chưa có con số thống kê, nhưng đã có rất nhiều người dân ở Khắc Niệm mắc các bệnh về đường hô hấp, bệnh ngoài da.
Ông Nguyễn Thanh Đôn, Phó Chủ tịch UBND xã Khắc Niệm cho biết, nhiều nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm như mật độ dân cư đông, thiếu mặt bằng SX, xưởng SX xen lẫn khu dân cư.
Mặt khác, dưới áp lực của sự gia tăng dân số, diện tích ao, hồ, sông ngòi dùng để điều tiết nước thải bị thu hẹp do san lấp làm nhà ở. Số lượng ao hồ còn lại quá ít nên quá tải, dẫn đến nước thải ứ đọng, tràn cả ra khu dân cư, gây ô nhiễm trầm trọng. Bên cạnh đó, công nghệ và quy trình SX thô sơ lạc hậu cũng là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm.
“Các cơ quan chức năng và chính quyền xã đã tiến hành vận động các hộ SX xây dựng các bể biogas để chứa chất thải. Hiện tại, cả xã mới có khoảng hơn 100 trong số hơn 300 hộ chăn nuôi xây dựng bể biogas nên lượng chất thải chăn nuôi thải xuống cống rãnh vẫn rất lớn”, ông Đôn cho hay.
Mới đây, đoàn cán bộ, kỹ sư của tập đoàn xử lý chất thải chuyên nghiệp hàng đầu Việt Nam Hoài Nam – Hoài Bắc đã về làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh với mong muốn tham gia vào công cuộc xử lý ô nhiễm ở làng bún Khắc Niệm. Tại đây, các chuyên gia của Hoài Nam – Hoài Bắc đã đề xuất các phương án xử lý chất thải và nhận được sự đồng tình cao của các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh. |
Năm 2007 có đơn vị đã đầu tư tại đây một hệ thống xử lý nước thải chế biến và sinh hoạt với quy mô 450 m3/ngày đêm và hoàn thành vào năm 2009. Tuy nhiên, hệ thống này chỉ hoạt động được một thời gian và đến nay hoàn toàn tê liệt do lưu lượng nước thải hàng ngày là 2.500 m3 vượt quá công suất của hệ thống hơn 5 lần.
Quyết tâm xử lý
Nhằm giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm trên địa bàn, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai đề án xử lý chất thải môi trường làng nghề đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tổng kinh phí lên đến 390 tỷ đồng.
Trong đó, dự án đầu tư xây dựng hệ thống nước thải làng nghề bún Khắc Niệm với công suất 2.500 m3/ ngày với tổng mức đầu tư của dự án là 60 tỷ đồng.
Theo đề án, đến hết năm 2015, toàn tỉnh thống nhất thông tin về số lượng và hiện trạng SX, hiện trạng môi trường các làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn. Hoàn thành việc đánh giá mức độ ô nhiễm tại các làng nghề, phân loại các cơ sở SX có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Xử lý triệt để 6 làng nghề nằm trong danh mục các làng nghề ô nhiễm môi trường cần xử lý theo chương trình Mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, gồm làng nghề tái SX giấy Phong Khê, làng nghề SX bún Khắc Niệm, làng nghề tái chế nhôm Mẫn Xá, làng nghề đúc đồng Đại Bái, làng nghề tái chế thép Đa Hội, làng nghề đúc đồng Quảng Bố.
Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ công khai và cập nhật thường xuyên danh sách, thông tin về thực trạng các làng nghề được công nhận, làng nghề chưa được công nhận và làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, quản lý chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề, cơ bản kiểm soát được tình trạng ô nhiễm môi trường…
Tất cả các cơ sở SX còn tồn tại trong các làng nghề chưa được công nhận có biện pháp xử lý chất thải theo quy định hoặc di dời vào cụm công nghiệp làng nghề hoặc chấm dứt hoạt động. Phấn đấu đến năm 2030, các làng nghề trên địa bàn tỉnh được công nhận, thống nhất quản lý và tuân thủ đầy đủ các điều kiện về môi trường.
Kinh phí thực hiện bảo vệ và xử lý triệt để ô nhiễm môi trường làng nghề cho các đơn vị sẽ được tỉnh phân bổ từ nguồn ngân sách của trung ương, địa phương và vốn ODA, vốn ưu đãi tín dụng và vốn góp của các cơ sở SX…