ThienNhien.Net – Do gỗ hương đang được tiêu thụ mạnh trên thị trường và có giá rất cao nên thời gian gần đây, những cánh rừng nguyên sinh còn nhiều cây gỗ hương trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) không ngừng bị lâm tặc tàn phá. Hoạt động khai thác, vận chuyển gỗ hương trái phép diễn ra công khai.
Máu rừng chảy khắp
15g30 chiều 21/8, chúng tôi có mặt tại con đập thủy điện Vĩnh Sơn 5 nằm trên địa bàn làng O3 thuộc xã Vĩnh Kim (Vĩnh Thạnh – Bình Định). Đang mùa nắng gắt, nhưng chiều hôm ấy trời vần vũ mây, hứa hẹn 1 cơn mưa.
Người dẫn đường của chúng tôi hy vọng: “Nếu trời đổ mưa chắc chắn mấy anh sẽ được chứng kiến cảnh chuyển gỗ từ trên rừng về. Gỗ quý, có giá trị cao nên lâm tặc ở đây rất thận trọng trong việc chuyển gỗ từ rừng ra. Họ thường chuyển vào những ngày thứ bảy, chủ nhật để tránh ngành chức năng; hoặc vào ban đêm và những hôm trời mưa”.
Mưa đầu nguồn đến nhanh, dữ dội nhưng cũng nhanh tạnh. Chỉ 1 lát sau chúng tôi được chứng kiến cảnh “vận tải” gỗ lậu có một không hai. Một đoàn khoảng 10 người, người đi đầu làm nhiệm vụ mở đường và 1 người bọc hậu, 8 người đi giữa “cõng gỗ”.
Trên lưng mỗi người là 1 súc gỗ hương dày khoảng trên 10cm, rộng 60cm và dài 2m được buộc 2 sợi dây tròng vào vai như chiếc ba lô. Súc gỗ nào cũng vượt quá đầu người, người cõng phải đi trong tư thế lom khom thì súc gỗ mới nhỏng lên khỏi mặt đất.
Để tránh bị “tóm” trọn gói, những người cõng gỗ đi cách quãng khá xa, để nếu bị ngành chức năng chặn bắt còn có thể tẩu tán. “Họ đang đi về hướng làng O3. Lâm tặc thường thuê đồng bào dân tộc vận chuyển gỗ từ rừng về cất giấu tại làng, sau đó tìm cách vận chuyển về xuôi”, người dẫn đường cho chúng tôi, nói.
Chúng tôi “trà trộn” vào lực lượng công nhân thủy điện Trà Xom nằm trên địa bàn 2 xã Vĩnh Kim và Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh) để theo dấu lâm tặc. Tôi nhanh chóng ghi được hình ảnh. Cũng là gỗ hương, đã cưa xẻ thành súc hoặc cưa thành những khúc gỗ tròn, ngay sau khi được vận chuyển từ rừng sâu ra bìa rừng, liền có một lực lượng khác (khoảng 10 người) chờ sẵn xe máy ngoài bìa rừng, tiếp tục chở đi nơi khác.
Đó là những câu chuyện vận chuyển gỗ từ rừng ra nơi tập kết, câu chuyện vận chuyển gỗ về xuôi của những nhóm lâm tặc đang hoành hành ở Vĩnh Thạnh cũng “phong phú” không kém.
Theo phản ánh của người dân làng Đăk Tra (xã Vĩnh Kim), bãi đất trống bên cạnh máy xay đá của thủy điện Vĩnh Sơn 5 chính là chỗ “nghỉ chân” của hàng chục chiếc xe máy chở gỗ lậu về xuôi diễn ra thường xuyên vào những đêm tối, từ quãng giữa đêm trở đi. Lâm tặc chở gỗ từ nơi tập kết vừa qua khỏi ủy ban xã Vĩnh Kim và Trạm Kiểm lâm Vực Bà dừng nghỉ tại đây, để “lấy trớn” chuẩn bị vượt con dốc cao về xuôi.
Không chỉ vậy, nhiều khi lâm tặc vận chuyển gỗ từ rừng về xuôi bằng xe máy cả vào ban ngày. Anh Hùng, 1 tài xế xe tải chạy công trình, tiết lộ: “Họ chạy sau những chiếc xe tải, khi đi qua ủy ban xã hoặc Trạm Kiểm lâm Vực Bà, họ chạy nép bên hông xe tải để tránh lực lượng chức năng. Qua khỏi đó là rồ ga vun vút.
Nhiều lúc tui chạy xe trống, “dậm” khoảng 30km/giờ nhưng cũng không theo lại những chiếc xe máy chở đến 1 tạ gỗ. Những chiếc xe máy chuyên chở gỗ lậu đều được “độ” 2 nhíp 2 nhún nên phang ghê lắm”.
Ngoài ra, lâm tặc còn vận chuyển gỗ bằng đường sông. Mùa này tuy đang hạn, nhưng sông Kôn nhiều đoạn vẫn còn đầy nước. Lâm tặc buộc lên mỗi súc gỗ 1 chiếc săm ô tô, sau đó bơm phồng làm thành những chiếc phao thả xuống sông, những súc gỗ nổi lềnh bềnh, nhờ sức nước đẩy cộng với sức kéo của lâm tặc, gỗ cứ thế trôi về xuôi.
“Đến chân đập thủy điện Vĩnh Sơn 5, lâm tặc xì hơi những chiếc phao, cho gỗ chìm dưới hồ, sau đó vớt lên chở gỗ đi tiêu thụ bằng xe máy, có khi chở đi bằng xe tải với khối lượng lớn”, ông Đinh Minh Lê, Phó Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Kim, cho hay.
Chẳng biết từ khi nào, lâm tặc biến dòng sông Kôn mang đầy chứng tích lịch sử thời 3 anh em nhà Tây Sơn khởi nghĩa đã biến thành “dòng sông gỗ lậu”.
“Quậy tưng” những cánh rừng
Có thể nói, những cánh rừng ở Vĩnh Thạnh đang bị lâm tặc “quậy tưng”. Chúng không chỉ ngang nhiên hoạt động, mà còn tranh giành “địa bàn” đến chém nhau ngay tại nơi khai thác gây tử vong.
“Hiện nay, không chỉ khu rừng đặc dụng An Toàn (An Lão) bị lâm tặc “ngắm”, những cánh rừng tại các khu vực: làng O2, (Vĩnh Kim – Vĩnh Thạnh), xã Đak Mang (Hoài Ân) và xã An Nghĩa (An Lão) cũng xuất hiện một số lâm tặc từ tỉnh Quảng Bình vào khai thác gỗ trái phép”, ông Nguyễn Đình Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định, cho biết. |
Ông Đinh Minh Lê, Phó Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Kim, cho biết: Chiều 16/6, do mâu thuẫn trong quá trình khai thác trái phép tại khu vực rừng đầu nguồn sông Kôn thuộc làng 02, xã Vĩnh Kim (Vĩnh Thạnh), nơi giáp ranh với xã An Toàn (An Lão – Bình Định) và huyện Kbang (Gia Lai), Nguyễn Thanh Hải (24 tuổi) ở huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình cùng 3 đồng bọn mang hung khí đi sang lán trại của 1 nhóm lâm tặc khác thanh toán.
Trong lúc hỗn chiến, Nguyễn Thanh Hải đã dùng dao phát rừng chém đứt cổ Nguyễn Ngọc Hà (32 tuổi) ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Ngay trong đêm, nhóm lâm tặc có người bị nạn đưa Nguyễn Ngọc Hà xuống núi cấp cứu nhưng không kịp, nạn nhân chết trên đường đi.
“Vị trí xảy ra hỗn chiến giữa các nhóm lâm tặc nằm tận trên thác Năm Mươi, điểm giáp ranh với huyện An Lão (Bình Định) và tỉnh Gia Lai. Do quá xa và đường đi trắc trở, nạn nhân được khiêng men theo đường suối về xuôi nên không kịp cấp cứu”, ông Lê nói.
Vào vai người đi mua gỗ, chúng tôi được nhiều người dân địa phương hướng dẫn cứ về các làng O3, O5, Đăk Tra hỏi đồng bào dân tộc là sẽ ra hết. Giá bán ở đây cũng mềm, gỗ hương có mặt từ 50cm trở lên chỉ chừng 25 triệu đồng/khối. Thậm chí nếu mua tại cửa rừng theo phương thức mua xô thì chỉ 5-10 triệu đồng/khối.
Trong khi đó, theo anh Nguyễn Hữu Trí, chủ 1 cơ sở SX đồ mộc ở TX An Nhơn thì gỗ hương hiện đang được thị trường ăn mạnh với giá rất cao. Gỗ hương có mặt rộng từ 50-60cm hiện đang được tiêu thụ với giá 50-60 triệu đồng/khối; mặt rộng từ 20-50cm có giá từ 30-40 triệu đồng/khối và mặt rộng dưới 20cm có giá khoảng 25 triệu đồng/khối.
Tuy nhiên, anh Hưng, 1 người dân ở làng Đăk Tra, khuyến cáo: “Nếu các ông mua số nhiều thì phải biết cách “tìm đường đi” chứ để bị tóm là hết vốn”. Tôi hỏi tìm đường đi bằng cách nào, Hưng cười, lắc đầu.
Sau đó, Hưng còn đe: “Chuyện mua bán gỗ ở đây có nhiều “sói” lớn rồi, bây giờ mấy ông vô phá vỡ “trật tự” coi chừng không yên đâu”. Theo thông tin chúng tôi nắm bắt được từ người dân địa phương, ở Vĩnh Kim hiện đang có khá nhiều “sói gỗ” (đầu nậu), dẫn đầu là ông Tình, người ở thị trấn Vĩnh Thạnh lên Vĩnh Kim làm ăn.
Trưa 22/8, trao đổi với ngành chức năng, chúng tôi được ông Lê Văn Lai, cán bộ Kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Vĩnh Kim, cho biết: “Xã này hầu hết là đồng bào dân tộc, rừng núi lại mênh mông, có đến 9.600 ha rừng tự nhiên, lại giáp ranh với nhiều địa phương nên khó kiểm soát hết. Chúng tôi thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, BQL RPH Vĩnh Thạnh tổ chức tuần tra, truy quét nhưng lâm tặc khai thác rất sâu nên khó ngăn chặn. Hoạt động vận chuyển, mua bán diễn ra lén lút nên thi thoảng mới phát hiện được vài vụ”.