ThienNhien.Net – Từ năm 2003, trên cơ sở ước tính lượng lương thực, thực phẩm và tài nguyên mà con người đã sử dụng, đồng thời có tính đến khả năng hấp thụ lượng khí thải CO2 từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, Global Footprint Network – một tổ chức phi chính phủ của Mỹ trong lĩnh vực môi trường sinh thái – đã ấn định một ngày trong năm được gọi là “Earth Overshoot Day”, tức là ngày đánh dấu thời điểm thế giới đã sử dụng hết tài nguyên mà Trái đất có thể đáp ứng cho cả năm.
Như vậy là trong thời gian còn lại của năm, con người sẽ phải “tiêu lạm” vào quỹ tự nhiên thông qua việc khai thác tài nguyên và thải rác cùng khí thải độc hại ra ngoài môi trường, làm trầm trọng thêm hiện tượng biến đổi khí hậu.
Năm 2014, thời điểm nhân loại tiêu hết nguồn vốn thiên nhiên của 365 ngày được xác định là ngày 19/8, tức là nhân loại rơi vào tình trạng “nợ nần sinh thái” trong 134 ngày còn lại. Chỉ trong vòng hơn 8 tháng, loài người chúng ta đã tiêu thụ hết khả năng tái tạo thiên nhiên của Trái đất trong cả năm.
Thực ra cách tính toán nói trên đã được các chuyên gia thực hiện từ năm 1970 và được chuẩn hóa từ năm 2003. Ngược dòng thời gian, người ta thấy thời điểm tiêu hết vốn tài nguyên của nhân loại cứ bị đẩy lùi hàng năm khiến cho món nợ sinh thái của loài người cứ ngày càng chồng chất thêm. Năm nay, thời điểm rơi vào nợ sinh thái được đẩy sớm hơn một ngày so với năm 2013, nhưng so với năm 2010 thì nó đến trước 12 ngày. Năm 2000 thì “Earth Overshoot Day” rơi vào ngày 5/10 hay xa hơn một chút là năm 1975, thì đến tận ngày 29/11 thì nhân loại mới tiêu hết nguồn tài nguyên cho phép.
Có thể lý giải cho thực trạng “Earth Overshoot Day” bị đẩy lên sớm dần là vì trong những năm 1970, dân số thế giới chỉ bằng khoảng một nửa hiện nay (gần 4 tỷ người vào những năm 1970, trong khi đến năm 2014 dân số thế giới là 7,2 tỷ người). Tất cả các nhu cầu cho con người đều tăng, trong đó đặc biệt có nhu cầu năng lượng tăng rõ nét, cho dù rất nhiều tiến bộ khoa học công nghệ xuất hiện hàng ngày giúp tiết kiệm năng lượng.
Nhu cầu của loài người sử dụng tài nguyên thiên nhiên để nuôi sống và phục vụ sinh hoạt của mình là tất yếu, nhưng từ giữa thập niên 1970, nhu cầu của chúng ta đã vượt ngưỡng cho phép. Mức tiêu thụ tài nguyên của nhân loại đã vượt quá khả năng tái tạo tự nhiên của Trái đất để có thể cung cấp trở lại cho con người.
Theo tính toán của Global Footprint Network, Trái đất phải tăng gấp 1,5 lần khả năng tái tạo tự nhiên mới đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên của con người cho tới thời điểm năm 2014. Và nếu cứ giữ nhịp độ tiêu thụ như hiện nay thì từ nay đến năn 2050 loài người sẽ phải cần có “hai Trái đất” mới đáp ứng được nhu cầu về tài nguyên.
Vào “ngày thế giới mắc nợ” thiên nhiên năm nay, tổ chức phi chính phủ Mỹ cũng đưa ra bản thống kê đối với các quốc gia riêng dựa trên những chỉ số dự trữ tài nguyên thiên nhiên của từng nước có được và mức tiêu thụ tài nguyên thực tế của dân cư. Các “con nợ sinh thái” lớn vẫn là những nước phát triển và mới trỗi dậy như Nhật Bản, Mỹ và không thể thiếu được Trung Quốc – đất nước của hơn 1 tỷ dân và đang trong cơn khát năng lượng và nguyên vật liệu phục vụ cho tốc độ phát triển phi mã của họ. Tiếp theo là các nước như Ấn Độ, Nga, Brazil và Qatar.
Hậu quả của tình trạng nhân loại chi nhiều hơn thu này là điều càng ngày càng hiển hiện. Như tình trạng biến đổi khí hậu chính là sản phẩm của việc tích tụ khí gây hiệu ứng nhà kính vượt quá khả năng hấp thụ của rừng và đại dương. Thêm vào đó, tình trạng phá rừng, hủy hoại đa dạng sinh học, đánh bắt hải sản quá mức hay khai thác tài nguyên khoáng sản quá nhanh.
Món nợ sinh thái của nhân loại hôm nay nếu không được trả ngay sẽ tích tụ lại trở thành gánh nặng lớn đẩy thế hệ tương lai vào một cuộc “khủng hoảng sinh thái”, một cụm từ đã được các chuyên gia môi trường nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây.