ThienNhien.Net – Hàng chục hộ dân xã Cửu An (TX. An Khê, tỉnh Gia Lai) ngang nhiên lấn, chiếm đất của Cty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (Cty Sông Kôn) tỉnh Bình Định để sản xuất.
Đây không phải lần đầu tiên diễn ra tình trạng người dân cướp đất của DN này để trồng hoa màu, tuy nhiên vụ việc lần này nằm ngoài khả năng giải quyết của chính quyền TX. An Khê bởi vùng đất bị người dân xã Cửu An lấn chiếm thuộc địa phận xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) do Cty Sông Kôn quản lý.
Ngang nhiên chiếm đất
Theo báo cáo của Cty Sông Kôn, sau khi khai thác rừng trồng, Cty tiến hành đốt dọn thực bì thì bị người dân chiếm đất ngay ở những vị trí đó để trồng hoa màu, cản phá không cho nhân viên thực hiện trồng mới cây rừng theo kế hoạch.
Trước đó, ngày 19/7/2014, trong khi công nhân của Cty Sông Kôn đang triển khai trồng lại rừng tại lô e, khoảnh 3a, tiểu khu 226 thì có khoảng 60 người dân vào ngăn cản không cho trồng. Chiều cùng ngày, khi đang tiến hành trồng lại rừng tại lô c, khoảnh 3a, tiểu khu 226 thì có khoảng 50 người dân vào ngăn cản, nhổ cây mới trồng, chặt phá công cụ lao động của công nhân Cty Sông Kôn.
Chưa dừng lại ở đó khi mà sáng ngày 20/7, khoảng 30 người dân làng Hòa Bình (xã Tú An, TX. An Khê) vào lô c, khoảnh 7a, tiểu khu 210B chặt phá diện tích rừng trồng năm 2013 của Cty Sông Kôn.
Liên tục các ngày sau đó, người dân thôn An Điền Bắc 1, An Điền Bắc 2 (xã Cửu An) có những hành vi ngăn cản không cho công nhân của Cty trồng lại rừng.
Trước tình hình trên, Cty Sông Kôn đã kiến nghị ngành chức năng TX. An Khê và huyện Vĩnh Thạnh, yêu cầu nhận được sự hỗ trợ và bảo vệ công nhân trong thời gian trồng lại rừng, đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.
Ghi nhận của chúng tôi tại hiện trường thì, hầu hết phần đất của Cty Sông Kôn, sau khi khai thác cây rừng đều bị người dân chiếm và đã xuống giống trồng cây sắn. Trong đó, nhiều diện tích cây sắn đã mọc lên cao bằng gang tay, xanh tốt; một phần diện tích khác còn lại cũng đang được người dân tổ chức phát dọn trồng sắn.
Tại phần đất được cho là của mình, ông Nguyễn Văn Chính, thôn An Điền Bắc 2, đang thuê một số người dân khác tiến hành trồng sắn tại tiểu khu 226, thuộc xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) – thực ra đây là đất thuộc sở hữu của Cty Sông Kôn.
Hàng chục hộ dân xã Cửu An khác cũng đang tiến hành trồng cây sắn tại các thửa đất quanh mảnh rẫy ông Chính chiếm của Cty Sông Kôn.
Khó giải quyết triệt để
Trả lời xung quanh vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phúc – Phó Chủ tịch UBND xã Cửu An (TX. An Khê), cho biết: Diện tích đất bị người dân tại địa phương lấn chiếm của Cty Sông Kôn lần này là khoảng 44 ha. Trước đó vào năm 2011 người dân cũng đã có hành vi chiếm đất, đồng thời cản trở khi nhân viên của Cty đang tổ chức trồng rừng.
“Chính quyền xã đã kết hợp với Cty Sông Kôn nhiều lần tổ chức họp, vận động người dân không lấn chiếm đất của Cty nhưng đến nay sự việc lại tiếp diễn”.
Trong văn bản gửi UBND xã Cửu An, ông Võ Văn Cường – Giám đốc Cty Sông Kôn khẳng định: “Việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân khi thu hồi đất để trồng rừng nguyên liệu giấy của Cty đã được thực hiện theo Quyết định số 825/QĐ-CTUBND của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định. Vì vậy, các hộ dân này cản trở Cty trồng lại rừng là hành động sai trái, nếu người dân tiếp tục phá hoại cây trồng của Cty trên phần đất lấn chiếm trái phép sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật”.
Trong khi đó, về phía người dân, bà Nguyễn Thị Hoa, thôn An Điền Bắc 2, khẳng định: Hơn 0,8 ha đất này bà đã canh tác từ lâu đời.
“Năm 2005, khi Cty Sông Kôn chi trả tiền bồi thường có nói rằng phần diện tích đất này chỉ để trồng rừng đầu nguồn nên chúng tôi đồng ý, nay biết Cty Sông Kôn trồng rừng để sản xuất thì chúng tôi lấy lại. Vì hiện tại người dân chúng tôi đều không có đất sản xuất”, bà Hoa nói.
Ông Nguyễn Hùng Vỹ, Phó Chủ tịch UBND TX. An Khê, cho biết, những người vi phạm đều là người dân xã Cửu An nhưng vị trí đất bị lấn chiếm thuộc địa phận tỉnh Bình Định. Đối với hành vi vi phạm xảy ra tại địa bàn tỉnh nào thì tỉnh đó có trách nhiệm giải quyết. Trong vụ việc này phía chính quyền TX. An Khê cũng như xã Cửu An cũng đã tích cực tuyên truyền, vận động và giải thích cho người dân những hành vi sai trái này.
“Về trách nhiệm xử lý, xác định hiện trạng đất bị lấn chiếm, đối tượng lấn chiếm, xử lý vi phạm hành chính hay khởi tố hình sự… đều do tỉnh Bình Định thực hiện, phía TX.
An Khê chỉ là đơn vị phối hợp. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, UBND TX. An Khê vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản nào từ phía chính quyền huyện Vĩnh Thạnh cũng như của tỉnh Bình Định”, ông Vỹ khẳng định.
Sẽ giải quyết đất canh tác cho người dân
Bà Nguyễn Thị Phúc, Phó Chủ tịch xã Cửu An, cho biết: Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, UBND xã Cửu An đã có kiến nghị thu hồi 40 ha đất của Lâm trường Bắc An Khê giao cho địa phương quản lý, cấp cho người dân thực sự khó khăn, thiếu đất sản xuất. Ông Nguyễn Hùng Vỹ, Phó Chủ tịch UBND TX. An Khê cho hay: Trước đề xuất này, TX cũng đã trình lên UBND tỉnh Gia Lai xin ý kiến Trung ương để xử lý dứt điểm. |