ThienNhien.Net – Là một quốc gia nhiều mưa, bão, nhiều sông suối, đường bờ biển kéo dài, công việc trị thủy là rất hệ trọng. Trong đó, vai trò của hệ thống đê (đê sông, đê biển) là vô cùng quan trọng. Mùa bão lũ đã đến, nỗi lo về hệ thống đê điều cũng theo đó mà về.
Biển lo đằng biển
Với chiều dài bờ biển 3.260km, Việt Nam được xếp hạng thứ 32 trong tổng số 156 quốc gia có biển trên thế giới. Thực tế bờ biển Việt Nam còn lớn hơn con số như vậy nếu tính cả chiều dài của các đảo cộng lại. Đi cùng với biển, đảo, Việt Nam có nhiều hơn như vậy những chiều dài con số về đê biển. Ấy thế nhưng, theo đánh giá hiện nay, Việt Nam lại đang ẩn chứa những cảnh báo và mất an toàn về đê biển ở mức độ tương đối cao, nhất là khi khí hậu biến đổi.
Trong các tỉnh thành có biển ở Việt Nam, thì Nam Định vốn là tỉnh có “thế mạnh” về đê biển. Đê biển ở Nam Định trải dài qua 3 huyện với chiều dài trên 50km, cụ thể huyện Hải Hậu hơn 26km, Giao Thủy 17km, Nghĩa Hưng hơn 9km. Thế nhưng nếu đưa ra một câu hỏi đê biển ở Nam Định có an toàn không và an toàn như thế nào? chắc người hỏi sẽ khó nhận được một câu trả lời chính xác. Được biết, trước sự cảnh báo và những con số mất an toàn về đê biển, theo lộ trình, từ năm 2013 đến năm 2015, Nam Định đã dự toán “quẳng” 2.500 tỷ cho vấn đề này. Được biết, hệ thống đê biển ở đây chỉ an toàn với bão cấp 8. Khi gió bão đạt cấp 9, cấp 10 tấn công, triều cường ở mức tần xuất 5% là xuất hiện nguy cơ vỡ đê.
Cùng với những nơm nớp này, những năm trước, chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, cả làng Xương Điền (xã Hải Lý, huyện Hải Hậu) đã gần như bị xóa sổ. Để đảm bảo an toàn cho dân, UBND xã Hải Lý buộc phải di dời 81 hộ dân (360 khẩu) làng Xương Điền chuyển vào định cư tại thôn 3, thôn 7 và 8. Công tác di dời cho dân chưa xong thì bão số 6 và số 7 (năm 2005) đã ồ ạt đổ về, sóng to cùng triều cường cuồn cuộn cuốn băng rồi nhấn chìm toàn bộ tuyến đê ngoài của xã Hải Lý.
Liên hiệp các tổ chức Khoa học Kĩ thuật Việt Nam đã đưa ra cảnh báo về “sự an toàn giả tạo” để khái quát về hệ thống đê biển. Ngay như tại Cà Mau, với 91km đê biển phía tây tỉnh này thì hằng năm có tới 80% chiều dài tuyến đê bị sóng biển xói mòn. Hiện tuyến đê này có tới 100 điểm sát lở với tổng chiều dài trên 10km, đe dọa cuộc sống của trên 20.000 hộ dân và hàng trăm ha đất canh tác.
Sở dĩ đê biển Việt Nam yếu thế trước biển là do phần lớn các tuyến đê này đều có “tuổi đời” quá cao, hầu hết được xây dựng từ những năm 60 của thế kỉ trước. Trong khi đó, để chủ động về sức mạnh cho đê biển thì chi phí lại quá cao. Theo tính toán, để đê biển vững vàng trước biển, nghĩa là chịu được bão cấp 12 và triều cường thì trung bình mỗi một km muốn làm mới phải bỏ ra khoảng 100 tỷ đồng. Đây là con số quá khó hình dung so với thực tế đầu tư hàng năm cho đê biển của nước ta. Vậy nên đê biển của ta đành phải chấp nhận sự chắp vá và canh cánh những lo lắng khi bước vào mùa mưa bão!
Sông buồn đằng sông
Việt Nam cũng là đất nước nhiều sông. Với 191 tuyến sông, kênh; với chiều dài 6.734,6km thì hệ thống đê sông đã có chiều dài đến trên 5.000km, nếu trừ đi các vùng thượng du không cần đê. Tuy nhiên, cũng như đê biển, đê sông đang tiềm ẩn những nguy cơ.
Đến với các tỉnh có sông, kênh, nếu đưa ra câu hỏi về sự an toàn thì không một tỉnh nào dám bỏ đi những từ như xung yếu, cảnh báo, thấm ngầm, rò rỉ… Tuyên Quang vốn là tỉnh miền núi, nơi đây rất ít đê nhưng tình trạng cảnh báo về sạt lở đê ở đây cũng là mối lo toan thường trực của các lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo thuộc chuyên ngành của tỉnh nhà. Gần đây nhất, Tuyên Quang cũng đã phải đau đầu để lo sự sạt lở của hệ thống đê Sầm Dương thuộc huyện Sơn Dương, với cảnh báo hết sức nghiêm trọng.
Đặc biệt, tại cống Hưng Định – cống tiêu nước qua đê sông Lô, có thời gian sạt lở đã vào sát chân đê và mép cống, vết sạt lở có chiều dài là 60m, rộng 4 đến 12m, sâu 6-7m… Người dân sống trong khu vực cống Hưng Định rất lo lắng cho “số phận” của đê sông Lô và chiếc cống này khi bão lũ đến.
Ngay như hệ thống đê điều Hà Nội thì mức độ cảnh báo vẫn được đưa ra hằng năm. Để đối phó, Hà Nội đã phải thông qua nghị quyết quy hoạch đê điều Hà Nội từ năm 2014 đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Hệ thống đê của Hà Nội gồm gần 800km đê, 136 kè với tổng chiều dài 167km bảo vệ bờ sông, 190 cống dưới đê, 234 cửa khẩu qua đê. “Phụ tải” cho vấn đề này còn có 367 điếm canh đê, 84 kho, bãi vật tư dự trữ phòng chống lụt bão, 279 giếng giảm áp, 17 trụ sở Hạt quản lý đê, 2 công trình đầu mối phân lũ là Vân Cốc và Đập Đáy. Đặc biệt Hà Nội có 37,709km đê hữu Hồng là đê cấp đặc biệt bảo vệ trực tiếp cho khu vực trung tâm Thành phố.
Hiện nay, đê Hà Nội vẫn còn nhiều chỗ mất an toàn, như đoạn cửa vào sông Đuống. Chất lượng đê vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, có những khu vực bị mạch đùn, mạch sùi nguy hiểm; thẩm lậu, rò rỉ lớn; điếm canh đê xuống cấp; chưa được trồng tre chắn sóng; xói lở lòng sông, bờ sông. Đáng chú ý, theo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội: Tổng số vi phạm về đê điều phát sinh trong 6 tháng đầu năm 2014 là 135 vụ, tăng 21 vụ so với cùng kỳ năm 2013.