ThienNhien.Net – Ngày 22/8, tại TP Long Xuyên (An Giang), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo quy hoạch, kiểm soát lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030; chủ động kiểm soát lũ sớm, lũ chính vụ để bố trí cơ cấu mùa vụ sản xuất phù hợp, để người dân sống chung và thích nghi với lũ, hạn chế những tác hại tận dụng những lợi thế mà lũ mang lại để phát triển kinh tế.
Các chuyên gia đến từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng Cục thủy lợi, Vụ kế hoạch, Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, Trường đại học Thủy Lợi, Viện Quy hoạch thủy lợi miền nam, đại diện các Viện, Trường trong khu vực ĐBSCL…, các chuyên gia trong và ngoài ngành, các nhà khoa học, các nhà quản lý các tỉnh trong khu vực ĐBSCL đã tham gia hội thảo.
Thời gian qua, lũ khu vực ĐBSCL có những diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dẫn đến thiên tai bão lũ diễn biến bất thường và ngày càng khó lường hơn; khu vực phía thượng nguồn sông Cửu Long có nhiều biết đổi do xây dựng các công trình thủy điện làm biến đổi dòng chảy; do đặc tính của vùng ĐBSCL đang đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, tốc độ đô thị hóa, dân số tăng nhanh cũng như việc mở rộng diện tích trồng lúa vụ ba đã đặt ra cho các tỉnh nằm trong khu vực Đồng ĐBSCL nhiều thách thức và cơ hội. Ông Lương Quang Xô, Phó Viện trưởng Viện quy hoạch thủy lợi Miền Nam thì quy hoạch kiểm soát lũ ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp nhất là việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào công tác vận hành, cảnh báo lũ; bố trí cơ cấu mùa vụ cho thích hợp; tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng để người dân nâng cao nhận thức tiếp tục thực hiện quan điểm sống chung với lũ; phát huy mặt lợi và hạn chế tác hại của lũ.
Còn theo như Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tăng Đức Thắng, Phó Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam thì việc kiểm soát lũ ở khu vực ĐBSCL không được tác động đến dòng chảy tự nhiên của các con sông để tránh gây nên tình trạng sạt lở và những hệ lụy khác, tiếp đó cần tính tới việc tạo không gian cho lũ bởi lũ ở khu vực ĐBSCL như là một thuộc tính, nó cũng đem lại cho người dân nhiều tiện ích như làm tăng độ phù sa cho đất, thau chua rửa mặn và nhất là nó cân bằng được hệ sinh thái đa dạng của vùng.Việc quy hoạch kiểm soát lũ cũng cần phải có một sự đánh giá thật chính xác về hiệu quả của nó nhất là việc làm đê bao bảo vệ vụ ba một phần là đầu tư cho diện tích đê bao này quá lớn; hơn nữa, vấn đề đê bao cũng làm tăng áp lực nước cho các tỉnh thượng nguồn và hạ nguồn hệ thống sông Cửu Long.
Thứ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh, quy hoạch kiểm soát lũ ở khu vực ĐBSCL là một quy hoạch có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực do đó cần đánh giá lại các dự án cũng như công trình chống lũ, kiểm soát lũ đã thực hiện; cần phải thay đổi về tư duy từ cán bộ quản lý đến người dân đối với vấn đề kiểm soát lũ, làm thế nào để tận dụng được những tiềm năng mùa lũ mang lại.
Đồng sông Cửu Long có 23.687 km đê bao vùng lũ bảo vệ cho hơn 530.699 ha đất lúa thu đông (lúa vụ 3), mùa nước nổi có độ ngập sâu từ 0,5m đến 4m, thời gian ngập từ 3 đến 6 tháng.