ThienNhien.Net – Những sông băng tưởng chừng vĩnh cửu ở Tây Tạng dường như đã “nóng lên” tối đa. Trong 2.000 năm qua, nhiệt độ của nguồn nước chính dành cho cư dân khu vực Á châu đã nóng lên đến cột mốc chưa từng thấy trong lịch sử, theo VOA.
Song hành là nhịp độ nước dâng lên trong nửa thế kỷ cũng đã gấp hai lần mức trung bình của thế giới, – như thông báo của các chuyên viên thuộc Viện Nghiên cứu cao nguyên Tây Tạng của CHND Trung Hoa. Theo quan điểm của các nhà khoa học, tình trạng đó tạo nguy cơ sa mạc hoá địa bàn và giáng nhiều thiên tai khác cho toàn thể cư dân của khu vực châu Á.
Trên cao nguyên Tây Tạng là nơi khởi nguồn những con sông lớn của châu Á là Dương Tử và Hoàng Hà, sông Brahmaputra và đường phân thủy mênh mông của Đông Dương là sông Mekong.
Theo tư liệu của các nhà khoa học, trong vòng 30 năm qua, các sông băng của Tây Tạng đã mất đi 8.000 km vuông diện tích, tức là 15% tổng khối đá băng. Nếu cứ thế tiếp diễn xa hơn, thì cảnh tượng chẳng xa sẽ là thường xuyên có lũ lụt tàn phá và lở đất.
Không ngẫu nhiên mà tại cuộc họp vào mùa xuân này ở Yokohama về biến đổi khí hậu, các chuyên gia Liên Hợp Quốc đã nêu ra kịch bản đại hồng thủy tận thế. Dự đoán cái chết của hàng triệu cư dân các khu vực ven biển châu Á do lũ lụt, nạn đói do năng suất ngũ cốc thấp kém – như là hệ quả phá hoại của thiên tai với nước.
Những con số ấn tượng đã được đưa ra như đến năm 2050, năng suất các vụ mùa ngô, thóc gạo và lúa mì có thể giảm 25%, trong khi dân số thế giới sẽ tăng thêm đến 9 tỷ người. Nhưng đó chưa phải là tất cả – chờ đợi các cư dân vùng nhiệt đới sẽ là cảnh khan hiếm cá tôm, bởi nhiều loài thủy sinh di cư đến phương Bắc có môi trường nước ấm áp.
Theo dự báo, việc khai thác hải sản có thể giảm một nửa. Tiếp theo, tình trạng thiếu thốn dự trữ nước và lương thực thực phẩm chắc chắn sẽ gây ra xung đột giữa các quốc gia và dân tộc. Mà đó là chiến tranh, cái chết và sự hủy diệt.
Tuy nhiên, chúng ta có thể sẽ không phải xem bộ phim kinh dị này vì rằng những thay đổi trong tình hình sông băng ở Tây Tạng vẫn mang tính cục bộ và có lẽ là nhất thời, như ý kiến của ông Aleksandr Yulin Trưởng phòng thí nghiệm chế độ băng hà của Viện nghiên cứu Bắc Cực và Nam Cực (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga) nêu trong cuộc đàm đạo với phóng viên đài “Tiếng nói nước Nga”.
“Thảm băng khổng lồ nhất trên hành tinh chúng ta hiển nhiên là Greenland. Và chỉ những thay đổi đáng kể của dòng sông băng kỳ vĩ này có thể ảnh hưởng làm biến đổi khí hậu Trái đất. Còn sự thay đổi trong các sông băng của hệ thống núi cao thuần túy mang tính cục bộ mà thôi. Chẳng có gì đáng sợ. Tất nhiên, trong năm nay có thể xảy ra lũ lớn. Đáng tiếc là có thể có nạn nhân thương vong. Nhưng thay đổi khí hậu như vậy không mang bản chất toàn cầu”.
Dù sao chăng nữa, các nhà nghiên cứu Trung Quốc vẫn kêu gọi Chính phủ nước mình hoạch định biện pháp để giảm thiểu rủi ro. Có phương án đổ lỗi cho lớp muội tích đọng trên mặt băng do sử dụng đại trà biện pháp đốt than làm nhiên liệu. Lớp muội này dường như dẫn đến gia tăng độ hấp thụ ánh sáng mặt trời, và do đó, gây tan chảy băng giá trên các ngọn núi Tây Tạng. Đó chỉ là giả thiết không vững lắm, bởi trong thế kỷ trước, khi bắt đầu phát động công nghiệp hóa, thì người ta đốt than nhiều hơn, còn bây giờ ngày càng chuyển sang khí gas khá thân thiện với môi trường. Khi đó, lượng thải CO2 lớn hơn đáng kể, mà những đỉnh cao Tây Tạng vẫn trắng tinh không bị thiệt hại, – chuyên gia Nga nhấn mạnh. Theo quan điểm của ông, những thay đổi trong khu vực không gắn trực tiếp với hoạt động của con người.
“Quí vị nhớ chứ, cách đây 30 năm từng có hạ thấp nghiêm trọng trong mức nước biển Caspi và biển Aral. Và sau đó thay đổi chu kỳ khí hậu, tất cả mọi thứ trở lại như cũ. Bây giờ nước biển Caspi đã tăng đến mức trước đó. Còn lở đất như xảy ra ở Nhật Bản bây giờ, tất nhiên là tai họa trên quy mô khu vực và không dính dáng gì đến tình trạng khí hậu”.
Có tần suất nhất định về việc những hiện tượng đó liên quan đến khí hậu, – Trưởng Phòng thí nghiệm Chế độ băng hà tại Viện nghiên cứu Nam cực và Bắc cực (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga) nhận xét. Những thể loại thiên tai khác nhau – bão, lốc xoáy, lũ lụt – thực sự đang xảy ra một cách thường xuyên hơn… Nhưng chỉ vào thời kỳ ấm áp trong năm. Mùa lạnh không có gì thay đổi. Tất cả vẫn y như 100, 200 năm trước đây và xa hơn nữa.