ThienNhien.Net – Nhiều điểm sạt lở bờ sông nghiêm trọng tại Hà Nội đã diễn ra trong nhiều năm nhưng vẫn chưa được khắc phục, hoặc có dự án song chậm triển khai, đã gây thiệt hại lớn về vật chất, uy hiếp an toàn đê điều mùa mưa bão.
Mòn mỏi chờ dự án
Bờ tả sông Đáy tại địa bàn 2 xã Kim Thư và Phương Trung (huyện Thanh Oai) có chiều dài khoảng 3 km, là một trong những mối lo lớn của TP Hà Nội trong công tác phòng chống lụt bão úng, bởi tình trạng sạt lở tại đây diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
Theo đánh giá của Hạt quản lý đê điều Thanh Oai – Chương Mỹ, đoạn sông Đáy từ Km38+150 (mỏ hàn số 3) đến cầu Văn Phương dài 800 m hiện nay rất xung yếu, do thềm sông cao mái đê dốc đứng, một số đoạn đã bị xói lở, sạt trượt lấn sát vào khu dân cư sinh sống, gây ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn đê điều, tính mạng và tài sản của người dân.
Phó Chủ tịch UBND xã Phương Trung, Phạm Văn Toàn cho biết: “Xã có khoảng 800 hộ sống ngoài đê sông Đáy với hơn 3.000 nhân khẩu. Từ năm 2008 trở lại đây, tình trạng sạt lở bờ tả sông Đáy đã diễn ra với tốc độ nhanh.
Có những đoạn dòng sông chỉ cách đê 50 m. Nếu có phân lũ về sẽ rất nguy hiểm. Không ít nhà dân đã bị mất đất vườn, hoa màu và công trình phụ. Vào mùa nước cạn, nếu đứng ở trên bờ mà nhìn xuống sông thì có thể sẽ bị sốc, vì điểm lở gần như thẳng đứng”.
Tại thôn Tây Sơn (xã Phương Trung), mỗi khi mưa bão ập tới, những hộ dân sống ven sông lại thấp thỏm lo sợ. Nước sông đã ngoạm đổ những bụi tre và nhiều cây lớn phía sau nhà ông Lê Văn Thắng. Năm ngoái, căn nhà cấp bốn rộng 5 gian bị nứt toác tường, ông phải đập bỏ và xây một căn nhà mới lùi sâu vào phía trong.
Gần kề đó, gia đình chị Nguyễn Thị Sinh (36 tuổi) phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để xây 3 lớp kè nhằm bảo vệ móng nhà. Mùa mưa năm ngoái, khoảng 20 m2 trong khu vườn nhà chị đã bị “hà bá” nuốt chửng, một căn bếp đổ sập.
Ông Phạm Văn Toàn than phiền, chúng tôi đã nhiều lần báo cáo tình hình và đề nghị thành phố Hà Nội sớm đầu tư xây dựng kè bảo vệ bờ tả sông Đáy, nhưng đến nay vẫn chưa có dự án nào được phê duyệt. Nếu không có kè, khi xảy ra phân lũ sông Đáy, những ngôi nhà ven sông sẽ trôi hết.
Tại thôn Đôn Thư, xã Kim Thư, trước tình trạng tường nhà nứt nẻ; công trình phụ, đất đai, bờ tường bị hư hại nặng, gia đình ông Lê Văn Thành phải xây tạm căn nhà ngoài bãi để lánh nạn. Cạnh đó, gia đình anh Lê Văn Dũng cũng phải sống nhờ nhà bố mẹ vợ ở làng Vác (thôn Canh Hoạch, xã Dân Hoà, huyện Thanh Oai) để tránh trú mùa mưa bão vì ngôi nhà có nguy cơ đổ sập.
Trao đổi với PV NNVN, ông Lê Lành Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Thư xác nhận có 5 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp, tiềm ẩn nguy cơ trôi sông nếu tình trạng sạt lở tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, theo ông Mạnh, hiện tại chưa có dự án kè nào đối với khu vực sạt lở này.
Theo ông Cao Ngọc Đĩnh, Hạt trưởng Hạt quản lý đê điều Thanh Oai – Chương Mỹ, kè Đôn Thư có tổng chiều dài là 490 m. Năm 2010, dự án củng cố kè Đôn Thư được UBND TP Hà Nội phê duyệt và giao UBND huyện Thanh Oai làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, dự án chỉ thực hiện gia cố đoạn đê dài 300 m thì dừng lại. Bản thân Hạt cũng không biết dự án đó đã kết thúc hay vẫn tiếp tục làm.
“Chúng tôi đã kiến nghị thành phố cấp kinh phí để xử lý cấp bách kè hộ chân, lát mái ngăn chặn sạt lở bờ tả sông Đáy đoạn từ K38+150 đến cầu Văn Phương, với chiều dài 800 m, nhưng vẫn chưa được phê duyệt. Huyện cũng chưa có chủ trương di dời các hộ dân trong vùng nguy hiểm. Trước mắt người dân vẫn phải tự bảo vệ mình là chính”, ông Đĩnh nói.
Chờ đến bao giờ?
Sau những cơn mưa lớn đầu mùa, bờ hữu sông Hồng, đoạn qua thôn Đông Viên, xã Đông Quang (huyện Ba Vì) lại tiếp tục gia tăng sạt lở.
Ông Đỗ Văn Quý, Trưởng cụm dân cư xóm Bãi (thôn Đông Quang) cho biết: Một vạt đất dài gần 600 m, rộng 8 – 10 m, sâu từ 0,8 – 3 m đã bị trượt lở xuống mép sông, khiến 50 hộ dân bị ảnh hưởng nặng. Hàng chục hộ bị nứt toác tường.
Nhà ông Nguyễn Xuân Thuật, Chủ tịch UBMTTQ xã Đông Quang chỉ còn cách điểm sạt lở 2,5 m. Trận bão số 5, số 6 năm ngoái, tường nhà của ông Thuật bị xé nứt chằng chịt. Cả nhà phải vận chuyển đồ đạc sang nhà anh em ngủ nhờ.
Tình hình vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn Hà Nội xảy ra khá phổ biến và ngày càng diễn biến phức tạp. Đến hết năm 2013 còn tồn đọng 1.130 vụ. Trong 6 tháng đầu năm 2014 đã xảy ra 135 vụ vi phạm đê điều; nhưng chính quyền các địa phương mới chỉ xử lý được 16 vụ (trong đó có 11 vụ là vi phạm năm 2014). Điều đó cho thấy đang có thực trạng buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng đối với hệ thống đê điều và công tác phòng chống lụt bão trên địa bàn Thủ đô. |
Gia đình ông Đỗ Văn Trử, Vũ Văn Thanh, Phạm Văn Thụ chỉ sau một đêm đã mất trắng cả vườn tược, cây cối, hoa màu. Một số hộ có nhà cửa bị nứt, lún sụt nặng đã sơ tán đi nơi khác, còn khoảng 10 gia đình khó khăn, không có đất, đành chấp nhận sống chung với hiểm họa.
Theo ông Lê Duy Phú, Trưởng ban Giao thông – thuỷ lợi xã Đông Quang, đầu năm 2014, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án xây kè hộ chân tuyến sạt lở xóm Bãi với chiều dài 290 m.
Biển thông báo Dự án đã được dựng tại điếm số 24 trên đê Đại Hà, tuy nhiên đến nay UBND xã vẫn chưa nhận được văn bản nào thông báo về việc triển khai thi công dự án để phối hợp tổ chức vận động nhân dân giải phóng mặt bằng.
Trên các tuyến đê ở huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn cũng xảy ra hơn 20 điểm sạt lở rất nghiêm trọng. Thành phố đã và đang cho xử lý cấp bách để khắc phục: Sạt lở bờ hữu Đáy, khu vực Phùng Xá, huyện Mỹ Đức; sạt lở đê tả Đáy, xã Cao Dương, Xuân Dương, huyện Thanh Oai; tuyến tả, hữu Bùi, huyện Chương Mỹ… Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, tiến độ triển khai vẫn rất chậm.
Theo ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội, hiện tình trạng sạt lở vẫn tiếp tục xảy ra nhiều trên các tuyến sông Bùi, sông Tích, sông Đáy… Thời gian tới sạt lở được dự báo sẽ tiếp tục xảy ra tại các khu vực xung yếu, đe dọa đến an toàn công trình đê điều cũng như tính mạng, tài sản của nhân dân sống tại các khu vực này.
“Năm 2014, do thành phố có khó khăn về kinh phí nên công tác tu bổ đê điều chưa được triển khai, một số sự cố, hư hỏng công trình đê điều xảy ra trong năm 2013 và đầu năm 2014 chưa được khắc phục; công tác tu sửa nhỏ đê điều thường xuyên chưa được thực hiện. Do đó rất khó khăn cho công tác tuần tra, phát hiện sự cố và ứng cứu hộ đê trong mùa mưa lũ năm 2014”, ông Hải cho biết.