Bài 2: Bảo vệ rừng từ những tổ tự quản
ThienNhien.Net – Không hiếm những câu chuyện lâm tặc chính là cư dân bản địa hoặc người dân đốt rừng làm rẫy. Nhưng điều ngược lại đã được thực hiện ở khu bảo tồn Ngọc Sơn – Ngổ Luông như một phép màu, khi người dân thành lập Ban Quản lý lâm nghiệp để bảo vệ chính những khu rừng bao bọc quanh mình. Nhờ thế, những cánh rừng nơi đây ngút ngàn xanh mướt, dãy Pù Luông càng thêm kỳ vĩ, còn cuộc sống người dân ổn định hơn khi biết bảo vệ, khai thác rừng hợp lý.
Hậu quả từ phá rừng
Xã Ngọc Sơn vào thu trong cái mướt mát của những vạt ngô, vạt lúa trên những sườn đồi. Cảnh tượng thanh bình hôm nay trái ngược hẳn với sự sôi động của mấy năm về trước. Nhưng cái sôi động của những hoạt động kinh tế ấy không đi kèm với niềm vui.
Anh Bùi Văn Tường – Phó Ban tự quản Lâm nghiệp xóm Khú vẫn chưa quên những ngày tháng “sôi động” ấy: “Từ bản vào khu rừng già không xa, chỉ độ chục con dao quăng mà thôi (cách tính quãng đường của người dân miền núi). Vào rừng tiện lắm. Xưa người dân vẫn vào rừng lấy gỗ làm cửa làm nhà, xây cất chuồng trại. Nhưng cách đây khoảng chục năm, do phát hiện ra giá trị kinh tế cao, người dân ồ ạt vào rừng khai thác. Những loại gỗ quý hiếm, đặc trưng của vùng núi đá vôi như nghiến, lim, trai lý, đinh vàng, mun… vài người ôm không hết lần lượt bị đốn hạ. Các đoàn xe rầm rập vận chuyển gỗ đi tiêu thụ khắp nơi. Người dân ý thức còn kém lắm. Cứ thấy lợi là làm mà không tính toán gì”.
Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Cái lợi vừa đến hôm trước, cái hại ùn ùn kéo đến hôm sau. Chính từ việc khai thác rừng quá mức mà người dân các xã Ngọc Sơn, Ngọc Lâu, Tự Do… luôn là những người phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất sau những trận lũ quét. Những con đường gập ghềnh sỏi đá hằn rõ đường đi của con nước, những máng nước bị cuốn trôi, những ngôi nhà sàn siêu vẹo vì lũ… đã khắc sâu vào tâm trí của không ít người dân trong xóm.
Ngoài việc người dân chưa có ý thức bảo vệ rừng, thì Xóm Khú được biết đến là con đường độc đạo, có thể xuyên qua vùng lõi của khu bảo tồn – nơi chứa đựng khối lượng gỗ lớn nên lâm tặc thường xuyên lai vãng tới. Già làng Quách Xuân Hon cũng đã nhiều lần bị các đối tượng trực tiếp đến hành hung, đe dọa chia sẻ: Chúng tôi là những người trực tiếp gánh chịu hậu quả từ việc khai thác rừng quá mức, nhưng giờ đây bà con đã có ý thức bảo vệ tốt hơn.
Giao quyền tự chủ cho dân
Năm 2012, Ban tự quản lâm nghiệp đã ra đời, toàn bộ 81 hộ dân người Mường trong bản đã cam kết không khai thác, vận chuyển, tiếp tay cho các đối tượng khai thác gỗ trái phép. Những điều cấm được đưa ra trong bản cam kết đã trở thành “kim chỉ nam” giúp người dân bảo vệ, giữ gìn rừng. Việc thành lập tổ tự quản xóm là một sự lạ, bởi Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông là khu rừng đặc dụng của Nhà nước do lực lượng kiểm lâm trực tiếp quản lý, bảo vệ. Lâu nay, đây vốn là điểm nóng về khai thác và vận chuyển gỗ trái phép của tỉnh Hòa Bình. Vậy mà nay người dân địa phương lại được giao tự quản rừng cấm. Để bảo vệ rừng trước việc khai thác ồ ạt của lâm tặc, Ban quản lý lâm nghiệp xóm đã lập các chốt, tiến hành theo dõi những đối tượng lạ mặt lại vãng tới. 81 hộ dân trong xóm gần như đã trở thành 81 điểm chốt canh giữ, bảo vệ rừng. Thấy sự lạ, bà con sẽ báo cho Ban quản lý, chính quyền địa phương và kiểm lâm phụ trách địa bàn.
Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn- Ngổ Luông được giới khoa học đánh giá là khu vực tồn tại những cảnh quan tự nhiên nguyên sơ nhất tại Việt Nam. Có lẽ chưa ở đâu tại Việt Nam việc quản lý, sử dụng rừng đặc dụng lại được cởi mở như vậy đối với người dân địa phương, anh Nguyễn Bình Định, Kiểm lâm viên Hạt kiểm lâm Ngọc Sơn – Ngổ Luông cho biết: “Phải mất hơn một năm, sau sự nỗ lực vận động, giải thích với các bên liên quan và người dân tại địa phương Dự án “Sự tham gia của các tổ chức địa phương trong quản lý bảo vệ rừng đặc dụng” tại Ngọc Sơn – Ngổ Luông mới được thúc đẩy. Việc thành lập tổ chức của cộng đồng thôn, xóm tham gia quản lý bảo vệ rừng đã được thực hiện một cách đúng nghĩa và đầy đủ”.
Nói về phương án hoạt động được ban tự quản xóm, ông Bùi Bình Yên, Giám đốc Hạt trưởng hạt kiểm lâm Ngọc Sơn – Ngổ Luông cho biết: Ban tự quản đã cùng với khu BTTN Ngọc Sơn – Ngổ Luông, chính quyền xã tiến hành xác định vị trí, phạm vi rừng được giao cho xóm tham gia quản lý. Việc xác định này sẽ được tiến hành dựa vào bản đồ và giao trên hiện trường thực tế. Việc giao quản lý bảo vệ rừng cũng sẽ được hình thức hóa ở dạng văn bản, trong đó xác định vị trí, diện tích, số lô khoảnh, hiện trạng rừng khi giao cho cộng đồng quản lý. “Dù còn gặp nhiều khó khăn, vì đây là dự án thí điểm ngay chính tại địa phương có rừng đặc dụng, tuy nhiên khi đội tự quản ra đời người dân đã có thái độ tích cực hơn trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên rừng. Đây là một tín hiệu đáng mừng của miền sơn cước này”, ông Yên khẳng định.