Bài 1: “Nóng” tình trạng khai thác gỗ trái phép
ThienNhien.Net – Tình trạng khai thác rừng trái phép ở nhiều địa phương đang dấy lên hồi chuông cảnh báo về công tác bảo vệ rừng tại những khu bảo tồn, rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng. Tuy nhiên, lực lượng kiểm lâm và người dân sống quanh khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ngọc Sơn – Ngổ Luông (Hòa Bình) đã có cách làm riêng trong việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy những tài sản vốn có từ rừng.
Khi chúng tôi đến Khu BTTN Ngọc Sơn- Ngổ Luông chỉ bắt gặp một màu xanh ngút ngàn. Vậy mà ít ai biết được, từ đây đã có hàng nghìn m3 gỗ bị đốn chặt hàng năm, cho thấy mức độ tàn phá rừng ghê gớm. Mặc cho thời tiết vùng cao thay đổi liên tục, ngày nắng gối ngày mưa nhưng đã một thời từng tốp đàn anh, đàn chị giang hồ vẫn kéo quân “nằm vùng”, sẵn sàng điều quân vào rừng khai thác gỗ khi có cơ hội.
Rừng bị khai thác nghiêm trọng
Kiểm lâm viên Nguyễn Trung Thành, hạt Kiểm lâm Ngọc Sơn – Ngổ Luông nhớ lại: Những đối tượng này thường thuê bà con người dân tộc vận chuyển gỗ lậu ra bìa rừng. Người Mường ở đây vốn là những tộc người quen đi rừng, am hiểu địa thế, nắm được những đường đi, lối mòn và các cửa ngõ dẫn vào rừng. Thấy được ưu điểm đi rừng của người bản địa, lâm tặc thường đến tận nhà lân la hỏi chuyện. Khi quen thân, chúng đặt vấn thuê người làm công. Thật thà, chân chất cộng thêm “tiền tươi, thóc thật” được trả hàng ngày, chúng đã lôi kéo được khá nhiều bà con tham gia vào đường dây khai thác, vận chuyển gỗ trái phép của mình.
Nằm trong nhóm lực lượng kiểm lâm thường xuyên tham gia bảo vệ rừng, kiểm lâm viên Nguyễn Bình Định bộc bạch: Rừng chủ yếu trên núi đá vôi, đá tai mèo nên việc tuần tra, bảo vệ rừng không dễ. Anh em kiểm lâm thường phải tổ chức các đợt đi xuyên rừng với những phương tiện được trang bị lạc hậu trong khi lâm tặc sử dụng hệ thống định vị, thông tin liên lạc hết sức hiện đại. Trong rừng, gỗ và nhiều loài động thực vật có giá trị kinh tế cao nên khi bị bắt các đối tượng sẵn sàng chống trả cướp gỗ và phương tiện. Cho đến giờ, anh Định cũng không thể nhớ hết số lần đụng độ với lâm tặc.
Hàng trăm chiếc xe máy, hàng chục m3 gỗ là những tang vật mà hạt kiểm lâm Ngọc Sơn – Ngổ Luông thu giữ được, hiện đang “tập kết” tại sân trụ sở hạt kiểm lâm một lần nữa dấy lên hồi chuông đầy cảnh báo về tình trạng khai thác gỗ trái phép, trong đó có sự tiếp tay của không ít người dân địa phương. Giám đốc Hạt trưởng hạt Kiểm lâm Ngọc Sơn – Ngổ Luông, Bùi Bình Yên cho biết, cách đây vài năm khi thành lập BQL Khu bảo tồn, tình trạng người dân khai thác rừng tại đây có thể nói vô cùng nghiêm trọng. Cộng với việc đầu tư mở đường từ huyện Tân Lạc sang Lạc Sơn xuyên qua rừng càng làm cho rừng bị tàn phá. Cảnh gỗ rừng chất thành từng đống, ngổn ngang khắp các ngả đường. Mỗi ngày có hàng chục chiếc xe máy tham gia vận chuyển gỗ trái phép ra khỏi rừng.
Đưa người dân vào cuộc bảo vệ rừng
Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Văn Tường, PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình cho biết: Hòa Bình có 4 Khu bảo tồn thiên nhiên với tổng diện tích 30.000ha, trong đó khu bảo tồn Ngọc Sơn – Ngổ Luông chiếm gần 13.000ha và là khu bảo tồn đa dạng, phong phú nhất. Đây là tuyến đầu dãy Trường Sơn kéo dài từ tỉnh Sơn La cho đến các tỉnh Miền Nam nối liền với rừng Cúc Phương. 4 Khu bảo tồn này chiếm gần 10% diện tích đất trên toàn tỉnh nên đời sống của người dân còn rất khó khăn.
Nhận rõ tầm quan trọng trong việc bảo vệ, gìn giữ rừng, BQL khu BTTN Ngọc Sơn – Ngổ Luông đã tích cực làm tốt công tác tham mưu, phối hợp tuyên truyền, vận động đến hàng nghìn hộ gia đình trong khu vực khu bảo tồn nhằm nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Bình quân hàng năm, BQL đã phối hợp với UBND các xã mở hàng chục lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến cộng đồng dân cư, thôn, bản về giá trị của tài nguyên rừng. Mặt khác, xác định việc ngăn chặn, bắt giữ các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngay tận gốc luôn là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị.
Ông Bùi Bình Yên, Giám đốc Hạt trưởng hạt kiểm lâm Ngọc Sơn – Ngổ Luông cho biết: BQL thường xuyên chỉ đạo kiểm lâm đảm bảo 2/3 thời gian có mặt tại địa bàn. Đồng thời, thành lập nhiều chốt kiểm tra cơ động 24/24 tại xã Tự Do, Ngọc Sơn, Ngọc Lâu kết hợp với sự tham gia của chính quyền địa phương nhằm ngăn chặn, bắt giữ và xử lý các hành vi vi phạm rừng. Luật Môi trường sắp tới được thông qua sẽ tạo thuận lợi cho công tác bảo tồn. Với những cách thức bảo vệ như mời gọi, thu hút đầu tư để bảo tồn, thu hút đầu tư để bảo vệ rừng, động thực vật, nguồn gen quý, thành lập các tổ tự quản, ban tự quản bảo vệ rừng để người dân trực tiếp tham gia… cũng là một trong những biện pháp cần thiết để bảo vệ, giữ gìn tài sản vốn có của rừng.
Bài 2: Bảo vệ rừng từ những tổ tự quản