ThienNhien.Net – Việc lạm dụng quá mức thuốc bảo vệ thực vật là một trong những nguyên nhân lớn gây nên tình trạng ô nhiễm và suy thoái đất sản xuất nông nghiệp.
Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của nước ta liên tục gặt hái được những thành quả đáng mừng, trở thành một trong những cường quốc xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, đằng sau những vụ mùa bội thu ấy, đặt ra những lo ngại về việc quá lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật gây bức tử đồng ruộng. Những biện pháp quản lý của các cơ quan chức năng lại gần như vô hiệu trước mê hồn trận này.
Là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu nhiều nông sản chủ lực như gạo, cà phê, chè… và nước ta cũng là một trong những quốc gia sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều nhất thế giới. Theo Viện Môi trường Nông nghiệp, mỗi năm chúng ta sử dụng khoảng 100 tấn hóa chất bảo vệ thực vật. Thuốc bảo vệ thực vật bắt đầu sử dụng ở nước ta từ những năm 1950 với khoảng 100 tấn. 40 năm sau, lượng thuốc BVTV ở Việt Nam đã tăng gấp 150 lần. Sau khi xóa bỏ sản xuất nông nghiệp tập thể từ đầu những năm 1980, tốc độ tăng trưởng của thuốc BVTV càng dữ dội hơn.
Sản xuất nông nghiệp có sử dụng thuốc BVTV để phòng trị sâu bệnh là chuyện đương nhiên, cả thế giới đều sử dụng chứ không riêng gì Việt Nam. Thế nhưng, sử dụng với mức độ nhiều cộng với tốc độ tăng nhanh chóng mặt và một cách vô tội vạ như thói quen của nhiều nông dân nước ta thì khó thấy ở nước nào khác.
Theo nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, có đến 85% các hộ trồng rau phun thuốc dựa vào kinh nghiệm. 43% số hộ nông dân tăng nồng độ phun thuốc gấp đôi so với khuyến cáo. Đa số các hộ không tuân thủ đúng thời gian cách ly. Thậm chí, nhiều nông dân bất chấp sự ảnh hưởng tiêu cực của thuốc đến chất lượng rau màu và nguy cơ gây ngộ độc cho người tiêu dùng, họ đã tăng liều lượng, tần suất phun, có thể phun thuốc vào bất cứ thời điểm nào nếu phát hiện sâu bệnh.
Thói quen sử dụng thuốc BVTV của nông dân một cách bừa bãi, kiểu “điếc không sợ súng” như thế không chỉ khiến nông sản không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà môi trường đồng ruộng ngày càng bị hủy hoại, sức khỏe cộng đồng bị đe dọa từng ngày.
Con số mỗi năm có 15.000 người mắc căn bệnh ung thư mà Bộ Y tế đưa ra khiến nhiều người không khỏi giật mình và lo ngại. Và không sai nếu cho rằng, trong số hàng ngàn người nhiễm căn bệnh nan y này, một phần không nhỏ mắc bệnh là do hàng ngày họ tiếp xúc các hóa chất bảo vệ thực vật và sử dụng các thực phẩm còn tồn dư hóa chất gây độc. Số liệu điều tra của Trung tâm phát triển nông nghiệp bền vững cũng đã chứng minh: cả nước có khoảng 15-20 triệu người thường xuyên tiếp xúc với thuốc BVTV thì có đến 70% trong số này có triệu chứng ngộ độc. Ngộ độc thuốc BVTV là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất tại các bệnh viện.
Thêm vào đó, việc lạm dụng quá mức thuốc bảo vệ thực vật là một trong những nguyên nhân lớn gây nên tình trạng ô nhiễm và suy thoái đất sản xuất nông nghiệp cũng như hệ sinh thái tự nhiên của đồng ruộng, làm cho đất sản xuất ngày càng nghèo kiệt dinh dưỡng. Những loại thuốc trừ sâu có tàn dư độc cao không những tiêu diệt côn trùng có lợi trong môi trường mà còn làm ô nhiễm nguồn nước, đất, gây hại cho sức khỏe con người khi sử dụng nguồn nước này. Xót xa thay khi cả nước có đến hàng chục làng ung thư, mà nguyên nhân một phần do sử dụng nước có nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật gây độc!
Theo thống kê, số tiền mỗi năm nước ta bỏ ra để nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật về cũng không hề nhỏ, năm 2013 lên đến 700 triệu USD. Nếu đem so sánh với giá trị thu về do xuất khẩu chè của cả năm thì số tiền này lớn hơn gấp 3 lần. Còn cộng cả tiền nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, lúa giống thì cũng gần bằng tiền thu về do xuất khẩu gạo. Như thế, sự đánh đổi này có là quá đắt?
Từ những năm 1980, các nước trên thế giới đã nhận ra sự nguy hại khi lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và trong 20 năm qua liên tục giảm sử dụng lượng hóa chất này (Thụy Điển giảm 60% lượng thuốc, Đan Mạch, Hà Lan cũng giảm 50%), thì nước ta lại đang đi ngược lại. Việc cắt giảm số lượng thuốc BVTV, kiểm soát chặt chẽ từ nhập khẩu đến kinh doanh, sử dụng mặt hàng này là việc làm cấp bách và hoàn toàn nằm trong tầm tay của các cơ quan chức năng nếu thực sự quyết tâm vào cuộc. Còn không, nếu cứ để như hiện nay, với khoảng 1.000 hoạt chất và 3.000 tên thương phẩm, 30 ngàn đại lý, cửa hàng kinh doanh, thị trường thuốc BVTV trở thành ma trận rối rắm không thể tháo gỡ.