ThienNhien.Net – Giá cao su giảm liên tục là nguyên nhân chính dẫn đến việc hơn 3.000 ha cây cao su bị chặt bỏ trong 6 tháng qua ở khu vực Đông Nam Bộ
Từ năm 2012 đến nay, giá cao su xuất khẩu của nước ta giảm liên tục do cung vượt cầu. Trong tháng 7/2014, giá cao su xuất khẩu chỉ đạt 1.850 USD 1 tấn, giảm 41% so với cùng kỳ năm 2013 và giảm 65% so với thời điểm giá cao nhất vào tháng 2 năm 2011. Với mức giá này, trừ chi phí thuê nhân công, người trồng cao su không còn có lãi. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc hơn 3.000 ha cây cao su bị chặt bỏ trong 6 tháng qua, tập trung ở các tỉnh khu vực Đông Nam bộ.
Việc đốn bỏ cây cao su để trồng cây gì thay thế cũng đang là bài toán khó giải cho hàng ngàn hộ dân đang trồng loại cây công nghiệp này.
Phóng viên thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh có loạt phóng sự “Giải pháp phát triển cây cao su vùng Đông Nam bộ”.
“Cây cao su và vòng luẩn quẩn trồng-chặt, chặt trồng”
Đến với tỉnh Bình Phước vào những ngày này, vấn đề được chính quyền và người dân nói đến nhiều nhất là cây cao su. Cũng dễ hiểu bởi đây là địa phương có diện tích cao su lớn nhất cả nước với 232.000 ha, trong đó, hơn 70% là cao su tiểu điền. Điều đáng buồn là người ta chỉ bàn về việc chặt hay để cây cao su.
Còn nhớ, những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, cũng đã xảy ra tình trạng chặt bỏ cây cao su ồ ạt, kết quả là một thời gian sau thì giá tăng trở lại, khiến người dân phải trả giá đắt.
Rút kinh nghiệm từ bài học xương máu đó, chính quyền các địa phương đang ra sức vận động bà con nông dân không chặt bỏ cao su, cầm cự cho qua giai đoạn khó khăn này.
Ông Nguyễn Thành Chương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước nói: “Khó khăn hiện nay là giá mủ cao su xuống rất thấp so với những năm trước. Người nông dân cần tập trung các giải pháp kỹ thuật, để giảm được giá thành, tiết kiệm được công quản lý, tiết kiệm phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh. Cố gắng vượt qua khó khăn trong giai đoạn này, khi giá mủ cao su cao trở lại thì cây cao su sẽ lại có giá trị”.
Tuy nhiên, do không có biện pháp cụ thể để giúp người dân duy trì sản xuất nên dù rất xót xa, nhưng bà con nông dân ở Bình Phước vẫn phải chặt bỏ cây cao su để chuyển sang trồng các loại cây khác. Trong đó, không ít vườn cao su đang cho thu hoạch cũng bị chặt bỏ. Tình trạng nêu trên đang diễn ra phổ biến ở các tỉnh Đông Nam bộ.
Ông Nguyễn Văn Thọ, người dân xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước nói: “Đối với gia đình tôi là nông dân, có canh tác cây cao su thì sắp tới tôi sẽ thanh lý khoảng 50% diện tích. Ngoài cây cao su ra thì chỉ có trồng cây rừng thôi. Vì đất không có nước tưới nên buộc phải trồng những cây lâu năm”.
Có nhiều nguyên nhân khiến bà con nông dân chặt bỏ cây cao su: Chặt do tâm lý bất an về thị trường, chặt để tái canh do cao su già cỗi, chặt để trồng các loại cây khác. Thậm chí, có hộ chặt do cao su… không có mủ.
Ông Lê Hoàng An, Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Phú, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh cho biết: “Người nông dân chỉ muốn thu lợi nhuận thực tế. Nếu cứ chờ giá cả thì không biết sống nhờ vào cái gì. Vì vậy nên trước mắt, cao su trồng năm đầu hay năm thứ hai, so với giá cả thời điểm bây giờ người ta phá mà không tiếc để trồng cây ngắn ngày”.
Vùng Đông Nam bộ có điều kiện đất đai, khí hậu thích hợp cho sự phát triển của cây cao su. Đây cũng là vùng sản xuất cao su truyền thống của nước ta. Tuy nhiên, việc trồng quá nhiều diện tích, phá vỡ quy hoạch đã dẫn đến hậu quả như hiện nay.
Theo quy hoạch của Chính phủ về phát triển cây cao su đến năm 2015, thì khu vực Đông Nam bộ vượt đến 135 ngàn héc ta. Hiện toàn vùng đã trồng đến 537 ngàn héc ta cao su (chiếm 64% diện tích cây cao su của cả nước).
Đặc biệt, khi giá cao su tăng cao, người dân đổ xô trồng trên mọi diện tích có thể. Thậm chí, ở vùng đất dốc, đất trũng người dân cũng trồng cao su. Diện tích cao su tăng đột biến trong khoảng thời gian từ 2009-2013 là hậu quả của những sai lầm về chủ trương của ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương trong vùng Đông Nam bộ. Đó là sự phát triển của nền nông nghiệp tự phát và thiếu định hướng chiến lược.
Ông Vương Quốc Thới, Giám đốc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh nói: “Tất cả cây trồng chính của địa phương đều có quy hoạch. Mỗi địa phương lại có quy hoạch riêng. Tuy nhiên, do biến động của thị trường, mà tâm lý của người nông dân là chạy theo thị trường. Vấn đề thứ hai, phải thừa nhận, việc thực hiện Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân Tây Ninh làm chưa tốt”.
Theo đà này, liệu người nông dân trồng cao su còn cầm cự được bao lâu, hay lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn “trồng – chặt, chặt -trồng”?
Cần phải xác định rằng, cây cao su vẫn là cây công nghiệp lâu năm, có hiệu quả kinh tế cao đối với sự phát triển kinh tế của khu vực Đông Nam bộ nói riêng và của đất nước nói chung. Đã đến lúc chúng ta phải thực hiện những giải pháp căn cơ để cho cây cao su phát triển bền vững trong tương lai./.
Bài 2: Làm gì để khai thác có hiệu quả mỏ “vàng trắng” ở vùng Đông Nam bộ.