ThienNhien.Net – Hoạt động khai khoáng được coi là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế và phục vụ cho nỗ lực giảm nghèo tại các tỉnh, thành phố vùng Đông Bắc.
Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động khai thác khoáng sản ồ ạt, thiếu quy hoạch trong nhiều năm qua đã ảnh hưởng lớn đến sự vận hành của kinh tế vĩ mô một cách phức tạp. Hay nói đúng hơn là ở đâu có hoạt động khai thác khoáng sản thì ở đó dân còn đói nghèo, môi trường bị tàn phá và hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng.
Đói nghèo vùng… mỏ
Trong chuyến khảo sát tại các vùng mỏ (quặng, chì, kẽm) nằm trên địa bàn tỉnh Cao Bằng – một trong những tỉnh giàu tài nguyên khoáng sản nhất vùng Đông Bắc mới đây, phóng viên Vietnam+ đã được nghe bà con trải lòng về không ít khó khăn khi phải đối diện với thực trạng khai thác mỏ gây ô nhiễm môi trường, làm thu hẹp diện tích đất canh tác và tàn phá đường giao thông. Thậm chí, nhiều người dân còn bị đe dọa tính mạng bởi quy trình vận hành hồ chứa thải không đảm bảo an toàn của doanh nghiệp.
Điều đáng nói là không chỉ phải “sống mòn” với những bất ổn nêu trên, phần lớn người dân sinh sống tại các “huyện mỏ” được xem là giàu có khoáng sản nhất của tỉnh Cao Bằng (như Hòa An, Nguyên Bình, Bảo Lâm, Bảo Lạc) nhiều năm nay vẫn chưa được thừa hưởng những cơ hội thoát nghèo lẽ ra phải có như việc làm, hay giá trị đền bù đất giải toả cho các hoạt động khai khoáng của doanh nghiệp.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà tuềnh toàng “nằm” ngay dưới chân hồ thải Xưởng tuyển quặng tại Mỏ Ngườm Cháng của Tổng công ty Đầu tư và Xuất nhập khẩu Cao Bằng, ông Hoàng Văn Đài (ở xóm Bản Giủa, xã Dân Chủ, huyện Hòa An) than rằng: “Mang tiếng là sống bên mỏ quặng, nhưng bà con chúng tôi có được hưởng lộc gì đâu.”
Theo lời ông Đài, thu nhập của người dân ở xóm Bản Giủa chủ yếu trông vào nông nghiệp với mấy sào ruộng nằm ngay dưới chân núi. Chính vì thế, những lúc nông nhàn bà con trong vùng lại kéo nhau đi mót quặng, rồi mang ra đường cái bán tháo, bán chui cho các đầu nậu, thương lái với cái giá rẻ như mớ rau rừng.
“Làm cái việc này nguy hiểm lắm, vì bên trên là dàn máy móc của doanh nghiệp họ múc, đổ đất đá, còn phía dưới bà con chúng tôi mót quặng. Biết là nguy hiểm nhưng đói quá nên chúng tôi vẫn phải đi tìm cơm chú ạ.
Nói thật, nếu doanh nghiệp họ tạo công ăn việc làm, cho bà con đi làm công nhân thì chúng tôi ít nhiều cũng bớt khổ, thế nhưng với nhiều người dân vùng mỏ như vợ chồng tôi thì việc làm vẫn chỉ là giấc mơ,” ông Đài buồn rầu nói.
Nhìn nhận ở góc độ chính quyền địa phương, ông Đỗ Trọng Bành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hòa An (tỉnh Cao Bằng) khẳng định, trong những năm qua, không những địa phương “mất” nhiều khoáng sản, mà việc khai thác của doanh nghiệp cũng đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, dòng sông, đường xá của huyện.
“Cũng chính vì ảnh hưởng bởi hoạt động khai khoáng, nên đến giờ địa huyện tôi vẫn còn khó khăn lắm. Tính đến hết năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện còn chiếm 10%, trong đó phần lớn hộ nghèo tập trung tại các xã có mỏ khoáng sản,” ông Bành chia sẻ.
Không kém phần cơ cực, hàng chục hộ dân tại xóm Nà Rụa (tổ 15, phường Hòa Chung, thành phố Cao Bằng) cũng đang phải sống thấp thỏm trước nỗi lo mưa đến, đất đá, bùn thải từ bãi quặng Nà Rụa (Mỏ Nà Rụa) của Công ty Cổ phần Gang thép Cao Bằng sẽ đổ ập xuống, vùi lấp diện tích canh tác và ảnh hưởng đến tính mạng.
Chị Nông Thị Miên, người có nhà ở ngay dưới chân bãi thải quặng Nà Rụa tần ngần, bảo: “Nhiều năm nay đã không được hưởng lợi gì từ mỏ quặng, mỗi khi mưa xuống gia đình tôi lại ngủ không yên, vừa nằm vừa lo đất, bùn thải từ trên đồi đổ ập xuống sẽ vùi lấp nhà. Nói thật, chúng tôi chán cảnh này lắm rồi, muốn đi nhưng biết ở đâu, trong khi doanh nghiệp đền bù không thỏa đáng.”
Gánh nặng ngày càng gia tăng
Khác với các dự án công nghiệp chế biến, các điểm mỏ khai thác khoáng sản, đặc biệt là khai thác lộ thiên thường sử dụng diện tích đất tương đối lớn từ vài chục đến vài nghìn hécta. Trên thực tế, việc “chiếm dụng” đất này đã ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân, nhất là các vùng phụ thuộc vào nông-lâm nghiệp.
Bà Phạm Thị Mai, ở phường Hòa Chung, thành phố Cao Bằng, bức xúc: “Nói đúng ra là doanh nghiệp họ lừa dân. Sở dĩ chúng tôi còn ở đây là vì doanh nghiệp họ đưa ra cái giá đền bù quá thấp, trong khi 365m2 đất trồng rau của nhà tôi đã bị đất đá, bùn thải của bãi quặng vùi sạch.”
Mang nỗi bức xúc của người dân tới gặp doanh nghiệp, chúng tôi được ông Lưu Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Gang thép Cao Bằng trả lời rằng: “Thực tình thì công ty rất muốn sớm giải phóng mặt bằng khu đất nông nghiệp để làm bãi thải, nhưng bà con họ đòi cái giá cao quá (110.000 đồng/m2/năm), trong khi áp giá đền bù của tỉnh thì chỉ có 6.000 đồng/m2 đất rau loại A/năm. Như vậy làm sao chúng tôi chấp nhận được.”
Theo ông Tuấn, giải phóng mặt bằng là vấn đề rất nan giải. “Đúng ra, theo thiết kế thì từ phần chân núi ra đến phần đất đường, chúng tôi đã nắn thẳng dòng suối ngược lên trên để làm bãi thải, nhưng tiến độ giải phóng mặt bằng chậm quá (kéo dài từ năm 2011 đến nay) nên chúng tôi chưa thể thực hiện.”
Vị Phó Giám đốc Công ty cổ phần Gang thép Cao Bằng cũng không ngại thừa nhận, phần đất bùn sạt xuống mương, ruộng của dân là không thể khắc phục được, với lại dù có khắc phục được thì cũng rất tốn kém.
“Tuy nhiên, trong thời gian tới kiểu gì chúng tôi cũng phải thu hồi mới khai thác được mỏ, bởi phần đất này nó đã nằm trong quy hoạch của bãi thải, và nếu không có bãi thải thì khu liên hợp của công ty sẽ không thể đi vào hoạt động,” ông Tuấn phân trần.
Trong khi người dân xóm Nà Rụa còn đứng trước nỗi lo mất an toàn hồ chứa thải, thì người dân ở bản Khe Tọc, xã Thể Dục, huyện Nguyên Bình lại đang đau đầu vì mất đất canh tác, do đã lỡ “hiến đất” cho doanh nghiệp khai thác quặng.
Theo lời kể của anh Lý Kiềm Chiêu ở bản Khe Tọc, xã Thể Dục, để doanh nghiệp khai thác quặng, năm 2011, gia đình anh nhất trí bán khoảng 2ha ruộng lúa cho Công ty Cao Xuân Hà trong khoảng thời gian 3 năm với giá trên 100 triệu đồng để công ty này khai thác.
Tuy nhiên, đến nay đã hết thời hạn bán đất, nhưng công ty này mới trả lại cho gia đình anh Chiêu ½ diện tích ruộng. Điều đáng nói, trong quá trình khai thác, công ty này đã đào bới, không những ruộng bị lấp mà một số nhà dân ở phía dưới cũng bị ảnh hưởng.
“Giờ quay lại làm ruộng thì ruộng đã bị bồi lấp, đến trồng ngô hay cây cỏ sữa cho bò cũng không thể sống vì đất đã nhiễm quặng, mất nước và khô cứng không thể canh tác,” anh Kiềm thở dài ngao ngán.
Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2013 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cả nước có 1.797.889 hộ nghèo (chiếm 7,8%). Tổng số hộ cận nghèo là 1.443.183 hộ (chiếm 6,32%); trong đó, tỷ lệ hộ nghèo tập trung chủ yếu tại các khu vực vùng miền núi có tiềm năng khoáng sản như: Tây Bắc có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất với 25,86%, tiếp đến là Đông Bắc với 14,81%; Tây Nguyên 12,56%.
Một số tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo còn cao như: Điện Biên (35,22%), Lai Châu (27,22%), Sơn La (27,01%), Hà Giang (26,95%), Yên Bái (25,38%), Cao Bằng (24,2%)… |