Indonesia: Quản lý nguồn thu từ dầu khí

ThienNhien.Net – Cepu, khu vực tiếp giáp giữa huyện Blora và huyện Bojonegoro thuộc tỉnh Đông Java là một trong những vùng giàu tài nguyên thiên nhiên của Indonesia và đã được khai thác trong gần một thế kỷ qua. Năm 2006, khi phát hiện mỏ dầu khí mới, chính quyền Indonesia đã ký thỏa thuận hợp tác với công ty Exxon Mobil để vận hành dự án khai thác Cepu Block.

Cepu Block giữ vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất dầu khí của Indonesia với trữ lượng dự kiến đạt khoảng 600 triệu đến 1,4 tỷ thùng dầu và 1,7 – 2 nghìn tỷ bộ khối khí thiên nhiên. Trong điều kiện triển vọng nhất, sản lượng dự kiến của Cepu Block có thể đạt 170.000 thùng dầu mỗi ngày, đóng góp gần 20% tổng sản lượng dầu khí của Indonesia.

Nguồn thu từ dự án Cepu Block đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với huyện Bojonegoro nói riêng, và địa phương nói chung. Tính riêng năm 2012, chính quyền Bojonegoro đã nhận được 23 triệu USD từ Quỹ chia sẻ thu nhập dầu khí (tăng ba lần so với năm 2008). Nhờ đó, GDP của Bojonegoro đã tăng đáng kể, từ 870 triệu USD lên 2,5 tỷ USD năm 2011. Giai đoạn 2009 – 2013,đóng góp nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt tăng ổn định từ 3,8% đến 18% vào ngân sách địa phương.

Ngay từ đầu chính quyền Bojonegoro đã nhận thức được những rủi ro về môi trường, xã hội như mất nguồn thu hoặc sinh kế của người dân do thu hồi đất đai phục vụ phát triển dự án. Trong khi đó các công ty dầu khí lại không đem lại nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương, vốn đa phần là lao động tay nghề thấp hoặc mùa vụ. Và khi lợi ích kinh tế chỉ là đặc quyền của lực lượng lao động tay nghề cao thì sự phát triển kinh tế không mấy mang lại ý nghĩa.

Hơn nữa, mâu thuẫn xã hội giữa người dân địa phương và lao động nhập cư có thể xảy ra, gây mất trật tự an ninh xã hội, gián đoạn hoạt động sản xuất. Từ nhận thức đó, một sáng kiến cải cách đã ra đời nhằm giải quyết các nguy cơ về môi trường, xã hội và quản lý minh bạch nguồn thu nhằm mang lại lợi ích công bằng cho người dân. Sáng kiến được thiết kế nhằm giải quyết các vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau, bao gồm:

Ảnh minh họa: nangluongvietnam.vn
Ảnh minh họa: nangluongvietnam.vn

Cải cách minh bạch nguồn thu từ dầu khí

Cơ chế kiểm toán mới được đưa vào Quy định số 28/2012 được xem là sáng kiến lần đầu tiên áp dụng tại Indonesia, thậm chí là trên thế giới, với các nội dung cụ thể sau:

• Thành lập Ủy ban Minh bạch Dầu khí cấp huyện với nhiều bên tham gia, bao gồm chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội dân sự.
• Thiết lập chương trình hoạt động thường niên nhằm điều phối quản lý minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng được các bên liên quan phê chuẩn.
• Khuyến khích cách tiếp cận đa chiều các thông tin liên quan đến minh bạch ngành công nghiệp dầu khí.
• Thực hiện xã hội hóa và công khai thông tin về khai thác dầu khí, đặc biệt là nguồn thu dầu khí, thông tin môi trường và xã hội, bao gồm cơ hội việc làm, kế hoạch ứng phó khẩn cấp, đánh giá tác động môi trường và chương trình trách nhiệm xã hội doanh nghiệp.

Phạm vi thông tin được khuyến khích minh bạch bao gồm: nguồn thu từ dầu khí, thuế, cổ phần tham gia (participating interest), các tiêu chuẩn quản lý môi trường, các tiêu chuẩn về tình trạng khẩn cấp liên quan đến tất cả các quy trình dự án; thông tin về ngân sách dành thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Cải cách về quy hoạch bền vững và có sự tham gia

Quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội địa phương đã được tối ưu hóa để thực hiện sáng kiến này và kết quả là sự ra đời của Kế hoạch Phát triển vùng bền vững với các nội dung:

• Xác định hai ưu tiên chính của Bojonegoro: 1/ Cải thiện tiêu chuẩn giáo dục và sức khỏe nhằm phát triển nguồn nhân lực; 2/Cải thiện khu vực kinh tế dựa vào nông nghiệp và các doanh nghiệp vừa, nhỏ bằng đầu tư từ nguồn thu dầu khí nhằm hỗ trợ kinh tế cộng đồng.
• Lập danh sách các chương trình và hoạt động trong giai đoạn 5 năm.
• Lập dự toán ngân sách.

Cải cách Quỹ tiết kiệm dầu khí

Các cải cách đã được tài liệu hóa tại Quy định số 11/2011 của huyện Bojonegoro về vốn chủ sở hữu (Capital Equity). Theo đó, Quỹ tiết kiệm về cơ bản sẽ kiểm soát các nội dung sau:

• Vốn chủ sở hữu: Chính quyền địa phương phân bổ một phần nguồn thu cho nguồn vốn này thông qua các cổ phiếu chọn lọc, đặc biệt là cổ phiếu doanh nghiệp và ngân hàng địa phương.
• Phân bổ kinh phí: Lượng phân bổ phải được điều chỉnh hàng năm.
• Thu hồi và tối ưu hóa nguồn thu: Chính quyền địa phương phải tích lũy cổ phiếu đầu tư bằng cách tái đầu tư nguồn thu.

Trong trường hợp của Bojonegoro, chính quyền địa phương đã đầu tư 3,6 triệu USD, chiếm 24% tổng Quỹ Chia sẻ nguồn thu năm 2010. Trong năm tiếp theo, tổng số vốn đầu tư tăng lên 7 triệu USD, chiếm 35% tổng quỹ Chia sẻ nguồn thu. Năm 2012, số vốn đã phân bổ là 13,4 triệu USD, tương đương 31% tổng Quỹ Chia sẻ nguồn thu.

Cải cách trong phân bổ Quỹ Dầu khí tới khu vực nông thôn

Chính phủ Indonesia đã tạo một cơ chế cho Quỹ Phân bổ nông thôn được luật hóa tại Quy định số 37/2007 về hướng dẫn quản lý tài chính nông thôn.
Hướng dẫn này quy định mức phân bổ tối thiểu đối với nông thôn là 10% tổng ngân sách địa phương. Quỹ được triển khai nhằm giảm thiểu rủi ro của hoạt động khai thác khoáng sản mà các địa phương quanh khu vực khai thác phải gánh chịu, bao gồm thiệt hại cơ sở hạ tầng, môi trường, các rủi ro từ hoạt động khai thác và các xung đột xã hội.

Quy định này bao gồm hai mục tiêu: 1/ Gia tăng mức phân bổ của Quỹ từ tổng Quỹ phân bổ nông thôn định kỳ. Ngoài mức phân bổ từ Quỹ phân bổ nông thôn định kỳ của ngân sách địa phương, Quỹ phân bổ nông thôn Bojonegoro còn nhận thêm 12,5% tổng Quỹ chiasẻ nguồn thu dầu mỏ. 2/ Ưu tiên phân bổ ngân sách cho các làng gần khu vực khai thác. Theo đó, 12,5% ngân sách của Quỹ phân bổ nông thôn sẽ được phân bổ như sau: các làngđóng vai trò sản xuất (12,5 %); các làng ở vành đai I (10 %), các làng vành đai II (7,5%), các làng khác (70%).

Cải cách tỷ lệ nội địa hóa

Cộng đồng địa phương, các doanh nghiệp và các công ty địa phương Bojonegoro còn hạn chế về năng lực và khả năng năng tiếp cận, đầu tư vào công nghiệp dầu khí. Vì vậy, thông qua Quy định số 23/2011 về tối ưu tỷ lệ nội địa hóa, chính quyền địa phương hướng đến mục tiêu thu hút và khuyến khích mọi nguồn lực địa phương vào hoạt động khai thác từ lực lượng lao động đến trang thiết bị, nguyên vật liệu . Đây là hướng đi nhằm tạo ra nhiều lợi ích và công ăn việc làm cho các cộng đồng địa phương tại Bojonegoro.

Ermy Ardhyanti, Articles 33, Indonesia