ThienNhien.Net – Nhiều điểm sạt lở bờ sông Đáy, sông Hồng, sông Bùi (Hà Nội) không được gia cố kịp thời khiến đất đai, hoa màu, công trình dân sinh bị nhấn chìm. Người dân ven sông mong từng ngày được kè kiên cố, nhưng “đê Hà Nội không vội được đâu” (!).
Hệ thống đê sông Bùi, trong đó có 4 km đê (kéo dài từ đội 8 đến đội 10, thôn 5) thuộc địa bàn xã Quảng Bị có vai trò quan trọng trong việc chắn lũ rừng ngang, bảo vệ người dân. Tuy nhiên, vì chưa được quan tâm đầu tư xây kè, mỗi mùa mưa bão đến, sóng thúc vào bờ ngoạm từng tảng đất gây nguy cơ mất an toàn. Nhiều hộ phải dựng lều lên đê để lánh nạn.
700 hộ dân lo sốt vó
Theo thông tin từ Hạt Quản lý đê Thanh Oai – Chương Mỹ, tại thôn 5, xã Quảng Bị (huyện Chương Mỹ) xuất hiện 3 điểm sạt lở nghiêm trọng, có khả năng mất an toàn đê điều trong mùa mưa lũ, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân.
Tại K10+400, thuộc đội 8, thôn 5, đê tả sông Bùi về phía hạ lưu bị sạt lở mái, ăn sâu vào mép đường bê tông và sụt thẳng đứng 0,5m, với chiều dài 160 m. Tại K13, thuộc đội 10, khoảng 300 m đê tả sông Bùi về phía thượng lưu bị sạt mái, trong đó có những điểm sạt ăn sâu vào mép mặt đường bê tông và sụt thẳng đứng 30 cm.
Có nhiều vết nứt dài đến 20 m dọc theo đê. Tại K13+600, thuộc đội 10, sạt lở mái đê dài khoảng 90m và ăn sâu vào mép mặt đường bê tông, sụt sâu 50 cm. Đây là những điểm sạt lở nghiêm trọng.
Đội 8, thôn 5 có 165 hộ sống sát mép sông. Khoảng từ tháng 7, tháng 8 âm lịch, cảnh nước ngập lưng tường nhà đã trở thành chuyện thường tình.
Chẳng nói đâu xa, cơn bão số 5 và số 6 diễn ra liên tiếp vào năm ngoái đã khiến mực nước sông dâng cao mấp mé mặt đê. Tại một số điểm xung yếu, nhất là địa điểm đã xảy ra trận vỡ đê năm 1971 xuất hiện mạch sủi, nước thấm qua đê, khiến người dân rất lo lắng về nguy cơ vỡ đê. Quá lo sợ, nhiều hộ đã phải sơ tán để lánh nạn.
Chỉ tay lên trần nhà nứt nẻ như mạng nhện, nước thấm xuống ẩm ướt mốc xanh mốc đỏ, ông Trịnh Đình Tính (62 tuổi) than thở: “Tôi bị tàn tật từ nhỏ, cả đời nhặt nhạnh từng đồng tiền lẻ mới gom được 500 triệu xây căn nhà 2 tầng khang trang kiên cố. Nào ngờ 2 – 3 năm trở lại đây, tình trạng sạt lở đất diễn ra nghiêm trọng, khiến trần nhà rộp nứt, cổ trần (điểm tiếp giáp giữa tầng 1 và tầng 2) bị đứt ngang, dài 4 – 5 m.
Trận lụt tháng 8 năm ngoái, cả nhà phải căng lều bạt trên đê lánh nạn, vì nếu ở trong nhà không biết sẽ chết lúc nào. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị lên các cấp chính quyền quan tâm xây kè, cán bộ đê điều đã đến khảo sát nắm tình hình nhưng chưa thấy động tĩnh gì. Cứ tình trạng này, chỉ 5 – 10 năm nữa là chúng tôi không còn nơi nào ở”.
Gần kề đó, ngôi nhà tầng của gia đình bà Lục Thị Tân (81 tuổi) mới xây 3 năm cũng xuất hiện những vết nứt chạy dài lê thê ngang tường, sân nền láng xi măng phồng rộp. Chỉ trong vòng 4 năm, khu đất phía sau nhà bà Tân đã bị ngoạm vào hàng chục mét, có chỗ lóm thành hàm ếch gần sát chân tường, bà phải xúc rác nhét vào trong cho đỡ ghê.
Anh Nguyễn Viết Nghĩa (31 tuổi) dẫn tôi đến những điểm sạt lở, giọng lo lắng: “Nếu vào mùa cạn, tôi kiếm con đò chở anh đi dọc sông, nhìn từ ngoài ấy vào mới thấy thê thảm. Những cây cổ thụ một nửa bám đất, một nửa treo lơ lửng giữa không trung vì nước ăn mòn, chỉ cần cơn gió mạnh là đổ.
Cây sung già ngày trước nằm sâu trong vườn nhà ông Đỗ Viết Đĩnh giờ đang ngập trong dòng nước sông Bùi, chỉ nhô lên phần ngọn lưa thưa lá”.
Chủ tịch UBND xã Quảng Bị, Bùi Tuấn Cử cho biết: “Nhiều năm nay, UBND xã đã kiến nghị lên cấp trên sớm triển khai xây kè hộ bờ sông Bùi để người dân ổn định cuộc sống. Tuy nhiên đến nay, mới chỉ có đoạn đê xung yếu dài 86 m tại Km13 (thuộc đội 10) được kè. Nếu tình trạng này kéo dài, thiệt hại về vật chất sẽ rất lớn, gây xáo trộn lớn đến đời sống của 700 hộ dân với gần 3.000 nhân khẩu”. |
Sợ mắc tội vì không giữ được mảnh đất hương hỏa tổ tiên để lại, ông Đặng Viết Thi (64 tuổi) phải mua 4 xe công nông đá, 2 xe cát sỏi và hàng tấn xi măng để tự xây kè.
Tan cửa nát nhà
Ông Đỗ Viết Thắng, trưởng thôn 5 thẳng thắn chia sẻ: “Riêng đội 8 có hơn 100 hộ năm nào cũng bị nước ngập vào nhà. Hầu như nhà nào cũng bị rạn nứt.
Trận lụt năm 2008, hàng trăm người phải di dời khẩn cấp về đội 13, xã Trần Phú để lánh nạn tạm thời trong nhà dân và các công trình công cộng. Đội an ninh tự quản, an ninh thôn, lực lượng dân quân tự vệ, công an viên… phải thay phiên nhau túc trực ngày đêm để bảo vệ tài sản của bà con.
Tại đội 9, do địa thế cao nên mức độ ngập lụt đỡ hơn đội 8, tuy nhiên tình hình sạt lở diễn ra rất nghiêm trọng. Nhiều công trình phụ, chuồng trại, nhà vệ sinh của dân đã trôi xuống sông, điển hình như gia đình ông Đào Viết Hoành, Đào Viết Hải… Gia đình ông Nguyễn Viết Dục bị nứt toác nhà, rất nguy hiểm. Sau mỗi trận mưa, khi nước rút thường là sụt lún nghiêm trọng, đất lở hàng tảng”.
Cũng theo ông Thắng, năm 2008 hai ngôi nhà cấp bốn của gia đình bà Nguyễn Thị Chải (64 tuổi) và ông Đào Viết Khang (đội 9, thôn 5) bị đổ sập hoàn toàn.
Suốt 6 năm nay, bà phải ở tạm trong căn bếp chỉ rộng 6 m2, đủ kê 1 cái giường, 1 bàn con để ti vi, và mấy đồ lặt vặt. Bốn bức tường đá ong phải chăng bạt ni lông kín mít để đất khỏi vương vãi.
Anh Đặng Đình Tỉnh (con út của bà Chải là công an viên xã Quảng Bị) không có chỗ ở, phải sống nhờ nhà anh cả Đặng Đình Trường. 32 tuổi, lại là đảng viên ưu tú, thế nhưng anh Tỉnh vẫn chưa lấy được vợ vì không có nhà cửa.
Thiệt hại do sạt lở đất tại khu vực thôn 5, xã Quảng Bị đã nhìn thấy rõ, nhưng người dân không nhận được sự hỗ trợ thiệt hại từ phía chính quyền địa phương. Bởi theo giải thích của Chủ tịch UBND xã Quảng Bị: “Nguồn ngân sách của địa phương hạn hẹp”.