ThienNhien.Net – Phía sau những KCN hiện đại là cuộc sống “không hề dễ thở” của hàng triệu người dân, công nhân.
Mất đất để xây dựng khu công nghiệp, nhưng cuộc sống của người dân ở xung quanh KCN Yên Phong (Bắc Ninh) không thực sự được như mong ước trước khi KCN này được xây dựng.
Con em địa phương thất nghiệp, dính tệ nạn xã hội
Trái với cảnh khang trang, hiện đại, thôn Trần Xá (xã Yên Trung), và Ô Cách (thuộc xã Đông Tiến), huyện Yên Phong, Bắc Ninh, hai địa phương mất nhiều đất nhất để xây dựng KCN Yên Phong, đường xá, nhếch nhác, bụi bặm. Cùng với đó, câu chuyện về tình trạng thanh niên (chủ yếu là nam giới) thất nghiệp, không được nhận vào làm việc trong KCN lúc này đang là “nóng”.
Gia đình ông Nguyễn Văn Phòng, ở thôn Ô Cách – có con trai lớn đã tốt nghiệp cao đẳng về điện muốn xin vào KCN nhưng không trúng. Lý do phía Công ty Samsung đưa ra rất chung chung là không đạt yêu cầu.
Ông Nguyễn Văn Phòng bày tỏ: “Tôi bị mất ruộng để xây dựng KCN, xây dựng nhà máy nhưng lại không xin được việc cho con vào làm ở đấy thì khó chịu lắm nhưng không biết làm thế nào. Giờ suốt ngày cháu ăn rồi chỉ đi chơi, theo bạn bè. Tôi chỉ lo cháu hư hỏng lúc nào không biết”.
Tìm gặp ông Nguyễn Đức Toàn – Trưởng thôn Trần Xá, chúng tôi cũng nhận được câu trả lời tương tự: Samsung rất hạn chế khi lấy con em người dân ở hai thôn Trần Xá và Ô Cách.
Cũng theo lời ông Toàn, trước đây, khi mới thành lập, Công ty đã ưu tiên cho con em hai thôn này vào làm việc nhưng sau đó xảy ra tình trạng trộm cắp, đánh nhau nên công ty đã dần từ chối người địa phương. Hiện tại, các công ty trong KCN vẫn tuyển công nhân nữ ở địa phương bình thường, nhưng với công nhân nam thì vô cùng hạn chế. “Trong các cuộc họp cử tri của HĐND tỉnh Bắc Ninh chúng tôi đều đã đưa vấn đề này ra, kêu gọi Tập đoàn Samsung quan tâm đến công việc của con em những hộ mất ruộng nhưng đến giờ tình trạng này vẫn chưa có gì được cải thiện”- ông Toàn nói.
Giọng lo lắng, ông Nguyễn Đức Toàn cho biết thêm, lớp trẻ sinh năm 1990 trở lại đây ở trong thôn Trần Xá đa số thất nghiệp. Hàng ngày chỉ đi đá bóng, đánh cờ, ghi số đề…
Cùng chung phản ánh này, ông Trương Văn Đại, trưởng thôn Ô Cách cho biết: Hiện thanh niên lứa tuổi sinh năm từ 1989 đến 1992 không được tuyển dụng, chủ yếu là nam giới, dẫn đến tình trạng chơi bời, lêu lổng và vướng mắc vào các tệ nạn xã hội. Nhiều thanh niên thoát li ra ngoài làm ăn thì đỡ hơn.
Bài toán loanh quanh và những “nhức nhối” ở một vùng quê
Chúng tôi mang câu chuyện ghi được ở hai thôn Ô Cách và Trần Xá lên hỏi ông Trương Văn Vượng, Phó chủ tịch xã Đông Tiến. Ông Vượng khẳng định có việc một số công ty nằm trong KCN Yên Phong không nhận công nhân địa phương. “Người ta lấy lí do là một số công nhân ở địa phương ăn cắp thiết bị của Samsung nên họ không nhận người địa phương” – ông Trương Văn Vượng nói.
Từ khi KCN Yên Phong mọc lên thì ngay ở thôn Ô Cách đã xuất hiện hàng loạt vấn đề. Nổi cộm nhất hiện nay, theo ông Phó Chủ tịch xã Đông Tiến, là các tệ nạn xã hội và tình trạng lấn chiếm đất đai trái phép.
Chỉ tính riêng thôn Ô Cách, theo ông Trương Văn Vượng, hiện có gần 20 thanh niên nghiện, nghi nghiện trên 30, hơn 10 thanh niên có dấu hiệu nghiện. “Nếu không có sự quan tâm, hướng nghiệp, đưa vào công ty mà để hoạt động tự do thì lượng thanh niên hư hỏng sẽ lớn hơn” – ông Phó Chủ tịch xã lo lắng.
Còn về tình trạng lấn chiếm đất đai, theo ông Vượng, “Người dân lấn chiếm đất để xây dựng nhà ở cho công nhân, làm những dịch vụ phục vụ công nhân. Nguyên do là khi thu hồi đất xây KCN, chính quyền không dành 10% cho đất dịch vụ. Dân lấn chiếm ồ ạt, chỉ qua 1 đêm là họ đã làm xong, mà việc lập hồ sơ để cưỡng chế phải được huyện cho phép… vì vậy tái lấn chiếm lại rất khó giải quyết. Hiện cả 4 xã mất đất cho KCN thì cả 4 xã này đều là điểm nóng trong việc lấn chiếm đất đai để làm những dịch vụ phục vụ đời sống công nhân, họ xây nhà trọ, làm tạm lều lán bán hàng… Xã cứ lập biên bản 5 – 7 lần, huyện xem xét chán chê rồi mới cưỡng chế, rồi họ lại tái phạm”.
Tất cả những người dân chúng tôi có dịp tiếp xúc đến các cán bộ thôn, xã ở Đông Tiến và Yên Trung đều có chung một bức xúc: Samsung là một doanh nghiệp lớn, đầu tư tại địa phương nhưng lại chưa có một hỗ trợ nào đối với những thôn mất đất như làm đường hay xây dựng trường mầm non hay chăm lo cho gia đình chính sách…
Những bức xúc này ở địa phương được chuyển tới ông Bùi Hoàng Mai – Phó Trưởng ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh. Ông Mai thừa nhận có chuyện định kiến của một số Công ty trong KCN Yên Phong với người dân địa phương. Việc tuyển dụng lao động trong các KCN trên địa bàn tỉnh đương nhiên ưu tiên con em Bắc Ninh.
“Khi Samsung vào chúng tôi khuyến cáo là nên tạo việc làm cho con em của địa phương và vẫn đang khuyến cáo. Mình khuyến cáo như vậy nhưng theo Luật DN thì DN có quyền tuyển dụng chứ mình không ép được. “Họ đã tuyển con em Bắc Ninh nhiều rồi nhưng các lao động này cậy gần nhà, làm việc thì không đạt, gây gổ đánh nhau, có khi còn dọa đánh cả chủ DN…” – ông Mai nhấn mạnh.
Trước thực trạng này, Ban Quản lý đã đề nghị huyện nào cam kết đồng ý tuyển con em vào nếu họ gây gổ, mất an ninh trật tự thì Huyện phải chịu trách nhiệm nhưng không ai dám cam kết, không ông Chủ tịch nào dám chịu trách nhiệm. “Chính vì thế, các DN rất sợ tuyển con em tại địa phương, vì lỡ xảy ra chuyện gì thì lại kéo họ hàng, anh em ra” – ông Mai nói.
Việc người dân phàn nàn Samsung chưa có đóng góp, trách nhiệm xã hội gì với địa phương, được ông Bùi Hoàng Mai giải thích: Samsung đã ký kết với UBND huyện Yên Phong xây dựng trường học, bệnh viện tại một địa phương trong huyện.
Thế nhưng, tại sao riêng hai thôn Ô Cách và Trần Xá tại sao đường xá, hạ tầng vẫn quá nhếch nhác, bẩn thỉu, ông Mai cho rằng, bây giờ DN làm việc với huyện, huyện chỉ đạo xuống địa phương nào thì làm chứ sao ký hợp đồng trực tiếp với thôn được. Huyện Yên Phong sẽ rà soát, xã phải gửi đề xuất lên.
Quay trở lại xã Đông Tiến để tìm câu trả lời cho câu hỏi “Vì sao xã không làm đề xuất lên huyện để được cấp vốn làm đường, xây dựng hệ thống thoát nước?”, ông Trương Văn Vượng cho biết: “Vì huyện không có bất kỳ văn bản chỉ đạo hay kế hoạch gì để xã đề xuất cả. Không có trong kế hoạch mà mình đề xuất thì lại thành vô duyên”./.
Phản hồi của Samsung về những nội dung VOV.VN phản ánh:
Những thông tin về việc Samsung có sự phân biệt địa phương khi tuyển dụng nhân công là không đúng sự thật. Samsung cung cấp những cơ hội công bằng cho mọi người dân tại Việt Nam và tuyển dụng những người đáp ứng đủ các tiêu chí tuyển dụng đề ra. Vì vậy, những đề cập về việc Samsung phân biệt đối xử khi tuyển dụng là hoàn toàn sai lệch. Kể từ khi nhà máy Samsung Điện tử Việt Nam (Samsung Electronics Vietnam – SEV) bắt đầu hoạt động sản xuất vào năm 2009, Samsung đã nỗ lực để đóng góp cho cộng đồng. Đặc biệt, với trách nhiệm là một công dân doanh nghiệp toàn cầu, Samsung đang thực hiện đa dạng những hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) tại Bắc Ninh, nơi đặt nhà máy Samsung Điện tử Việt Nam. Các hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mà SEV thực hiện, có thể trong chừng mực nào đó, chưa tiếp cận được tất cả các thôn làng tại Bắc Ninh, vì tỉnh Bắc Ninh có rất nhiều thôn làng. Do đó, Samsung sẽ tiếp tục cố gắng hơn nữa để mở rộng thêm nữa các hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đến với người dân tại Bắc Ninh. Chúng tôi có được nghe nói về việc một số người đã “tự khoác áo” nhà tuyển dụng nhân sự của Samsung, để nhũng nhiễu tiền của những người muốn vào làm việc cho Samsung. Chúng tôi rất tự tin rằng các nhân viên nhân sự của Samsung không bao giờ tham gia vào các hành vi nhũng nhiễu, hối lộ này khi tuyển dụng lao động, vì Samsung luôn có các chương trình đào tạo thường xuyên cho nhân viên của mình để tuân thủ đúng tiêu chuẩn đạo đức và pháp luật. |