ThienNhien.Net – Công nghiệp khai khoáng Việt Nam hình thành từ cuối thế kỷ 19 do Pháp khởi xướng. Năm 1955, Việt Nam bắt đầu tiếp quản, duy trì, phát triển các cơ sở khai thác và chế biến khoáng sản. Đến nay, Việt Nam đã tiến hành điều tra cơ bản, thăm dò và phát hiện mới trên 5.000 điểm khoáng và mỏ. Trong đó, một số loại khoáng sản có giá trị công nghiệp đã được đánh giá như dầu – khí (1,2 tỷ – 1,7 tỷ m3), than (240 tỷ tấn), sắt (2 tỷ tấn), đồng (1 triệu tấn kim loại), titan (600 triệu tấn khoáng vật nặng), bauxit (10 tỷ tấn), chì kẽm, thiếc, apatít (2 tỷ tấn), đất hiếm (11 triệu tấn) và các khoáng sản làm vật liệu xây dựng (52 tỷ m3).
Tuy vậy, với vùng thềm lục địa rộng lớn trên 1 triệu km2, việc thăm dò và khai thác tài nguyên khoáng sản biển còn nhiều hạn chế, chủ yếu do vấn đề năng lực thăm dò địa chất biển và vốn đầu tư. Trong các loại khoáng sản kể trên, trừ các loại khoáng sản như dầu khí, than, sắt, titan apatit đã được thăm dò tương đối cơ bản và chắc chắn; các khoáng sản kim loại còn lại gồm kim loại màu và khoáng sản quý mới được thăm dò ở mức độ điều tra cơ bản (tìm kiếm). Trước khi đầu tư khai thác, các doanh nghiệp đều phải tiến hành thăm dò bổ sung để hạn chế rủi ro.
Hầu hết các khoáng sản ở Việt Nam có trữ lượng không lớn và phân bố tản mạn, không tập trung. Trữ lượng dầu khí của Việt Nam cũng không nhiều. Với sản lượng khai thác như hiện nay, nếu không phát hiện thêm trữ lượng mới, nguồn dầu khí của Việt Nam sẽ cạn kiệt chỉ trong vài ba chục năm tới. Than ở đất liền cũng đã cạn kiệt dần. Việt Nam đang và sẽ phải nhập than từ nước ngoài để bảo đảm nhu cầu tiêu thụ trong nước. Trữ lượng than ở đồng bằng sông Hồng theo số liệu tính toán có thể tới vài trăm tỷ tấn.
Tuy nhiên, việc khai thác than từ dưới sâu yêu cầu công nghệ rất phức tạp, hiện nay chưa có giải pháp thỏa đáng để vừa khai thác ngầm, vừa bảo vệ được đất lúa. Nếu không có công nghệ thích hợp, việc khai thác sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và an sinh xã hội. Tiềm năng urani và địa nhiệt ở Việt Nam không đáng kể. Đối với những khoáng sản thiết yếu khác như vàng hay kim cương, Việt nam có rất ít hoặc không có. Một số loại khoáng sản Việt Nam có nhiều như bauxit, đất hiếm, quặng titan thì thế giới cũng có nhiều, đảm bảo tiêu thụ hàng trăm năm và lâu hơn nữa.
Đối với một số loại khoáng sản quan trọng và có tiềm năng lớn, Chính phủ đã giao cho một số doanh nghiệp nhà nước đảm nhận vai trò nòng cốt trong khai thác theo mô hình kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa. Cụ thể như, khai thác và chế biến dầu khí giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; khai thác và chế biến than và các khoáng sản khác giao cho Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin); khai thác và chế biến khoáng sản hoá chất (apatit) chủ yếu giao cho Tập đoàn Hoá chất Việt Nam; khai thác, chế biến quặng sắt chủ yếu do Tổng công ty Thép Việt Nam và Tập đoàn Vinacomin thực hiện; khai thác, chế biến vật liệu xây dựng chủ yếu giao cho Tổng công ty Xi măng Việt Nam và các doanh nghiệp ngành xây dựng, giao thông vận tải thực hiện (ngành khoáng sản vật liệu xây dựng do Bộ Xây dựng quản lý).
Ngoài ra, còn rất nhiều các doanh nghiệp tư nhân và công ty cổ phần tham gia khai thác, chế biến các điểm mỏ khoáng sản quy mô nhỏ ở các địa phương. Tổng số các doanh nghiệp khai khoáng (kể cả vật liệu xây dựng) đến nay khoảng 2.500 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại hàng trăm nghìn cơ sở khai thác bất hợp pháp khác cùng cạnh tranh với nhau.
PGS.TS Nguyễn Khắc Vinh – Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam cho biết, tổng kết 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản (1996-2009) và thực tế cho thấy rằng tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản tràn lan và vô tổ chức ở nhiều nơi đã không những làm thất thoát lớn nguồn tài nguyên mà còn ảnh hưởng xấu đến cơ sở hạ tầng, làm xuống cấp trầm trọng hệ thống đường xá, cầu cống, phá hủy môi trường sống, nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội cho địa phương nơi có mỏ.
Tai nạn lao động trong khai thác khoáng sản, đặc biệt trong khai thác hầm lò và khai thác đá, xảy ra thường xuyên với tỷ lệ thương vong khá cao. Điều này thể hiện trình độ phát triển thấp và công tác quản lý rất lỏng lẻo trong lĩnh vực này. Trong 13 năm, cấp Trung ương đã cấp 353 giấy phép khai thác mỏ và cấp địa phương cấp tới 3.822 giấy phép khai thác mỏ. Các tỉnh cấp giấy phép khai thác mỏ nhiều nhất là Bình Thuận (200), Vĩnh Long (155), Yên Bái (152), Cao Bằng (142), Lâm Đồng (136), Nghệ An (126), Lai Châu (124) hay Lào Cai (121). Nhiều loại khoáng sản như đồng, chì, kẽm, antimon, hay than được xuất thô tiểu ngạch sang nước ngoài làm thất thoát đáng kể và cạn kiệt tài nguyên khoáng sản của đất nước.
Kết quả nghiên cứu gần đây của các chuyên gia Viện Tư vấn Phát triển (CODE) cùng Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cũng chứng minh rằng, mặc dù Luật Khoáng sản quy định hạn chế khai thác xuất khẩu sản phẩm thô, song hầu hết các doanh nghiệp khai thác của Việt Nam hiện nay muốn thu lợi nhuận nhanh nên chỉ chú trọng khai thác xuất khẩu ở mức quặng và tinh quặng.
Vì vậy, giá trị và hiệu quả sử dụng thấp, chưa tương xứng với giá trị tài nguyên khoáng sản, đồng thời gây lãng phí rất lớn tài nguyên do không tận dụng được đáng kể sản phẩm khoáng sản khác đi kèm. Nhiều mỏ quy mô khai thác nhỏ chỉ lấy được những phần trữ lượng giàu nhất, bỏ đi toàn bộ quặng nghèo và khoáng sản đi kèm, dẫn đến lãng phí tài nguyên do mức độ cơ giới hóa thấp và công nghệ khai thác lạc hậu.
Đáng lo ngại hơn, việc khai thác theo dạng “ăn xổi” còn gây tổn thất lớn trong chế biến khoáng sản. Thực trạng tổn thất tài nguyên trong quá trình khai thác còn ở mức độ cao, đặc biệt ở các mỏ hầm lò và các mỏ do địa phương quản lý. Chẳng hạn, trong khai thác vàng, độ thu hồi quặng vàng trong chế biến (tổng thu hồi) hiện chỉ đạt khoảng 30-40%, nghĩa là khoảng một nửa thải ra ngoài môi trường. Một số điều tra nghiên cứu về tổn thất khai thác khoáng sản cho biết mức độ tổn thất trong khai thác apatit là26-43%; khai thác quặng kim loại là 15-30%, vật liệu xây dựng là 15-20%.
PGS.TS Lưu Đức Hải, Khoa Môi trường, ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN cho rằng, vấn đề bất cập hiện nay trong chế biến khoáng sản ở Việt Nam là có rất ít doanh nghiệp quan tâm đến các sản phẩm phụ và chất thải có thể tận thu trong quá trình chế biến khoáng sản, gây lãng phí tài nguyên của đất nước. Một số trường hợp, giá trị của chất thải rắn, lỏng bị loại bỏ khỏi dây truyền chế biến quặng có giá trị kinh tế, chưa được tận dụng.
Thực tế, trong tuyển quặng cromit tại mỏ Cổ Định (Thanh Hóa), một lượng lớn khoáng sét bị thải ra ngoài với thành phần khoáng vật chủ yếu là nontronit lại có giá trị sử dụng làm dung dịch khoan. Việc chậm phát triển công nghiệp chế tác thành thành phẩm có giá trị gia tăng cao là một thiếu sót lớn dẫn đến trong thời gian dài vừa qua nước ta bị “chảy máu quặng”, xuất quặng thô, chủ yếu sang Trung Quốc.
Điều quan trọng nhất là tình trạng thiếu công khai minh bạch về trữ lượng chính xác của khoáng sản, của từng điểm mỏ có thể khai thác đến toàn bộ quá trình cấp phép khai thác, tạo ra sự bất đối xứng thông tin nghiêm trọng trong quan hệ của doanh nghiệp với các cơ quan cấp phép. Đã có doanh nghiệp chịu thiệt hại không nhỏ vì số liệu địa chất không đáng tin cậy. Luật Khoáng sản 2010, mặc dầu đã được bổ sung, sửa đổi nhưng vẫn chưa có quy định về định giá khoáng sản, định giá mỏ.
Tóm lại, ngành khai thác khoáng sản của Việt Nam còn tồn tại nhiều điểm bất cập. Vấn đề minh bạch và trách nhiệm giải trình cần được nâng cao để quản lý hiệu quả hơn nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước. Để làm được điều này, trước hết Chính phủ cần giao cho một tổ chức xã hội dân sự độc lập xây dựng báo cáo về thực trạng khai thác và quản lý khoáng sản ở Việt Nam với những kiến nghị cải cách theo một lộ trình thích hợp bao gồm sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng Sản, điều chỉnh quy định phân cấp về cấp phép khai thác và quản lý khoáng sản… Ngoài ra, Chính phủ cần sớm có quyết định tham gia Sáng kiến Minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI) và thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn và quy định trong EITI.
TS. Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương