ThienNhien.Net – Ít ai biết rằng, ở ngay ngoại ô TP. Thanh Hóa, có một cánh rừng sưa rộng tới 10 ha, từng có cả ngàn cây sưa.
Trong một bữa nhậu ở TP. Thanh Hóa, anh bạn, là trùm buôn gỗ ở xứ Thanh tiết lộ: “Trên núi Hàm Rồng có đến cả ngàn cây sưa. Chuyện này ngay cả người dân Thanh Hóa cũng không biết, nhưng bọn trộm sưa thì không tên nào không biết. Rừng sưa bị trộm suốt, giờ vãn rồi, còn vài trăm cây thôi”.
Ở đâu đó có vài cây sưa thôi, đã thành sự kiện ầm ĩ. Đằng này, cả một cánh rừng với hàng trăm, thậm chí cả ngàn cây sưa hiện diện ngay thành phố đông đúc, mà không ai biết, quả là chuyện lạ. Dù không tin lắm câu chuyện của anh bạn lái gỗ, xong tôi và đồng nghiệp cũng lò dò tìm lên núi Hàm Rồng xem xét sự tình.
Từ chân cầu Hàm Rồng, di tích lịch sử nổi tiếng, đi vòng vèo con đường nhỏ, xuyên qua những vạt đồi, rừng cây rậm rạp, dẫn lên sườn bên kia núi Hàm Rồng. Đường vắng bóng người. Rừng cũng im ắng. Đến tiếng chim hót cũng hiếm hoi.
Chúng đôi đi loanh quanh mãi mới gặp được một người đàn ông dắt trâu từ rừng ra. Tôi hỏi thăm rừng sưa, ông này nhìn với con mắt cảnh giác, rồi chỉ đường một cách hờ hững.
Đi được một đoạn, thì thấy tiếng xe máy nổ phía sau, đi chầm chậm, giữ khoảng cách với chúng tôi độ 200m. Có lẽ, việc hỏi thăm rừng sưa đã đến tai ai đó.
Đi chừng vài trăm mét theo chỉ tay của người chăn trâu, thì thấy hiện ra căn nhà lúp xúp ngay vệ đường. Một người đàn ông đang ngồi vo gạo chuẩn bị bữa ăn.
Biết chúng tôi là nhà báo, anh dừng tay tiếp đón trên chiếc bàn cũ ngay bìa rừng. Anh giới thiệu là Mai Xuân Sơn, nhân viên bảo vệ Vườn thực vật Hàm Rồng. Anh Sơn bảo rằng, ngay khi chúng tôi rẽ vào rừng, trạm phía dưới đã nắm thông tin và theo sát di biến động của chúng tôi.
Theo anh Sơn, khu rừng sưa có tên là Vườn thực vật Hàm Rồng. Vườn thực vật bao trùm toàn bộ quả núi Hàm Rồng. Khu rừng sưa rộng chừng 10 héc-ta, nằm trên sườn của núi, gồm 2 khu là Thung Xanh và Sao Đen.
Số lượng cây sưa từng có bao nhiêu thì anh không rõ, nhưng hiện tại, theo đánh số thì có gần 500 cây. Mỗi cây đều được đánh số riêng và được gắn biển phản quang.
Núi Hàm Rồng vốn được giao cho các hộ dân từ 40 năm trước. Mỗi hộ dân được chia một vài ha để trồng rừng, phủ xanh đồi trọc. Khu vực Thung Xanh và Sao Đen đất đai cằn cỗi, dốc, lẫn nhiều đá tảng, lại không có nước, không trồng cây gì được, nên các hộ dân trồng sưa.
Ngày đó, cây sưa chẳng có công dụng gì. Cây lớn chậm, thân cành cong queo nên làm gỗ không đắt. Gỗ lại cứng như đá, đun không cháy, nên không có giá trị gì cả. Người dân trồng sưa cốt để phủ xanh đồi, giữ ẩm cho đất.
Thế nhưng, đùng một cái, cách đây hơn chục năm, gỗ sưa có giá, bị săn lùng ráo riết. Những cây gỗ sưa do người dân trồng khi đó đã được 30 tuổi, thân to một người ôm, lõi bằng thân luồng, thậm chí bằng cái phích, rất có giá trị, bị đám sưa tặc nhòm ngó, cưa trộm liên tục.
Thấy giá trị rất lớn của rừng sưa cả ngàn cây, mà rừng sưa lại nằm trên quả đồi lịch sử, tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng thu hồi đất rừng, đền bù cho dân, di dân ra khỏi rừng và thành lập Vườn thực vật Hàm Rồng, tổ chức kiểm lâm, bảo vệ trông giữ.
Theo anh Mai Xuân Sơn, mặc dù có đến 15 kiểm lâm, bảo vệ, chia làm hai trạm, trông coi suốt ngày đêm, song không giữ nổi khu rừng sưa này. Từng ngày, từng giờ sưa bị bọn lâm tặc chặt trộm. Anh Sơn bảo, người Thanh Hóa ít biết đến rừng sưa này, nhưng bọn trộm khắp miền Bắc đều rành.
Thời điểm năm 2011 và 2012, cơn sốt gỗ sưa lên đến đỉnh điểm, đám sưa tặc khắp cả nước đổ về nhòm ngó suốt ngày đêm. Bảo vệ đóng chốt ở chỗ này, chúng lại xẻ gỗ ở chỗ kia.
Giá gỗ sưa đắt như vàng ròng, nên tội phạm càng manh động. Bọn chúng thường tổ chức một nhóm, ít nhất cũng phải 4 tên. Chúng dùng cưa tay, loại cưa Cá Mập rất sắc, chỉ kéo đi kéo lại vài lần là cây sưa một vòng tay ôm đã đổ kềnh.
Trong khi một số tên hạ cây, xẻ gỗ, thì những tên còn lại với mã tấu, kiếm dài cả mét, tuýp nhọn, thậm chí là súng đứng cảnh giới, sẵn sàng đâm chém lực lượng kiểm lâm, bảo vệ. Vì thế, chỉ tính năm 2011, hàng chục cây sưa tiếp tục bị đốn hạ.
Không đấu lại với bọn lâm tặc manh động, kiểm lâm đã kiến nghị với lãnh đạo tỉnh. Năm 2012, lãnh đạo Công an tỉnh Thanh Hóa đã vào cuộc, giao cho lực lượng công an phối hợp với kiểm lâm bảo vệ khu rừng này.
Lực lượng bảo vệ đã đốn hạ toàn bộ cây tạp trong khu rừng sưa để mở rộng tầm quan sát. Các cây sưa được đánh số, gắn biển phản quang. Các đội bảo vệ, kiểm lâm bảo vệ sưa 24/24.
Ban ngày, hễ đội này nghỉ, thì đội kia đi tuần. Tại nhà trạm, lúc nào cũng có một đồng chí ngồi quan sát tứ phía. Đêm thì lia đèn pin công suất lớn liên tục khắp rừng để tìm biển phản quan. Chỉ cần điểm nào đó không phản quang, y rằng cây sưa đã bị đốn hạ.
Nếu phát hiện có sưa tặc, lực lượng bảo vệ sẽ điện thoại, lập tức công an, cơ động, dân quân sẽ bao vây tứ phía, tóm sống bọn trộm.
Mặc dù có sự phối hợp tốt, nhưng việc tóm được bọn sưa tặc không phải dễ dàng. Tháng 5/2012, sau cả chục ngày đêm thay nhau mật phục, mặc cho muỗi vắt, mưa gió, mới tóm được nhóm sưa tặc gồm 5 tên.
Bọn chúng đến từ Nam Định, Thanh Hóa, phần lớn đều nghiện hút, nên rất manh động. Nhóm sưa tặc này đã tổ chức 3 lần cưa trộm, và đã đốn hạ tổng cộng 15 cây sưa ở núi Hàm Rồng.
Mặc dù tổ chức bảo vệ rất công phu, nhưng trong 2 năm sốt gỗ sưa (2011 và 2012), sưa tặc hoành hành, núi Hàm Rồng vẫn mất khoảng 200 cây, một con số quá khủng khiếp và tiếc nuối.
Bọn sưa tặc toàn chọn những đêm mưa lớn, giông bão để thực hiện trộm cắp. Những đêm mưa, gió, lực lượng kiểm lâm, bảo vệ cứ mỗi người ôm một cây thì may ra mới bảo vệ được rừng sưa này.
Anh Sơn dắt chúng tôi đi một vòng rừng sưa, chúng tôi đếm không xuể những gốc sưa bị cắt sát mặt đất, vẫn còn trơ ra lõi đỏ. Mặc dù gốc, rễ có giá trị rất lớn, nhưng không ai đào lên đem bán.
Điều đáng ngạc nhiên là vô số gốc sưa lớn quanh trạm kiểm lâm, chỉ cách vài bước chân, cũng bị sưa tặc đốn hạ.
Anh Sơn bảo: “Hầu hết những cây sưa lớn, có lõi đỏ đã bị bọn sưa tặc cưa trộm, hiện chỉ còn những cây nhỏ, không có giá trị kinh tế”.