Nan giải rác nông thôn: Tâm lí chủ quan

ThienNhien.Net – Theo Văn phòng Điều phối Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG về xây dựng NTM, trong tổng số hơn 9.000 xã trên cả nước đã bắt tay vào xây dựng NTM hơn 3 năm qua, số xã đạt tiêu chí số 17 về môi trường có số lượng khá khiêm tốn.

Thậm chí, trong số 185 xã đã về đích, tiêu chí môi trường cũng được nhận định là chưa thật sự bền vững.

Môi trường là tiêu chí được nhiều địa phương đánh giá khó thực hiện nhất (Ảnh: nongnghiep,vn)
Môi trường là tiêu chí được nhiều địa phương đánh giá khó thực hiện nhất (Ảnh: nongnghiep,vn)

Bài học Ngọc Lũ

Xã Ngọc Lũ (huyện Bình Lục, Hà Nam) được mệnh danh là “xã nuôi lợn lớn nhất miền Bắc” với khoảng 1.600 hộ nuôi. Nếu xét các tiêu chí về thu nhập, Ngọc Lũ dễ dàng đạt được bởi thu nhập của người dân nơi đây so với bình quân cả nước là rất cao.

Nhưng đối nghịch với sự phát triển kinh tế, môi trường sống tại địa phương này vô cùng tồi tệ khi mỗi ngày có cả nghìn mét khối chất thải chưa được qua xử lí xả ra ngoài tự nhiên.

Được biết, vào năm 2009, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) đầu tư dự án gần 7 tỉ đồng xây dựng khu xử lí chất thải tập trung cho một số thôn chăn nuôi trọng điểm của Ngọc Lũ. Nhưng do không có kinh phí duy trì, vận hành cộng với lượng chất thải xả ra quá lớn nên vừa bàn giao khỏi tay, công trình đã phải “đắp chiếu”, hiện trong tình trạng hư hỏng nặng nề, đường ống vỡ tứ tung.

Vậy là bao nhiêu chất thải không được xử lí, không còn cách nào khác phải xả thẳng ra kênh mương, sông ngòi gây ô nhiễm nặng nề, thậm chí nước thải còn khiến những cánh đồng lúa xung quanh Ngọc Lũ dù không bón phân đạm vẫn xanh tốt đến mức lúa bị lốp không thể cho hạt.

Một lãnh đạo xã Ngọc Lũ cho hay, những hộ nuôi lợn và người dân tại đây kỳ vọng rất lớn vào đề án, giải pháp xử lí chất thải mà Cty Hoài Nam- Hoài Bắc đang triển khai tại địa phương.

Dự án này thành công, sẽ là điều tuyệt vời với người dân Ngọc Lũ. Ngược lại, nếu thất bại, cái giá mà người dân ở xã nuôi lợn lớn nhất miền Bắc này phải đánh đổi trong quá trình phát triển kinh tế không biết khi nào mới trả hết.

Trong quá trình tìm hiểu về Chương trình xây dựng NTM tại một số tỉnh phía Bắc, chúng tôi nhận thấy tiêu chí môi trường đang tỉ lệ nghịch với kinh tế.

Địa phương nào kinh tế càng phát triển, càng nhiều làng nghề thì tình trạng ô nhiễm càng nặng nề. Đặc biệt, lượng rác thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn hiện nay gần như ngang bằng với khu vực thành thị nhưng các chính sách, kinh phí cho công việc thu gom chưa thật sự đồng bộ.

Tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM dường như chưa được các địa phương quan tâm đúng mức (Ảnh: nongnghiep.vn)
Tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM dường như chưa được các địa phương quan tâm đúng mức (Ảnh: nongnghiep.vn)
Trao đổi về thực trạng môi trường nông thôn đang bị xem nhẹ hiện nay, ông Tăng Minh Lộc, Chánh Văn phòng Điều phối Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG xây dựng NTM, chia sẻ: “Một thực tế là trong hơn 3 năm tiến hành xây dựng NTM, chúng ta đang chỉ tập trung cho xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện, y tế, trường học, nhà văn hóa, nước sinh hoạt… Rồi tiếp đến là khâu SX cũng tập trung vào tăng thu nhập cho người dân nông thôn và thực tế đúng là chúng ta đang bỏ quên tiêu chí môi trường nông thôn. Vì vậy, tránh tâm lí chủ quan, ngay từ bây giờ các địa phương nên đặc biệt coi trọng tới tiêu chí này”.

Rất nhiều nơi không có đơn vị chuyên môn thu gom rác nên bờ đê, kênh mương, cánh đồng trở thành nơi vứt rác của người dân nông thôn.

Chưa được coi trọng

Là địa phương rất thành công trong quá trình xây dựng NTM qua những điểm nhấn ở khâu tuyên truyền, dồn điền đổi thửa, phát triển SX, xây dựng cơ sở hạ tầng, song tỉnh Thái Bình lại gặp khó khăn lớn ở tiêu chí môi trường. Kế hoạch của tỉnh phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh NTM, trước mắt năm 2015 có 78 xã đạt NTM.

Theo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Thái Bình, đích đến này đang gặp rào cản rất lớn là tiêu chí môi trường. Mặc dù từ năm 2011, các xã tại Thái Bình đã triển khai thực hiện tiêu chí số 17 nhưng việc thu gom rác thải sinh hoạt mới chỉ được tập kết tại bãi rác của địa phương là những cái hố đơn giản được đào cách xa khu dân cư.

Chiếu theo các quy định về hố chôn lấp rác lấp hợp vệ sinh hiện nay như: phải đánh giá tác động môi trường, trải vải địa, phun chế phẩm sinh học định kỳ, cách xa nguồn nước, dân cư… thì hầu như ít bãi rác nào ở Thái Bình đáp ứng đủ yêu cầu.

Dù tự chủ được về ngân sách, song Vĩnh Phúc cũng coi môi trường là tiêu chí phức tạp, khó thực hiện nhất trong xây dựng NTM do liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp và đặc biệt là cần rất nhiều tiền.

Theo Sở TN-MT tỉnh Vĩnh Phúc, nhu cầu về vốn để hoàn thành các nội dung của tiêu chí môi trường với địa phương là rất lớn, khoảng gần 1.000 tỉ đồng.

Trong bối cảnh nguồn ngân sách ngày một hạn hẹp, thu nhập của người dân còn thấp, việc đóng góp cho công tác vệ sinh, môi trường nông thôn nhìn chung chưa được coi trọng đúng mức, qua đó để đến được đích tiêu chí môi trường với tỉnh Vĩnh Phúc không hề đơn giản chút nào.

Không chỉ Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hà Nam, Bắc Ninh mà hầu hết các địa phương tại miền Bắc hiện nay như: Nam Định, Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên… đều đang gặp khó khăn với bài toán môi trường.

Vì vậy, ngoài công tác vận động, tuyên truyền nâng cáo ý thức, trách nhiệm người dân, Nhà nước cần có những chính sách mạnh mẽ, cụ thể hơn nữa cho môi trường nông thôn.

Thực tế, các chính sách hoặc định mức chi cho công tác môi trường tại nông thôn hiện thấp hơn thành thị rất nhiều, thậm chí nhiều nơi còn chưa có hoặc nếu có đã tụt hậu quá xa, không phù hợp với thực tế phát triển nhanh chóng của xã hội nông thôn hiện tại.