ThienNhien.Net – 10 năm trước, hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ea Na, huyện Krông Ana (Đăk Lăk) đã nhường nhà, nhường đất cho Thủy điện Buôn Kuôp. Nhưng từ đó đến nay cuộc sống của họ tại khu tái định cư đã tệ thêm nhiều phần.
Cho nhiều, nhận ít
Gần trọn một thập niên về khu tái định cư, vợ chồng ông Y Huăt K’Buôr ở buôn Đrai Mới (xã Ea Na) vẫn chủ yếu sống bằng những đồng tiền làm thuê.
Ông Huăt kể: Ngày trước, nhà có 1ha cà phê, 5 sào lúa. Chưa thể nói là giàu nhưng cuộc sống cũng chẳng đến nỗi. Khi có thủy điện, người ta thu hết đất nhưng chỉ chia lại cho ông được 5 sào. Mỗi ha cà phê được đền bù 34 triệu trong khi giá thị trường cao gấp 3 lần. 5 sào đất được chia chẳng phải cho không mà thực ra là đổi đất, ông Huăt phải trả lại cho dự án 17 triệu đồng. Chẳng có tiền đầu tư, 5 sào đất được chia ông Huăt dùng để cắm mì, tỉa bắp. Mỗi năm chỗ đất ấy chỉ đem về cho ông chừng 2 triệu đồng. Nhu cầu chủ yếu của cuộc sống, gia đình ông chỉ dựa vào tiền công làm thuê…
Ở buôn Đrai Mới chẳng riêng gì ông Huăt, những “địa chủ” một thời như ông Y Krang Knul- bí thư buôn- giờ cũng chỉ còn vỏn vẹn 5 sào đất để sản xuất. Trước đây, gia đình ông có tới 5 ha đất; có đủ cả ao cá, vườn cây, ruộng lúa… cuộc sống rất khấm khá.
“Tôi nhờ nhận được tiền đền bù tương đối nên còn có cái để ăn dần. Những hộ ít đất, mấy đồng bồi thường trả nợ còn chưa đủ nói gì đến chuyện đầu tư làm việc khác”- ông Krang nói. Cũng theo ông Krang, do việc cấp đất tái định canh chỉ tính theo hộ (5 sào/hộ) nên nhiều nhà đông con khi lập gia đình, tách hộ, cha mẹ chẳng có đất để chia, phải đi làm thuê kiếm sống. Cuộc mưu sinh ấy đã có người phải đánh đổi bằng cả mạng sống. “Thiếu ăn thì không hẳn nhưng mà nợ ngập đầu”- ông Krang nói.
Dân kêu thì “ghi nhận”
Việc ra đời của Thủy điện Buôn Kuôp đã làm phát sinh nhiều vấn đề, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân. Thế nhưng họ kêu hoài mà mọi thứ chẳng hề được thay đổi. 14 hộ dân tái định cư ở buôn Đrai Mới gần 10 năm nay mùa khô chẳng có lấy một giọt nước để dùng.
Giếng có sẵn bên nhà nhưng vô dụng. Dân kêu, xã kêu chẳng ai đoái hoài. Ở thôn Ea Tung, do nước thủy điện dâng cao, 11 hộ dân ven bờ luôn phải sống trong tình trạng ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.
Ông Y Krang Knul – Bí thư buôn Đrai Mới: Bức xúc về nhu cầu đất sản xuất, người dân đành phải bất chấp nguy hiểm vượt sông, sang vùng đất cằn cỗi, bỏ hoang bên huyện Krông Nô (Đăk Nông) lật từng viên đá, moi từng hố đất tỉa bắp. |
Theo UBND xã Ea Na, ngoài tình trạng ô nhiễm, nhiều hộ dân Ea Tung còn đối mặt với nguy cơ mất nhà, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng do sạt lở đất; nhiều hộ sau khi thu hồi đất chỉ còn lại chừng 300-500m2 chỉ đủ để ở.
Ông Cao Xuân Du – Trưởng thôn Ea Tung bức xúc: “Kiểm tra sổ khám chữa bệnh của người dân, 10 người thì hết 9 người bị các bệnh về đường ruột. Không chỉ ảnh hưởng sức khỏe, nguồn nước bị ô nhiễm còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất cây trồng…”.
Ngoài ra, theo UBND xã Ea Na, do bị ảnh hưởng bởi thủy điện, hàng ngày hàng trăm người dân các thôn Quỳnh Ngọc 1, buôn Tơ Lơ, buôn Đrai, thôn Ea Tung phải sang bên kia sông (huyện Krông Nô, Đăk Nông) để sản xuất. Thế nhưng đến nay, một cây cầu hay một bến phà vẫn chưa có để cho dân bớt khổ.
Ông Hoàng Quang Tía- Chủ tịch xã cho biết: “Các vấn đề bức xúc của dân, xã đã nhiều lần đến trực tiếp cấp trên. Tuy nhiên mọi sự đến nay chỉ được gói gọn trong hai từ “ghi nhận”.