ThienNhien.Net – Đó là tâm sự vui nhưng cũng ẩn trong đó đôi chút xót xa của những người làm nghề kiểm lâm. Bởi lẽ, các anh phải xa nhà biền biệt, hiếm khi có dịp về giúp đỡ vợ con.
Diện tích rộng, lực lượng lại mỏng, nên để bảo vệ an toàn cho “Khu dự trữ sinh quyển đẹp nhất Đông Nam Á” này, những chiến sĩ kiểm lâm, ngoài việc dựa vào dân, đã dành hầu hết thời gian cho rừng. Không quản hiểm nguy, chấp nhận đổ máu, hy sinh, họ bảo vệ rừng như bảo vệ chính ngôi nhà của mình.
Một người bảo vệ 800 ha rừng
Trên chiếc ca nô đang rẽ nước, tiếng anh Phùng Gia Hưng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Cần Giờ (TP. HCM) át cả tiếng gió ù ù: “Hạt có 5 trạm, đóng rải rác trong rừng, mỗi trạm có 5-6 người. Ngoài ra còn một đội kiểm lâm cơ động nữa. Nghĩa là những người làm công tác bảo vệ chỉ 36 – 37 người. Chia đều diện tích hơn 34 ngàn ha ra, mỗi người phải bảo vệ khoảng 800 ha rừng.
Ấy là chưa kể, thường xuyên có vài anh đi học nâng cao trình độ. Cho nên, tất cả anh em chúng tôi phải đoàn kết, hỗ trợ nhau, nỗ lực hết mình. Nhưng, với địa bàn trải rộng như thế, lực lượng kiểm lâm không thể dàn quân kiểm soát hết được, mà phải dựa vào dân. Các hộ dân trong rừng là tai mắt, là những người bảo vệ rừng hiệu quả nhất chứ không phải chúng tôi”.
Anh Hưng cho biết, khu vực rừng Gò Da, hay các vùng giáp ranh Đồng Nai, Vũng Tàu là những điểm phức tạp. Khoảng 10 năm trước, tình trạng phá rừng xảy ra thường xuyên. Mặc dù rừng Cần Giờ không có gỗ quí, nhưng lại là nguồn chất đốt lớn cho hàng trăm lò than ở Đồng Nai hoạt động.
Ngoài ra, rất nhiều sản vật, động vật quí, nên có những lúc người dân kéo cả đoàn vài chục người vào khai thác lâm sản. “Tụi tôi thường xuyên phải nằm đêm trong rừng.
Nhiều lúc, bắt quả tang, họ quăng hết tang vật, nhấn chìm phương tiện xuống sông để phi tang, chúng tôi lại phải lặn để vớt lên bằng hết”, anh Hưng cho hay.
Kể về những lần đụng mặt lâm tặc và người phá rừng, anh Đỗ Văn Lâm, Phó trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Lý Nhơn, nhớ lại: “Rừng Cần Giờ có con địa sâm, một đặc sản quí. Nhưng muốn bắt nó, phải đào rất sâu dưới đất.
Việc đào đất này gây xói lở và ảnh hưởng đến hệ thống rễ, gốc cây rừng, nên bị cấm. Một lần đi tuần, chúng tôi phát hiện nhóm người đang chuẩn bị vận chuyển mấy trăm ký địa sâm nên yêu cầu kiểm tra.
Lúc này, 4 nam và 1 nữ trên ghe ném tang vật xuống sông, một số đồng bọn đứng trên bờ la hét, lấy gạch, ném đá ném vào chúng tôi rào rào. Rồi chúng lái ghe hướng vào ca nô kiểm lâm. Sợ gây thương tích cho cả hai bên nên chúng tôi đành tránh rồi rút về. Sau đó chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan chức năng xử lý vì những người này đều là dân địa phương”.
Chúng tôi đang nói chuyện thì bất chợt tiếng chuông điện thoại reo inh ỏi. Sau vài giây, tôi mới định hướng nơi phát ra tiếng chuông là… trên mái nhà. Thì ra, ở đây sóng điện thoại yếu nên các anh phải để điện thoại trên cây cột sát mái nhà.
Anh kiểm lâm tên Mạo đứng lên với tay lấy điện thoại xuống nghe, xong bảo: “Dì Tư Hoàng gọi, kêu anh Trung, con trai dì vừa đi lưới về, có mấy con cá ngác tươi, muốn biếu trạm 1 con bồi dưỡng”.
Anh Hưng cười: “Cái sướng nhất của anh em kiểm lâm là đến hộ nào trong rừng cũng được bà con đón như người nhà đi xa về. Có gì ngon cũng muốn cùng ăn với anh em. Không có bà con thì không thể giữ rừng tốt như thế này”.
Lấy rừng làm nhà
Đi một vòng qua các trạm kiểm lâm đóng rải rác trong rừng, gặp những cán bộ, kiểm lâm viên đóng chốt trong rừng, điều tôi thấy rõ nhất là họ đều cảm thấy “có lỗi” với vợ con, nên mỗi khi được về thăm nhà là các anh giành làm hết mọi việc, từ đi chợ, nấu ăn, rửa chén, giặt đồ, quét dọn nhà cửa đến chăm con. Và, ai cũng nấu ăn rất giỏi.
“Mỗi khi thấy ba ngoài cổng là cô con gái lém lỉnh của tôi lại reo to: “Có khách về mẹ ơi! Hôm nay mẹ lại sướng rồi”. Bao nhiêu đó chỉ an ủi được cho vợ con chút xíu, mình đỡ áy náy một chút thôi anh ạ”, anh Hưng nói.
Anh Châu Văn Lên, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Lý Nhơn tâm sự: “Hai đứa con tôi, đứa lớn học lớp 6, đứa nhỏ mới hơn một tuổi. Nhưng việc chăm sóc, nuôi dạy con giao hết cho cô ấy.
Nhiều lúc vợ chồng tâm sự, bả ghẹo tôi: “Chồng gì mà cứ như khách vậy, đi quanh năm suốt tháng, lâu lâu ghé chơi. Có cũng như không. Tôi cười, ghẹo lại: Có cũng như không làm sao “tòi” ra 2 đứa được? Thế là vợ tôi lại cười, “bỏ qua” cho cái lỗi đi biền biệt của tôi. Nhiều lúc nghĩ thương vợ con lắm nhưng công việc nó thế, biết làm sao được”. Anh Lên năm nay 42 tuổi, và đã có 20 năm lấy rừng làm nhà.
“Theo tôi, những yếu tố giúp rừng Cần Giờ được bảo vệ tốt như hôm này là: Giao rừng cho dân quản lý, lực lượng kiểm lâm và đơn vị chủ rừng biết phối kết hợp với các cơ quan chức năng như bộ đội, công an, biên phòng, chính quyền địa phương và người dân, tạo thành một khối gắn kết, làm việc bằng trách nhiệm cao, bằng cái tâm và yêu rừng”, anh Phùng Gia Hưng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Cần Giờ. |
Anh Khánh, kiểm lâm viên trạm Lý Nhơn, năm nay đã 53 tuổi, nhưng 2 con anh chỉ mới 7 và 8 tuổi. “Sao anh lấy vợ trễ vậy?”, tôi hỏi. “Không phải. Tôi lấy vợ 10 năm mới có con”. Anh Khánh cho biết, do vợ anh khó đậu thai, trong khi anh lại không có nhiều thời gian bên gia đình nên muộn con.
“Lấy chồng làm kiểm lâm cũng thiệt thòi như chồng bộ đội. Vì phần lớn thời gian phải xa chồng. Một mình vừa đi làm vừa chăm 2 đứa con, cực lắm”, anh Khánh nói.
Nói về những kỷ niệm trong 20 năm gắn bó với rừng, anh Lên kể: “Một lần, cơ sở báo, đêm đó sẽ có nhóm lâm tặc từ Vũng Tàu qua chặt cây nên tôi cùng Hạt trưởng khi đó là anh Võ Hoàng Chương vào mai phục.
Khi phát hiện ghe của nhóm lâm tặc ra, chúng tôi pha đèn thì họ nhảy hết xuống sông, vì sợ chân vịt quét phải họ, nguy hiểm nên tôi cho ghe tấp vào bờ đợi chứ không dám đảo ghe tìm họ, mấy phút sau thì túm được một ông. Đến khi quay ra tính đưa chiếc ghe tang vật về thì chiếc máy cole 12 (chỉ đặt trên đuôi xuồng chứ không cố định – PV) trên ghe của lâm tặc rớt xuống sông từ lúc nào, chỉ còn dính một sợi dây.
Chúng tôi không thể vớt máy lên xuồng được vì quá nặng, nên cứ để vậy kéo về trạm. Do vẫn đang chất đầy cây đước tang vật của lâm tặc, nhưng lại không còn chiếc máy ở đuôi nên ghe mất cân bằng, chạy được một đoạn thì nước tràn vào khoang. Tôi phải dùng chiếc thùng nhựa múc nước ra liên tục mấy tiếng đồng hồ. Đến khi về đến trạm, thì hai tay tê cóng, cứng đơ, mất cảm giác, cả tuần sau mới hết”.
Anh Văn Công Phia, kiểm lâm viên ở trạm An Thới Đông cũng kể cho tôi nghe một kỷ niệm khác: Trong những lần đi tuần, chúng tôi thường xuyên bắt gặp một người phụ nữ vào rừng đào địa sâm.
Lần nào chị cũng cam kết không đào nữa, nhưng cứ vài ba bữa lại gặp chị đào. Tìm hiểu thì mới biết, hoàn cảnh chị rất đáng thương. Chồng mất sớm, nhà rất nghèo, một mình nuôi 3 đứa con nhỏ, bản thân chị không có nghề gì, nên phải vô rừng kiếm vài chục ngàn mua gạo.
Sau khi nghe báo cáo về hoàn cảnh của chị, chính quyền địa phương đã hỗ trợ một số vốn cho chị mưu sinh. Giờ, chị đã có một cửa hàng tạp hóa nho nhỏ, và không phải vào rừng nữa.