ThienNhien.Net – Hơn 80 hộ dân ở xóm Ba, xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình phát hiện nguồn nước sinh hoạt có màu vàng một thời gian dài làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, vật nuôi, cây trồng.
Chuyện bắt đầu từ cuối năm 2012. Ông Quách Đình Thưởng ở xóm Ba có đơn gửi UBND xã Mông Hóa xin đào ao nuôi cá trong rừng thuộc khu vực suối Chu. Ngay lập tức, ông Bùi Đức Lợi – Phó Chủ tịch UBND xã làm trưởng đoàn vào thị sát vị trí và đã chấp thuận cho ông Lợi được đào ao, nuôi cá theo đơn trình bày.
Vị trí đất này, theo bà Nguyễn Thị Thìn – trưởng xóm Ba thì đó là đất khai hoang phục hóa của bố vợ cho ông Thưởng sử dụng.
Sau khi xã đồng ý, xóm Ba họp lại và yêu cầu ông Thưởng khi thực hiện không được làm ảnh hưởng, phương hại đến dòng chảy của suối Chu. Vì đó là nguồn nước mạch sinh hoạt của 80 hộ dân trong xóm và cũng là nguồn nước tưới không thể thiếu của mấy chục ha sản xuất nông nghiệp của nhân dân.
Cùng tham gia với ông Thưởng còn có ông Phan Thế Hiển (sinh năm 1961) trú tại thôn Víp, xã Minh Quang, huyện Ba Vì, TP Hà Nội. Quá trình đào ao, ông Thưởng đã không làm đúng như cam kết. Nhiều phương tiện máy móc công suất lớn đã cày xới, xâm lấn vào đất cộng đồng, đất rừng phòng hộ.
Ông Thưởng cho các loại xe, máy ủi, máy đào, máy đãi vàng tiến hành san ủi đường đi, thực hiện việc đãi vàng ngay trên dòng suối, tiến rất sâu vào rừng phòng hộ đầu nguồn.
Nhìn cây cối đổ ngã, bật gốc, đất đá được cày xới lật lên tung tóe, dòng suối ngọt lành trong suốt ngày nào đã trở nên đục ngầu một màu vàng úa. Dòng suối kéo theo bao đất đá, lá cây, chất thải về xuôi tạo nên một lớp màng nổi trên mặt nước chảy về phía người dân và ruộng lúa của đồng bào.
Hai cái ao được đào lên. Một bờ ao nằm ngay cạnh con suối. Một bờ ao được tựa vào phía ngọn núi của rừng phòng hộ đầu nguồn. Ở đó một màu xanh của cây rừng đã được san ủi bởi máy móc hiện đại. Hai cái lán được dựng lên trong khu rừng. Một lán có cái sạp bằng tre nứa đủ cho khoảng 7 – 10 người nằm ngủ. Một lán được dựng lên làm nơi nấu ăn và đựng đồ dùng sinh hoạt của những người đi đào vàng, làm ao.
PV NNVN phải rất vất vả để có thể tiếp cận được hiện trường bãi đào vàng này. Sau khi vượt hơn 4 km đường dốc núi khúc khuỷu, gồ ghề, PV đành giấu xe máy vào trong một lùm cây để đi bộ thêm 2km mới có thể vào tận bãi, chứng kiến tận mắt từng vị trí khai thác vàng trái phép của nhóm người này.
Tiếng máy đào, máy ủi, máy sàng lọc đãi vàng cứ gầm xé làm rung chuyển cả khu rừng xanh.
Tại một văn bản do ông Thưởng và ông Hiển viết gửi lãnh đạo và nhân dân xóm Ba hứa sẽ không tái phạm và xin khắc phục bằng việc đóng góp vào quỹ của xóm số tiền 5 triệu đồng. |
Ngày 10/7/2014, ông Thưởng tiếp tục có đơn gửi UBND xã báo cáo sẽ hoàn thiện công trình ao thả cá sớm để xây dựng trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Một lúc sau, nhóm người này phát hiện có người lạ đi vào khu vực khai thác vàng. Chúng chạy đến và xin được “đàm phán”.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tính mạng cũng như những thước phim quay lại được, nhóm PV chúng tôi đã tìm cách thoát khỏi vòng vây.
Quá trình thị sát, chúng tôi còn thấy một con đường mới vừa được mở xuyên qua cánh rừng phòng hộ với chiều rộng khoảng 3 m.
Theo ông Đinh Văn Bình – công an viên xóm Ba thuộc xã Mông Hóa thì rất có thể con đường đó nối với địa bàn xã Phúc Tiến cách đó mấy cây số.
Cũng theo ông Bình, cả chính quyền xã và xóm đều không hay biết việc ai đó đã mở con đường này. “Chúng tôi cũng rất ngỡ ngàng vì không hiểu sao rừng phòng hộ luôn bị xâm hại như thế.
Rừng bị tàn phá thì đã đành nhưng nguy hại hơn cả là con suối bị giày xéo như thế thì ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của hàng trăm con người trong thôn và hàng chục ha đất sản xuất của người dân”.
Liên quan đến sự việc này, chúng tôi đã tìm gặp ông Bùi Đức Lợi – Phó Chủ tịch UBND xã Mông Hóa (Kỳ Sơn – Hòa Bình). Ông Lợi lảng tránh, bảo không nắm rõ. Ông cho hay, năm 2012 có nhận được đơn của ông Thưởng xin phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng sau đó xã không đồng ý.
Rõ là quan liêu và muốn chối bỏ trách nhiệm. Bởi ngày 13/12/2012, chính ông Lợi là người trực tiếp đi kiểm tra và chấp thuận cho ông Thưởng được phép đào ao nuôi cá trong khu đất khai hoang của bố vợ. Để rồi không chỉ có đào ao, ông Thưởng còn làm những việc khác như xâm hại con suối Chu, mở đường vào sâu trong rừng phòng hộ để khai thác vàng trái phép.
Những việc làm vi phạm pháp luật như thế của ông Thưởng mà lãnh đạo xã Mông Hóa phớt lờ nói là không nắm được tình hình?
Còn nhớ, cách đây không lâu, hơn 30ha rừng phòng hộ thuộc địa bàn xã Mông Hóa cũng được các quan xã phù phép chia cho nhau để đốn hạ rừng tự nhiên thay thế bằng một loại cây trồng khác. Trong số đó có cả Phó Chủ tịch HĐND xã và Bí thư xóm Bắn, mỗi người hàng chục ha. Sự việc sau đó cũng được họp và kiểm điểm…
Chỉ có điều họ vẫn còn tại vị, còn rừng phòng hộ thì bị biến dạng liên tục.