Phối hợp bảo vệ rừng và lâm sản vùng giáp ranh

ThienNhien.Net – Những năm trước đây, rừng ở vùng giáp ranh tại các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum bị “lâm tặc”, “khoáng tặc” tàn phá nghiêm trọng. Nhưng, từ khi các địa phương này cùng đưa ra quy chế phối hợp, công tác quản lý, bảo vệ rừng và lâm sản ở khu vực vùng giáp ranh đã đạt được những kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, để những khu rừng ở vùng giáp ranh được hồi sinh, các địa phương cần “siết chặt tay” hơn nữa…

Theo chân các kiểm lâm viên của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, chúng tôi có dịp đi dọc theo các tuyến đường giáp ranh giữa các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum vào những ngày giữa tháng 8. Mùa này, ở khu vực miền núi thường có những cơn mưa chiều ập đến, làm cho các tuyến đường đất nhão ra, khó đi, cho nên công tác tuần tra, truy quét các đối tượng khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản gặp nhiều khó khăn. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam Phan Tuấn, người đã có hàng chục năm gắn bó với núi rừng cho biết: Khu vực rừng giáp ranh giữa ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum là khu vực có hệ sinh thái đa dạng và phong phú; trữ lượng gỗ lớn, có những loài động vật, thực vật và dược liệu quý hiếm, đặc hữu của vùng Ðông, Tây Trường Sơn hội tụ, do đó dễ bị tác động bởi các đối tượng xâm hại đến rừng. Những khu rừng ở đây có tác dụng phòng hộ đầu nguồn của các con sông lớn, giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội và phục vụ đời sống của nhân dân ở các tỉnh trong khu vực miền trung. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, nằm xa trung tâm các tỉnh và các huyện, cho nên công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp muôn vàn khó khăn.

Một khu rừng ở tỉnh Quảng Nam đang được trồng phục hồi (Ảnh: Nhân Dân)
Một khu rừng ở tỉnh Quảng Nam đang được trồng phục hồi (Ảnh: Nhân Dân)

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, phần lớn dân cư sinh sống ở địa bàn vùng giáp ranh là đồng bào các dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, phương thức canh tác chủ yếu là phát nương làm rẫy. Những năm gần đây, phong trào trồng rừng nguyên liệu phát triển mạnh, một số đồng bào đã lấn chiếm đất lâm nghiệp, phá rừng trái pháp luật để lấy đất sản xuất, làm cho vốn rừng ở khu vực này bị suy giảm. Ðiều đáng nói nữa là khi các tuyến đường liên huyện, liên xã ở miền núi được đầu tư xây dựng, đi lại thuận lợi, cũng dễ tạo điều kiện cho các đối tượng vận chuyển gỗ trái phép về xuôi. Còn nhớ, cách đây chừng vài năm, khi tuyến đường nam Quảng Nam nối từ TP Tam Kỳ, qua thị trấn Trà My lên huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) được hình thành đã “mở ra” cơ hội cho lâm tặc tuồn gỗ lậu khai thác được từ vùng giáp ranh qua tỉnh Kon Tum để vận chuyển về đồng bằng. Không chỉ khai thác rừng trái phép, tình hình khai thác khoáng sản ở vùng giáp ranh tại các khu vực: sông Bua (vùng giáp ranh giữa huyện Nam Trà My, Quảng Nam và huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) và sông Lon (vùng giáp ranh giữa huyện Tây Trà – huyện Bắc Trà My) cũng diễn ra khá phức tạp; hàng chục ha rừng bị tàn phá do nạn khai thác vàng trái phép.

250814_baoverung2Những năm trước đây, khi các địa phương ra quân tổ chức truy đuổi, các đối tượng khai thác gỗ, khoáng sản trái phép thường lẩn tránh và ẩn nấp vào các khu vực vùng giáp ranh. Hễ bên này tổ chức truy quét, đẩy đuổi thì các đối tượng dạt sang bên kia ranh giới ẩn nấp và ngược lại…, chờ khi các cơ quan chức năng rút về thì lại tiếp tục khai thác trái phép. Có thời điểm, Quảng Nam đã huy động lực lượng hàng trăm người tập trung truy quét nạn khai thác vàng trái phép ở khu vực Trà My (vùng giáp ranh với các huyện Tây Trà, Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) cả tháng trời. Nhưng xong đợt rồi, các đối tượng khai thác vàng lại tiếp tục quay về khai thác, tàn phá môi trường. Ở Quảng Ngãi cũng vậy, sau nhiều đợt đưa quân lên kiểm tra, đẩy đuổi cũng không ngăn nổi nạn khai thác trái phép ở khu vực huyện Tây Trà, nằm tiếp giáp với Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Lê Văn Kích bộc bạch: Nhiều khi chính quyền cũng bị lúng túng trong việc ra quân truy quét, xử lý nạn khai thác rừng, lâm sản trái phép. Cứ mỗi lần ra quân, các đối tượng bỏ phương tiện, lẩn tránh vào khu rừng giáp ranh, rồi chạy ngược lên phía Kon Tum hoặc dạt sang bên tỉnh Quảng Ngãi…

Xuất phát từ thực trạng đó, vào cuối năm 2011, lãnh đạo ba tỉnh này đã có cuộc trao đổi, bàn bạc và đưa ra quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và lâm sản vùng giáp ranh giữa các tỉnh. Theo quy chế này, chi cục kiểm lâm và hạt kiểm lâm các địa phương kịp thời thông báo cho nhau những nội dung liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng và khoáng sản; đồng thời phối hợp theo dõi các đối tượng xâm hại đến rừng để có biện pháp ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời. Nhờ nắm thông tin kịp thời, vào đầu năm 2013, Ðội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đã phối hợp, chặn đường, bắt giữ một vụ vận chuyển gỗ với khối lượng lớn từ Quảng Nam vào Quảng Ngãi để tiêu thụ. Và cũng qua phối hợp, trong năm 2013, lực lượng kiểm lâm của tỉnh Quảng Nam và tỉnh Kon Tum đã tóm gọn các đối tượng vận chuyển hàng chục mét khối gỗ trái phép trên tuyến đường Hồ Chí Minh.

Ðáng nói là, Hạt Kiểm lâm Bắc Trà My đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm Tây Trà tổ chức nhiều đợt truy quét nạn khai thác lâm sản và khoáng sản trái phép tại vùng giáp ranh sông Lon. Qua đó, đã phá hủy nhiều lán trại và các phương tiện khai thác vàng trái phép, đồng thời đưa ra khỏi địa bàn hàng chục đối tượng làm vàng trái phép. Mới đây, lực lượng chức năng của huyện Núi Thành (Quảng Nam) đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm các địa phương lân cận mở đợt truy quét khai thác vàng làm xâm hại đến khu rừng giáp ranh giữa huyện Núi Thành với các huyện: Bình Sơn, Trà Bồng (Quảng Ngãi). Tại đây, cơ quan chức năng đã phá hủy hơn 10 máy nổ, máy phát điện, máy xay đá cùng gần chục lán trại… Theo số liệu tổng hợp của các tỉnh, qua hơn hai năm thực hiện quy chế phối hợp, các địa phương đã tổ chức hơn một nghìn đợt kiểm tra truy quét các đối tượng xâm hại đến tài nguyên rừng vùng giáp ranh. Qua đó, cơ quan chức năng đã phát hiện, lập biên bản 554 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng; tịch thu 550 m3 gỗ (quy tròn), gần 100 ô-tô, mô-tô, xe máy và hàng chục cưa răng, thu nộp vào ngân sách nhà nước hơn 6,2 tỷ đồng.

Dù đã đạt được kết quả bước đầu như vậy, nhưng công tác quản lý, bảo vệ rừng và lâm sản ở khu vực vùng giáp ranh còn nhiều điều cần tiếp tục khắc phục. Lãnh đạo các tỉnh thừa nhận, thời gian qua, công tác tuyên truyền, giáo dục chưa được thường xuyên, sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Việc phối hợp kiểm tra, phát hiện, xử lý các đối tượng chưa được duy trì đều đặn; công tác xác minh, phân loại đối tượng có thủ đoạn phá hại rừng còn hạn chế; tình trạng vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép trên tuyến đường Hồ Chí Minh còn diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi nhưng chưa được ngăn chặn và xử lý triệt để. Mặt khác, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng vùng giáp ranh chưa được các địa phương quan tâm đúng mức. Chủ tịch UBND xã Pờ Ê (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) Nguyễn Ðức Thọ bày tỏ phấn khởi: Ðến nay, công tác phối hợp quản lý, bảo vệ rừng và lâm sản ở khu vực vùng giáp ranh đã đạt được kết quả đáng mừng; các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng tại vùng giáp ranh của địa phương với các xã: Ba Ngạc, Ba Tiêu (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) đã được hạn chế, việc phá rừng làm nương rẫy đã được kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, các địa phương trong vùng giáp ranh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản đến cộng đồng nhằm không ngừng nâng cao nhận thức cho nhân dân. Ðồng thời tăng cường tuần tra, kiểm tra, phát hiện ngăn chặn và xử lý nghiêm các đối tượng khai thác rừng và khoáng sản trái phép. Có vậy, mới hy vọng ngăn chặn kịp thời nạn chảy máu rừng ở vùng giáp ranh.