ThienNhien.Net – Từ khi phân cấp cho địa phương quản lý, cấp phép khai thác các mỏ thì chỉ sau vài năm, đến nay đã có hàng ngàn giấy phép được cấp, kéo theo một loạt hệ lụy khó lường.
Hệ lụy từ cấp phép ồ ạt
Ông Phạm Chí Cường- Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Đúc Luyện kim Việt Nam- cho rằng: Chính vì việc cấp phép ồ ạt nên những năm gần đây lượng quặng khai thác ra đã vượt quá nhu cầu lò cao trong nước, dẫn tới việc xuất khẩu (XK) lậu diễn ra ngày một nhiều. Để hạn chế XK quặng thô chưa qua chế biến, Nhà nước đã cấm và nâng thuế XK lên tới 40%, song tình trạng XK lậu sang Trung Quốc ngày một trở nên phổ biến.
Nếu theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, lượng quặng sắt Việt Nam XK sang Trung Quốc trong 3 năm gần đây là: Năm 2011: 1.344.836 tấn; năm 2012: 23.600 tấn; năm 2013: 1.240.467 tấn, nhưng số thống kê của Hải quan Trung Quốc cho thấy số quặng sắt XK của Việt Nam sang Trung Quốc lớn hơn nhiều: Năm 2011: 2.895.156 tấn; năm 2012: 1.748.566 tấn; năm 2013: 4.502.000 tấn.
Với số chênh lệch quá lớn giữa thống kê của Hải quan Việt Nam và Hải quan Trung Quốc cho thấy, trong 2 năm 2011 và 2012, trung bình mỗi năm thất thu thế và phí đối với quặng sắt XK lậu sang Trung Quốc khoảng 1.780 tỷ đồng; đến năm 2013 con số thất thu tăng gần gấp đôi.
Ngoài ra, chưa kể hiện tượng doanh nghiệp xuất khẩu quặng cố tình kê khai giá xuất khẩu thấp để trốn thuế. Ước tính mỗi năm, Việt Nam thất thu trên 500 tỷ đồng tiền thuế XK quặng sắt do gian lận về giá. Đây là con số đáng báo động khiến chúng ta phải suy nghĩ. Mặc dù Nhà nước đã áp dụng biện pháp mạnh bằng việc cấm XK quặng sắt, nâng thuế, phí khai thác và XK… nhưng nhiều công ty khai thác vẫn tìm biện pháp “tiêu cực” để XK, thu lợi bất chính. Trong khi, đối tác nhập khẩu quặng từ Trung Quốc lại sẵn sàng mua với giá hấp dẫn, nên đã thúc đẩy doanh nghiệp (DN) XK lậu và gian lận để trốn thuế.
Mâu thuẫn cần giải quyết
Ông Phạm Chí Cường- Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Đúc Luyện kim Việt Nam- cho biết: Xuất phát từ nguyên nhân trên, thời gian qua nhiều DN sản xuất thép bằng lò điện (đầu vào là sử dụng thép phế) đã nhất trí kiến nghị Chính phủ bãi bỏ lệnh cấm XK quặng sắt nhằm phá thế độc quyền của những đơn vị sản xuất thép từ lò cao. Nếu cho XK quặng sẽ nâng giá trị quặng trong nước lên mức hợp lý so với giá thế giới và giảm thuế XK để giảm tình trạng XK lậu.
Ngược lại, các DN có lò cao cũng kiến nghị Hiệp hội Thép và Bộ Công Thương nhanh chóng cho khai thác mỏ quặng sắt Thạch Khê… Vì nếu không triển khai sớm, trong tương lai không xa dễ thiếu quặng cho các lò cao trong nước.
Để giải quyết mâu thuẫn phát sinh giữa nội bộ ngành thép, ông Phạm Chí Cường cho rằng: Không phải cứ bãi bỏ chính sách cấm XK quặng sắt hay hạ thuế XK mà đã giải quyết được mẫu thuẫn. Mà việc cần làm ngay là các cơ quan quản lý địa phương phải lập lại trật tự trong việc cấp phép khai thác.
Theo ông Phạm Chí Cường: Việc cấp phép phải thông qua đấu thầu, DN nào đủ điều kiện về kỹ thuật và vốn mới được cấp phép. Tránh tình trạng như trước đây, có DN đã dùng vốn của Trung Quốc mua thiết bị khai thác, song lại trả nợ bằng quặng. Nếu làm vậy sẽ dẫn tới hệ lụy khó lường. Đồng thời, Nhà nước cần cân đối cung – cầu giữa xây dựng lò cao và khả năng khai thác quặng của các mỏ, từng bước giảm ứ đọng quặng trong khai thác.