ThienNhien.Net – Trong một khảo sát gần đây do Ngân hàng Thế giới và Thanh tra Chính phủ thực hiện, quản lý đất đai bị đánh giá là một trong những ngành tham nhũng nhất, chiếm xấp xỉ 60%.
Bị gây khó dễ vì tìm hiểu thông tin đất đai
Một trong những nguyên nhân được đề cập đến trong nhiều văn bản và nhiều cuộc hội thảo lớn nhỏ, là việc bạch hóa thông tin về đất đai không đầy đủ, không được làm nghiêm túc, hoặc bị cố tình bưng bít, làm sai, khiến cho người dân không tiếp cận được thông tin, dẫn tới việc hiểu lầm, gây khó dễ cho cán bộ; hoặc bị cán bộ gây khó dễ.
“Ở nhiều tỉnh, huyện, và phường/xã nơi các nghiên cứu viên thực hiện khảo sát thực hiện khảo sát, các công chức thường đơn giản là từ chối cung cấp thông tin. Nêu lý do “thông tin mật”, hay cần phải có phê duyệt của Chủ tịch UBND, cần có công văn giải thích tại sao cần thông tin, hay thậm chí là cần gặp riêng tại quán cà phê, nhiều công chức đã hoàn toàn không thực hiện nghĩa vụ phải cung cấp thông tin. Ở hai địa phương, các nghiên cứu viên bị giữ vì chụp ảnh. Những trải nghiệm này cho thấy rõ ràng công chức vẫn chưa hiểu rằng cung cấp thông tin là một nghĩa vụ theo luật định của công chức, và rằng công dân, dù không có thư giới thiệu, vẫn có quyền tiếp cận thông tin”
Đó là một đoạn trích trong báo cáo khảo sát về minh bạch thông tin trong quản lý đất đai do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện gần đây.
“Trong vai” những người dân đi tìm cách tiếp cận thông tin đất đai từ các nhà quản lý, hai cán bộ nghiên cứu đã bị tạm giữ tại Lai Vung, Đồng Tháp vì không chịu xuất trình giấy tờ, vì chụp ảnh và tìm hiểu thông tin mà không được giới thiệu từ cơ quan chức năng.
Chính quyền cấp xã, được coi là nơi trực tiếp thực hiện chủ trương với người dân và truyền đạt chủ trương lại thể hiện nhiều vấn đề trách nhiệm và năng lực nhất, cán bộ thường từ chối cung cấp thông tin, chờ chỉ đạo từ tỉnh, hoặc không có mặt ở công sở; khiến người dân không nhận được hợp tác từ chính quyền, theo báo cáo của WB.
Tranh chấp ngay trong luật pháp
Ông Nguyễn Đình Xuân, GĐ Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Tây Ninh chia sẻ: “Trước khi chuyển sang Sở Tài nguyên Môi trường, tôi là ĐBQH. Tôi nhận được nhiều kiến nghị của dân và nhìn ra nhiều điểm bất hợp lý. Nhưng khi tôi đảm nhận vai trò quan chức, tôi lại không tìm ra được cách giải quyết những bất hợp lý đó.
Có rất nhiều yếu tố: cấp sở không có vai trò tham gia vào khâu ban hành luật, hoặc bị chi phối bởi những cơ chế khác, ví dụ UBND. Sự thiếu đồng bộ, chồng chéo và bất hợp lý trong việc ban hành và thực thi Luật dẫn đến nhiều vấn đề.
Giống câu chuyện: một gia đình có 7 ha đất. Khi cơ quan chức năng phát hiện, họ sẽ quy định chỉ có 3/7 ha là đất ở, phần còn lại là thuê dù gia đình họ ở trên đất đó từ hồi mới giải phóng. Sau này hoàn cảnh của họ khó khăn, họ bán và chia cho các con; phần đất giờ không còn. Cơ chế “thuê” không rõ ràng sinh ra nhiều hệ lụy: cán bộ không biết thu tiền thế nào, người sử dụng không biết thủ tục sở hữu chuyển nhượng ra sao, đến khi thế chấp ngân hàng mới biết không được.
Tiêu đề đầu tiên đất đai là sở hữu toàn dân, do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Đứng trên vai này, Nhà nước có rất nhiều quyền; người dân cũng có 5 quyền, 5 quyền này cộng lại đúng bằng quyền sở hữu. Như vậy đã tạo ra sự tranh chấp trong pháp luật: ai cũng có quyền”
Ông Xuân cũng nêu ra một thực trạng rằng, chính sự tranh chấp giữa Nhà nước và người dân như vậy, và vì quỹ đất ngày càng hẹp; nên xảy ra một nguy cơ khác: lấy đất rừng, được coi là đất công, để sử dụng.
Ông Xuân lý giải, canh tác đất rừng không những tránh được phiền hà, đền bù, mà hầu như không phải trả một nguồn phí nào. Thậm chí trước nay ta vẫn tồn tại tư duy: phá rừng, khai hoang.. là một thành tích; còn đi vào thơ ca “ta về đây phá rừng hoang gió mơn man câu hò từ láng mới vui rộn tiếng cười tươi trẻ trên nương, theo bước ta đất mừng reo xanh mượt, cất cao lên ánh lửa yêu đời, khúc ca mừng đất vỡ thênh thang” (Khúc hát người đi khai hoang – Lư Nhất Vũ)
Ông Xuân cho rằng đây là điểm rất bất hợp lý. Cho dù đất rừng là của chung, Nhà nước quản lý, nhưng khi có một đơn vị bất kỳ, lấy đất rừng sử dụng cho bất kỳ mục đích nào, cũng phải đền bù. Điều này cần bổ sung vào Luật. Như vậy sẽ tạo ra nguồn thu để phục vụ việc bảo vệ, tái sinh rừng già, rừng phòng hộ; đồng thời ngăn chặn việc khai thác phá rừng bừa bãi.
Thêm nữa, cần thay đổi ngay tư duy, dẫn đến thay đổi Luật về việc đền bù cho các cộng đồng dân cư, người dân tộc thiểu số… khi Nhà nước trưng dụng đất đai và các khu rừng gắn liền lâu đời với các cộng đồng. Ví dụ lấy đất, phá rừng làm thủy điện, di dời dân… là phải đền bù cho cộng đồng dân ở đó, không phải hỗ trợ.
Ngoài ra, ông Xuân cũng thừa nhận có tình trạng công chức chưa hiểu hết trách nhiệm cung cấp thông tin cho người dân, hoặc cố tình gây khó dễ cho dân là thực tế, cần phải được cải thiện sớm.