ThienNhien.Net – TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai giữ nguyên kinh phí di dời làng cá bè và quyết tâm thực hiện kế hoạch này.
Đầu tháng 8/2014, đoàn cán bộ liên ngành thuộc TP Biên Hòa tổ chức đợt ra quân cưỡng chế nhằm giải quyết dứt điểm kế hoạch giải tỏa, sắp xếp, quy hoạch lại các làng nuôi cá bè trên sông Đồng Nai. Tuy nhiên, cơ quan chức năng không cưỡng chế được vì vấp phải phản ứng quyết liệt từ phía người dân.
Hỗ trợ quá ít, dân không chịu dời
Làng cá bè Tân Mai với gần 900 bè cá của gần 400 hộ dân tồn tại hàng chục năm nay trên dòng sông Cái (nhánh sông Đồng Nai). Người dân sử dụng hàng tấn các loại nội tạng, chất bẩn làm thức ăn cho cá khiến dòng sông bị ô nhiễm. Vì vậy, chính quyền địa phương quyết định giải tỏa nhằm “sắp xếp” lại bề mặt sông, giảm ô nhiễm, bảo đảm cảnh quan đô thị. Thế nhưng gần 10 năm nay, kế hoạch ấy vẫn không thực hiện được vì việc di dời, giải tỏa không đồng bộ.
Mặt khác, kinh phí hỗ trợ di dời quá ít, từ mấy trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng/hộ nên người dân không yên tâm khi tháo bỏ “cơ ngơi” mà họ đã đầu tư hàng tỉ đồng. Do đó, trong lần cưỡng chế làng cá bè vào đầu tháng 8-2014, người dân vẫn phản ứng dữ dội và yêu cầu có thêm thời gian, kinh phí để di dời nhằm bảo đảm cuộc sống. “Gia đình tôi có 10 bè cá với hơn 40 lồng cá cùng với các phương tiện tổng trị giá cũng khoảng 5-6 tỉ đồng. Đến chỗ mới, chủ trương chỉ cho mỗi hộ được nuôi 1 bè, 1 lồng, vậy thì bỏ nghề cho rồi. Chúng tôi đồng thuận với chủ trương chung nhưng cũng phải làm sao bảo đảm quyền lợi, cuộc sống cho chúng tôi” – ông Trần Đức Cần, một trong các cư dân làng cá bè, tâm tư.
Làng bè Tân Mai được sắp xếp lại tại địa điểm mới dài gần 4 km chia thành 5 đoạn trên sông thuộc xã Hiệp Hòa đến bến đò An Hảo. Việc sắp xếp này được coi là phù hợp với cảnh quan và giảm thiểu ô nhiễm. Tuy nhiên, người dân lại không đồng tình vì cho rằng luồng lạch, dòng chảy của đoạn sông này không thuận tiện cho việc nuôi cá. Mặt khác, người dân thường bố trí bè cá của những người trong gia đình ở gần nhau để thuận tiện việc chăm sóc, trông coi. Khi triển khai quy hoạch mới, cơ quan chức năng dùng biện pháp bốc thăm khiến nhiều hộ phải “ly tán”.
Không đồng ý gia hạn
Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, cho biết việc di dời, giải tỏa làng bè nằm trong kế hoạch quy hoạch lại cảnh quan và làm sạch sông Đồng Nai, khắc phục ô nhiễm. “Việc giữ gìn nét đẹp sông Đồng Nai, không cho con sông bị bức hại trong nhiều năm sau nữa là điều cần được quan tâm đặc biệt” – ông Thường nhấn mạnh.
Các lãnh đạo TP Biên Hòa khẳng định việc di dời, sắp xếp lại các làng cá bè trên sông Đồng Nai là chủ trương đúng đắn, cấp bách và không thể trì hoãn. Ông Lại Thế Thông, Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa, cho biết kế hoạch di dời đã được bàn thảo kỹ và đối thoại nhiều lần với người dân nên không thể lấy các lý do khác khiến kế hoạch bị chậm trễ. Còn ông Nguyễn Kim Phước, Trưởng Phòng Kinh tế TP Biên Hòa – đơn vị trực tiếp phụ trách kế hoạch di dời – khẳng định: “Các hộ dân nhiều lần tìm cách trì hoãn khiến việc thực hiện gặp khó khăn. Kế hoạch đã bị kéo dài quá lâu nên không thể gia hạn nữa”. Vì vậy, TP Biên Hòa sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch di dời làng cá bè Tân Mai với mức hỗ trợ người dân y như cũ!
Lâm Đồng: Phê duyệt đề án bảo vệ sông Đồng Nai
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa phê duyệt đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2014 -2020 với kinh phí 1.162 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương, địa phương, vốn ODA và các nguồn huy động hợp pháp khác. Theo đề án này, đến năm 2015 sẽ kiểm soát và quản lý được các nguồn gây ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến lưu vực hệ thống sông Đồng Nai; đến năm 2020, giảm thiểu ô nhiễm và hạn chế suy thoái môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đề án có tổng cộng 13 dự án và nhóm nhiệm vụ, trong đó tập trung vào việc xây dựng, nâng công suất các hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung, gồm nước thải sinh hoạt đô thị tại TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc và thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng; nước thải trong sản xuất công nghiệp ở Khu Công nghiệp Lộc Sơn (Bảo Lộc) và Khu Công nghiệp Phú Hội (Đức Trọng); nước thải y tế của Bệnh viện Y học cổ truyền tại Đà Lạt và Bảo Lộc; xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Ph.Dung/nld.com.vn |