ThienNhien.Net – Không chỉ khai thác khoáng sản theo kiểu “rút ruột” tài nguyên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, hoạt động khai khoáng của các doanh nghiệp cũng đang tạo ra nhiều mối quan ngại, gây hoang mang và bất bình đối với người dân khu vực.
Sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ tại mỏ sắt Bản Cuôn và nhà máy nghiền tuyển quặng sắt của Công ty Matexim tại xã Ngọc Phái (Chợ Đồn, Bắc Kạn); hay sạt lở hồ chứa thải bãi quặng Nà Rụa của Công ty Cổ phần Gang thép Cao Bằng ở phường Hòa Chung, thành phố Cao Bằng trong tháng Bảy và tháng Tám vừa qua đã phần nào cho thấy những hiểm họa đáng lo ngại trong khâu vận hành hồ chứa của các doanh nghiệp khai khoáng.
Hồ chứa thải “đe dọa” khu dân cư
Mới đây, vào khoảng 15 giờ ngày 7/8, một lượng lớn khối đất đá, bùn đỏ ở bãi quặng Nà Rụa của Công ty Cổ phần Gang thép Cao Bằng tại xóm Nà Rụa (tổ 15, phường Hòa Chung, thành phố Cao Bằng) tiếp tục sạt lở sau gần hai tháng “đe dọa” cuộc sống của người dân khu vực.
Trong cơn mưa, bùn đỏ chảy ào ào từ trên đỉnh đồi xuống vùi lấp hệ thống kênh mương thủy lợi, dòng suối và hoa màu đã ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất của 16 hộ dân sinh sống ngay phía dưới khu đồi đổ thải đất bùn và hàng chục hộ dân khu vực lân cận.
Bà Phạm Thị Mai – người có 365m2 đất trồng rau muống bị đất đá bãi thải tràn xuống vùi lấp, cho biết gia đình bà sống ở đây đã nhiều năm, nhưng từ khi khu bãi thải của Công ty Cổ phần Gang thép Cao Bằng xuất hiện vào năm 2013, cuộc sống của người dân khu vực đã bị đảo lộn.
“Chú thấy đấy, cả bãi đất thải treo trên đầu dân thế cơ mà. Thế nên cứ mưa xuống là gia đình tôi ngủ không ngon, lo đất bùn thải đổ ập xuống sẽ vùi lấp diện tích canh tác và ảnh hưởng đến tính mạng,” bà Mai thở dài nói.
Cũng theo lời bà Mai, đây không phải là lần đầu tiên bãi thải đất này bị sạt lở. Trước đó, vào ngày 9/6, hiện tượng sạt lở đất ở đây đã xảy ra. Theo đó, một lượng đất đá, bùn thải đã vùi lấp kênh mương thủy lợi dài gần 2km ở phường Hòa Chung và làm ảnh hưởng trực tiếp đến 6.000m2 diện tích canh tác lúa, ruộng vườn của bà con; trong đó một số diện tích đất hoa màu đã bị “khai tử.”
Tương tự, việc xả bùn, nước thải màu đỏ ngầu từ hồ thải Xưởng tuyển quặng tại Mỏ Ngườm Cháng của Tổng công ty đầu tư và xuất nhập khẩu Cao Bằng ra khe nước Roong Pia và ra sông Bằng Giang vào ngày 25/7 tại xã Dân Chủ, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng cũng khiến người dân bức xúc.
Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng, việc xả bùn, nước thải của của Tổng công ty Đầu tư và Xuất nhập khẩu Cao Bằng không chỉ làm ảnh hưởng ruộng lúa và nước sinh hoạt của người dân dưới chân hồ thải, mà còn làm “bẩn” nước dòng sông Bằng Giang chảy qua thành phố.
Trước đó, vào ngày 19/7, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn cũng xảy ra vụ vỡ hồ chứa bùn đỏ tại mỏ sắt Bản Cuôn và Nhà máy Nghiền tuyển quặng sắt của Công ty Matexim (xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn). Sự cố đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoa màu và đời sống, sinh hoạt của người dân.
Đáng chú ý, vụ vỡ hồ chứa này đã vùi lấp 6ha lúa của người dân xuống dưới lớp bùn đỏ dày, có nơi đến cả gang tay. Theo kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng, trong bùn đỏ này còn có cả quặng sắt, chất thải làm cho cây trồng rất khó phát triển, phải nhiều năm nữa mới có thể cải tạo được diện tích bị lấp.
Ngoài ra, gần 1ha mặt nước nuôi cá của người dân cũng bị bùn đỏ vùi lấp, khó phục hồi. Tại suối Nà Tàu-nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt, nước canh tác cho xã Ngọc Phái cũng bị nhấn chìm bởi bùn đỏ, ô nhiễm nặng, cá, tôm không thể sinh tồn.
Vỡ hồ chứa, doanh nghiệp đổ lỗi do ông Trời!
Trao đổi với phóng viên Vietnam+ về sự cố vỡ hồ chứa bùn thải tại bãi quặng Nà Rụa, ông Lưu Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Gang thép Cao Bằng cho rằng sự cố sạt đất đá xuống mương thủy lợi và một phần đất nông nghiệp của người dân xóm Nà Rụa (tổ 15, phường Hòa Chung) là do thời tiết, mưa lớn.
“Tuy nhiên, ngay sau trận mưa, chúng tôi đã cùng chính quyền phường Hòa Trung thống kê, lập biên bản và kiểm đếm diện tích bị ảnh hưởng để đền bù cho bà con. Chúng tôi cũng đã huy động công nhân nạo vét toàn bộ mương nước bị ảnh hưởng với chiều dài 750m, sau đó đổ bê tông tấm đan 150m vào những vị trí có khả năng đất đá sẽ lăn vào mương nước,” ông Tuấn nói.
Về việc xả bùn, nước thải trực tiếp từ hồ thải Xưởng tuyển quặng tại Mỏ Gườm Cháng (xã Dân Chủ, huyện Hòa An), ông Hoàng Văn Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư và Xuất nhập khẩu Cao Bằng, cho biết dự kiến thì doanh nghiệp đã hoàn thành hồ chứa nước thải trước mùa mưa 2014, nhưng đến nay vẫn chưa xong do thiết kế có phần bị lỗi.
Theo ông Sơn, việc xả bùn, nước thải vừa qua chỉ là trường hợp cứu nguy trong lúc mưa quá lớn. “Thực ra chúng tôi vẫn phải tháo nước theo đường mương dẫn chảy ra sông Bằng, vì nếu không tháo nước, mưa lớn nguy cơ sẽ làm sạt lở bờ kè hồ chứa thải,” ông phân trần.
Mang câu chuyện vỡ hồ chứa thải quặng của các doanh nghiệp khai khoáng nêu trên tới gặp cơ quan chức năng địa phương, phóng viên Vietnam+ được ông Nông Thanh Tùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng cho biết, sau khi phát hiện các vụ việc trên, đích thân ông đã cử Thanh tra Sở và Chi cục Bảo vệ môi trường lên trực tiếp để xem xét tình hình.
Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng đã lập biên bản vi phạm hành chính và trình Ủy ban Nhân dân tỉnh xử phạt theo thẩm quyền. Cùng với đó, Sở này cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp phải đền bù phần hoa màu bị vùi lấp cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng.
Vị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng cũng cho biết, trước khi đi vào hoạt động, các doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, để xem xét các ảnh hưởng qua lại giữa môi trường với hoạt động khai khoáng trình Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt.
Tuy nhiên, đến nay một số doanh nghiệp như Công ty Đầu tư và Xuất nhập khẩu Cao Bằng vẫn chưa báo cáo đã hay chưa hoàn thành đánh giá tác động môi trường để cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra và chính thức xác nhận là xây dựng xong các hạng mục bảo vệ môi trường. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp vẫn chưa thật sự chú trọng đến việc bảo vệ môi trường.
“Quan điểm của chúng tôi là giấy phép khai thác khoáng sản thì do cơ quan thẩm quyền cấp cho doanh nghiệp, nhưng việc khai thác thì phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường của địa phương. Trong quá trình hoạt động, nếu doanh nghiệp gây ảnh hưởng đến môi trường, chúng tôi sẽ nhắc nhở và xử phạt theo các văn bản quy định của Chính phủ.
Còn trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng, chúng tôi sẽ kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh, hoặc nếu giấy phép do Bộ cấp thì chúng tôi sẽ kiến nghị lên Bộ thu hồi các giấy phép hoạt động của doanh nghiệp, chứ không để doanh nghiệp đến khai thác hủy hoại môi trường,” ông Tùng nhấn mạnh.