ThienNhien.Net – “Smart City” hay thành phố thông minh đang là xu thế chung được nhiều quốc gia hướng đến. Theo các chuyên gia, một thành phố chỉ thật sự thông minh khi hội đủ ba yếu tố: hạ tầng hiệu quả, phát triển bền vững, môi trường sống thân thiện.
Xu hướng từ thách thức
Thống kê của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) cho biết hơn 40% dân số toàn cầu đang sống trong đô thị và dự báo tỷ lệ này sẽ tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 40 năm tới, khi tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng tại các khu vực đang phát triển trải dài từ Đông sang Tây. Trong khi đó, đến năm 2050, dự báo nhu cầu về năng lượng cũng gia tăng gấp đôi trên phạm vi toàn cầu nhưng đồng thời cần cấp bách giảm một nửa lượng khí thải CO2 – nguyên nhân chính gây hiệu ứng nhà kính. Đây là một phương trình với đáp án ngược và khó giải!
Một báo cáo gần đây của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững toàn cầu (WBCSD) cũng đề cập đến các tòa nhà, phương tiện giao thông đô thị, nhà máy… là nguyên nhân chính gây lãng phí năng lượng và ô nhiễm môi trường.
Các thách thức mang tính toàn cầu này đặt ra cho Chính phủ nhiều quốc gia bài toán đầy phức tạp khi vừa đảm bảo tăng trưởng bền vững song song với đảm bảo môi trường sống khỏe mạnh cho người dân, nhất là dân số tại các đô thị lớn.
Trong bối cảnh đó, “Thành phố thông minh” nhận được sự quan tâm lớn khi các chuyên gia hàng đầu tin rằng việc kiến tạo hạ tầng hiện đại giúp giảm gánh nặng và tác động từ hiện tượng gia tăng dân số trong đô thị đang ngày một phổ biến. Câu chuyện người dân Bắc Kinh (Trung Quốc) ngắm mặt trời mọc qua màn hình LCD lớn dựng sẵn hoặc phải mang khẩu trang tập thể dục ngoài trời là những hình ảnh gây tác động mạnh đến cộng đồng về sự cần thiết của phát triển Xanh và bền vững.
Smart City: Xanh hóa đi đôi với kết nối!
“Thành phố thông minh” đang được hiện thực hóa tại nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, Liên minh Châu Âu (EU)… với mục tiêu xây dựng và đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng đô thị gắn liền với kết nối thông minh, đáp ứng nhu cầu sống tốt hơn cho người dân, phát triển bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường.
Nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới đang tham gia cung ứng các giải pháp cho Thành phố thông minh trong đó tập trung vào việc kết nối và quản lý hạ tầng đô thị. Chẳng hạn như IBM với nỗ lực hợp tác cùng 33 thành phố trên toàn cầu, trong đó TP. Đà Nẵng là một trong những thành phố đã hợp tác ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào công tác quản lý hạ tầng trên nền tảng kết nối Internet và phần mềm xử lý thông tin.
Hay các giải pháp kết nối thông minh do Cisco tiên phong thực hiện tại nhiều thành phố trên thế giới trong kỷ nguyên Internet of Things hiện nay. Tuy nhiên, chỉ chú trọng vào kết nối hạ tầng là chưa đủ, hiệu quả của việc kết nối nhiều hạ tầng khác nhau sẽ phát huy tác dụng tốt hơn trong điều kiện các hạ tầng được đầu tư giải pháp quản lý năng lượng tốt, đảm bảo yếu tố Xanh và bền vững.
Theo Schneider Electric, chuyên gia toàn cầu về quản lý năng lượng, một thành phố thông minh cần trải qua năm phân đoạn phát triển và kiến tạo bao gồm: năng lượng (điện) thông minh, nước thông minh, giao thông thông minh, tòa nhà & nhà ở thông minh, dịch vụ công thông minh. Các lĩnh vực đô thị cơ bản này cần được chú trọng Xanh hóa song song với kết nối, chẳng hạn như việc sử dụng lưới điện thông minh tự hành có khả năng cô lập một phần hay toàn phần khi phát sinh sự cố và tái cấp điện cho khu vực không bị ảnh hưởng, tránh các thiệt hại vì gián đoạn.
Hệ thống giao thông thông minh với các thiết bị quản lý giám sát, phương tiện giao thông sử dụng năng lượng mặt trời, mỗi bãi đỗ xe trong đô thị là một trạm nạp năng lượng. Các tòa nhà được trang bị hệ thống quản lý thông minh, giúp vận hành hiệu quả tiết kiệm điện, thân thiện với môi trường xung quanh hay hệ thống dịch vụ công tiên tiến, hiệu quả.