ThienNhien.Net – Để hơn 10 triệu người dân TP. HCM có được “lá phổi xanh” rộng hơn 34 ngàn hécta như hôm nay, ngoài công sức của hàng vạn người, không thể không nhắc đến công lao của người trụ cột.
Người đã tham gia từ ngày đầu đến khi những cánh rừng ở Cần Giờ đã lên xanh. Ông là Nguyễn Đình Cương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP. HCM.
Một thời gian khó
“Trong lịch sử, Việt Nam từng làm được những việc khiến thế giới phải sửng sốt, thán phục. Rừng Cần Giờ là một ví dụ. Tôi nhớ khoảng 10 năm trước, một nhà sinh thái học nổi tiếng của Mỹ đến Cần Giờ, đã tròn mắt ngạc nhiên.
Vì sau năm 1975, ổng là một trong những nhà khoa học từng đến và nhận định, rừng Cần Giờ bị hủy diệt phần lớn do chất khai quang, muốn phục hồi như cũ, phải mất ít nhất 100 năm. Vậy mà ta làm chỉ trong vòng 10 năm”, ông Nguyễn Đình Cương mở đầu câu chuyện.
Để đạt kỳ tích này, ngoài công sức của hàng vạn người, vai trò “thủ lĩnh” của ông Cương khó có thể kể hết. Năm 1982, với vai trò Phó Giám đốc Lâm trường Duyên Hải (nay là Cần Giờ), ông Cương được giao nhiệm vụ phụ trách chiến dịch trồng rừng Cần Giờ.
Suốt 10 năm sau đó, ông không ngơi nghỉ, luôn sát cánh, chia sẻ những vất vả, gian khổ và cả hiểm nguy với mọi người. “Hồi đó chưa có đường, về Duyên Hải phải đi bằng đò gỗ. Xuất phát từ bến Bạch Đằng lúc 3 giờ sáng, 3 giờ chiều mới đến trung tâm huyện”, ông Cương nhớ lại.
Theo kế hoạch, mỗi năm phải trồng khoảng 4 ngàn ha rừng, tương đương với 1.500 tấn trái giống. Sau khi có đủ nhân lực từ 22 nông trường (khi ấy, mỗi quận, huyện có một nông trường) và người dân 7 xã của Cần Giờ, ông lại cùng anh em giong ghe về 5 nông trường ở Minh Hải để mua trái giống.
Ông kể: “Khó khăn nhất là thời gian vận chuyển từ Minh Hải về thành phố hết cả nửa tháng, trái đước bị hư khoảng 30 – 40% vì những bao nằm trên thì khô, còn dưới đáy ghe thì hư vì nhiệt độ. Sau này, tôi mới rút kinh nghiệm, không nên chở quá nhiều, phần để rút ngắn thời gian, phần những trái nằm dưới không bị nhiệt độ nóng làm chín”.
Ngừng một lát, ông cười nói tiếp: “5 nông trường ở Minh Hải và 34 ngàn ha rừng ở Cần Giờ, chỗ nào cũng có dấu chân tôi rồi”.
Nói về những khó khăn, nguy hiểm, ông Cương kể: “Cần Giờ là vùng bán ngập, thủy triều lên là nhấn chìm tất tả. Nhiều lần, làm mệt quá nên mọi người ngủ say, đến sáng tỉnh dậy mới biết mọi thứ đã bị nước cuốn sạch trơn, chỉ còn mỗi chiếc giường.
Nhưng có một thứ khiến mọi người ai cũng sợ, đó là những con bù mắc, nhỏ hơn cả đầu tăm, có thể chui qua màn và cắn rất ngứa.
Một chuyện khiến tâm lý mọi người nhiều lúc không tốt nữa là những năm 1980, người dân còn đi vượt biên bằng đường biển rất nhiều. Không ít thuyền bị đắm vì bão hoặc cướp biển. Đa số những người chết dạt vào biển Cần Giờ. Chúng tôi lại phải báo chính quyền rồi chôn cất cho họ”.
Đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh
Ông Cương còn là nhân tố tích cực nhất trong công từ thiện. Ông đã vận động các DN trong ngành chế biến gỗ xây dựng 5 căn nhà tình nghĩa, 64 căn nhà tình thương với kinh phí 1,37 tỷ đồng; tặng 88 suất học bổng trị giá hàng chục triệu đồng cho các em nghèo hiếu học tại huyện Cần Giờ. Năm 2005, ông cùng nhóm tác giả đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về đề tài “Khôi phục và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ”, và dành toàn bộ số tiền 100 triệu đồng giải thưởng cho Quỹ Khuyến học của huyện Cần Giờ. Tổ chức và góp tiền lương phụng dưỡng mẹ của Anh hùng liệt sĩ Ngô Xuân Thế, hy sinh khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ rừng Cần Giờ. |
Ông Cương bảo, nguy hiểm thì nhiều, nhưng ông nhớ nhất là một lần đi cùng đoàn cán bộ của thành phố xuống nghiệm thu rừng.
“Lần đó, chúng tôi đi vào mùa gió chướng, thuyền còn đang lênh đênh trên biển, cách Cần Giờ hơn hải lý thì sóng gió nổi lên. Nước tràn vào thuyền. Chúng tôi phải đổ mấy can dầu xuống biển, cắt ngang thân can để múc nước ra. Buồn cười là sau đó, ai cũng nói về phương án sẽ làm gì nếu đắm thuyền”.
Vạn người và một kỳ tích
Trò chuyện với những người đang chăm sóc, bảo vệ rừng như bà Hồng, bà Hoàng, ông Tám, ông Thu, vợ chồng bà Tư Chưởng…và cả những người trong BQL Rừng phòng hộ, tôi thấy họ dành rất nhiều tình cảm cho ông Cương.
“Hồi đầu đi trồng rừng, cực khổ không thể nào tả hết. Nếu không có người như anh Cương, khó khăn còn nhiều gấp bội. Anh Cương là người chỉ huy có tâm, có tầm. Ảnh không chỉ đưa ra những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trồng rừng để mọi người bớt khổ, mà còn tham gia làm như tất cả mọi người.
Nhiều lần, nước ngọt sắp hết mà chưa mua được, ảnh chỉ tắm nước mặn chứ không dùng nước ngọt để nhường cho mọi người. Nhờ có ảnh mà khó khăn, cực khổ vơi bớt. Sau này, khi rừng đã lên xanh, ảnh qua kiểm lâm, tính cách vẫn vậy, chẳng thay đổi gì”, bà Ba Hồng nói.
Năm 1990, với cương vị là Giám đốc Lâm trường Duyên Hải, ông Cương tiếp tục đóng góp công cuộc bảo vệ rừng bằng phương án giao rừng cho các hộ dân.
“Tôi nghĩ, trồng rừng đã khó, giữ được rừng còn khó hơn. Lực lượng mỏng, nếu không dựa vào dân thì không thể nào làm nổi”, ông Cương nói.
Nhưng, tìm được người chấp nhận sống cuộc sống “người rừng” là không dễ. Và lúc này, uy tín, tình cảm của những người dân nhiều năm gắn bó trong công cuộc trồng rừng với ông đã giúp ông tìm được những người dám đi tiên phong.
“Chúng tôi quyết tâm vào nhận khoán, chăm sóc rừng một phần vì không nỡ nhìn thấy những cây rừng do mình gieo hạt bị hủy hoại, phần vì tin tưởng, quí mến anh Cương”, bà Tư Hoàng, một trong người đi tiên phong vào rừng nói.
Trả lời câu hỏi: “Theo anh, những yếu tố nào tạo nên thành công trong việc trồng và bảo vệ rừng Cần Giờ?”, ông Cương nói ngay: Hồi đó, nhận thức rõ tầm quan trọng của rừng Cần Giờ, nên lãnh đạo thành phố và các sở, ban ngành rất quan tâm, luôn theo dõi và chỉ đạo sát sao, hỗ trợ tối đa cho người trồng và giữ rừng trong khả năng có thể.
Khi rừng đã trồng, công tác bảo vệ, chăm sóc được cả hệ thống tham gia, từ xã, huyện, các đơn vị như kiểm lâm, công an, bộ đội… đến người dân. Hồi đó, có ban gọi là Ban chỉ huy thống nhất, mỗi tháng đều tổ chức họp giao ban về tình hình bảo vệ rừng của từng tiểu khu, xem chỗ nào làm chưa tốt thì chấn chỉnh, khắc phục, chỗ nào làm tốt thì động viên, biểu dương.
Riêng với các hộ giữ rừng thì được quan tâm tối đa. Thời gian đầu, khi kinh tế thành phố còn khó khăn, 10 hộ dân đầu tiên vào nhận khoán chưa có tiền lương, chỉ được hỗ trợ dựng một căn nhà gỗ, xuồng, lu dựng nước, được phép tỉa thưa và hưởng 35% số cây tỉa này.
Ngoài ra, bà con thả lưới trên sông, đào ao nuôi cá thêm. Khi đó, lãnh đạo thành phố, huyện, xã, và anh em kiểm lâm, ban quản lý rừng vào thăm liên tục, khi có khó khăn gì, chúng tôi hỗ trợ ngay. Chính vì thế, ngay từ những ngày đầu, dù điều kiện sống trong rừng khổ gấp ngàn lần bây giờ, nhưng người dân vẫn quyết tâm bám rừng và bảo vệ rất tốt. Sau đó, nhiều hộ khác theo vào nhận khoán.