ThienNhien.Net – Cũng như Đức Hương và nhiều xã khác, người dân xã Hương Trạch (Hương Khê) cũng nơm nớp lo sạt lở bờ sông.
Những năm qua, tại các xã Hương Trạch, Lộc Yên, Phương Mỹ (Hương Khê); Đức Hương, Đức Bồng (Vũ Quang); Đức Lạng, Đức Quang, Đức Đồng (Đức Thọ); Sơn Tân, Sơn Mỹ, Sơn Long (Hương Sơn) của tỉnh Hà Tĩnh…, tình trạng sạt lở ven sông vào mùa mưa lũ đã cướp đi hàng chục ha đất sản xuất, thậm chí nhiều gia đình phải dời đi nơi khác sinh sống vì sông lở làm mất nhà…
Nằm bên dòng Ngàn Trươi, xã Đức Hương luôn hứng chịu những trận lở đất nặng nề từ nhiều năm nay. Chủ tịch UBND xã Lê Văn Lợi cho biết, hễ năm nào có lũ lớn là Đức Hương lại hứng chịu cảnh lở đất. Tổng diện tích đất bị xói lở và bồi lấp trong những năm gần đây lên đến 32 ha. Đây lại là tư liệu sản xuất quý giá của hàng trăm gia đình, nhất là ở vùng núi khó khăn như Đức Hương.
Hiện chiều dài của vùng sông lở ở Đức Hương kéo dài 3 km mỗi bên, ảnh hưởng trực tiếp đến đất sản xuất và đất ở, đất vườn của các thôn Hương Đồng, Hương Phố, Hương Thọ, Hương Phùng, Hương Hòa…
Đặc biệt, có 29 nhà đang nằm trong vùng nguy cơ bị lở. Riêng xóm Hương Phùng có 5 nhà nếu có lũ lớn xảy ra, nguy cơ nhà trôi xuống sông là hiện hữu. Các hộ dân cứ canh cánh mỗi khi lũ về.
Cũng như Đức Hương và nhiều xã khác, người dân xã Hương Trạch (Hương Khê) cũng nơm nớp lo sạt lở bờ sông. Dòng Ngàn Sâu mấy năm gần đây trở nên hung dữ hơn mỗi khi thủy điện Hố Hô từ thượng nguồn xả nước. Theo phản ánh của người dân, việc tích nước, xả nước ồ ạt của thủy điện Hố Hô khiến tình trạng sạt lở đất ven sông Ngàn Sâu đoạn qua xã Hương Trạch càng trầm trọng hơn.
Phó Chủ tịch UBND xã Hương Trạch Cao Quốc Hội cho biết, từ năm 2010 đến nay, có đến 3 trận lũ lớn. Bờ sông sạt lở kéo dài gần 5 km, kéo dài qua các thôn Trung Lĩnh, Bắc Lĩnh, Ngọc Bội, Kim Sơn và Phú Lễ.
Nhiều đoạn, sông đã ăn sâu vào đất liền 30 – 40m, thậm chí, có chỗ trên 50m. Nguy hiểm hơn cả là thôn Ngọc Bội, 8 nhà phải chuyển đi nơi khác sinh sống, sông lở mất 2 ha đất sản xuất, 2 ha bưởi Bố Trạch của 27 hộ, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Rất nhiều xã khác dọc sông La, Ngàn Sâu, Ngàn Trươi, Ngàn Phố đều trong tình trạng sạt lở. Để bảo vệ dân và đất sản xuất, không có cách nào khác là phải làm kè.
Trong khi đó, diện tích bị sạt lở cần được làm kè rất nhiều, nhưng khả năng đầu tư của địa phương có hạn trong khi chi phí làm 1 km kè lên đến hàng chục tỷ đồng.