ThienNhien.Net – Lão nông Nguyễn Văn Lực, 62 tuổi ở xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) đã có lần định ôm can xăng 5 lít quyết sống chết cùng voi. Bởi, sau những đợt voi về, hoa màu của ông bị phá hoại, nợ nần chất chồng, khu đất của ông giờ bán cũng không ai mua…
Từ năm 2006, vấn đề bảo tồn voi đã được tỉnh Đồng Nai đặt ra với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Sau nhiều năm đùn qua, đẩy lại việc ai sẽ chi tiền, cuối cùng đến tháng 5-2013, dự án bảo tồn voi ở Đồng Nai cũng được Chính phủ phê duyệt với kinh phí 74 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn còn nằm trên giấy, vì kinh phí… chưa về!
Cuộc chiến giành đất sống
Trong căn nhà nhỏ, ông Lực trầm ngâm với cái nhìn xa vắng. Ông nói: “Gia đình tui chẳng còn gì từ ngày mấy “ông bồ” liên tục về đây. Vợ con tui phải về thành phố kiếm việc khác. Tui ở lại rẫy để giữ đất và chăm sóc phần mộ ông bà. Tháng 5 năm ngoái, ba “ông bồ” về một lượt đã quần xéo hết cả vườn cây ăn trái đang độ thu hoạch, lại còn giật sập cả một chái bếp. Có lần, hai mẹ con “ông bồ” sục vào tận bếp tìm muối và thức ăn, giận quá tui tính mua can xăng quyết sống chết với “ổng” một phen. Tui muốn bán đất đi nơi khác làm ăn cho yên ổn, nhưng cũng chẳng ai mua”.
Được biết, chỉ riêng xã Thanh Sơn, trong 2 năm: 2012-2013, 4 lần đàn voi về, đã có gần 100 hộ dân bị voi tàn phá hoa màu, nhà cửa. Nhiều hộ bị mất trắng mùa vụ sau những chuyến “viếng thăm” này. Hai hộ Tô Văn Tùng và Nguyễn Văn Cao bị đàn voi về phá tới 3–4 lần, thiệt hại gần 70.000m2 mía trồng năm thứ hai, phải mang nợ ngân hàng lên đến 64 triệu đồng.
Tháng 5-2013, Hiệp Hội bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam (WCS) đã có chuyến khảo sát về công tác bảo tồn động vật hoang dã tại Đồng Nai. Nhận định về tình trạng voi thường xuyên về xã Thanh Sơn (huyện Định Quán), cũng như một số xã khác ở huyện Vĩnh Cửu, bà Dương Việt Hồng, cán bộ phụ trách truyền thông của cơ quan này cho biết: “Voi là loài động vật có trí nhớ rất tốt và gắn bó với môi trường sống của nó. Thực chất, đàn voi rừng trở lại xã Thanh Sơn nhiều lần thời gian qua chỉ là việc “trở về nhà”, bởi toàn bộ diện tích xã này trước đây là rừng và là địa bàn sinh sống của đàn voi”.
Bà Hồng giải thích thêm, WCS đã có nhiều nghiên cứu về khu bảo tồn và thấy việc dân lấn rừng để làm nương, làm rẫy đã gây xáo trộn, thậm chí mất môi trường sống của voi, buộc voi phải di chuyển vào rừng sâu tìm nơi sinh tồn mới. Khi khan hiếm thức ăn, hoặc thấy “nhớ nhà”, đàn voi đi ngược trở ra, tìm về chốn cũ…, cũng là tập tính của loài này. Tình trạng xung đột kéo dài, sự tồn tại và phát triển bầy đàn của voi sẽ bị đe dọa, cuộc sống người dân cũng không yên.
Cũng theo bà Hồng, khi bị xua đuổi bằng những âm thanh lớn, hoặc bằng lửa, gài điện…, voi sẽ bị hoảng loạn. Những ức chế tâm lý sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng sinh lý của loài này. Theo nghiên cứu của WCS, nếu bị ức chế tâm lý kéo dài, voi có nguy cơ giảm 30% khả năng sinh sản.
Theo thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai, nhiều vụ voi về tàn phá mùa màng ở các: xã Tà Lài (huyện Tân Phú), Phú Lý, Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu), Thanh Sơn, Gia Canh (huyện Định Quán)…đã xảy ra. Trong 5 năm: 2008 – 2013, UBND các huyện: Vĩnh Cửu, Định Quán phải chi hơn 12 tỷ đồng hỗ trợ thiệt hại cho dân trong vùng xung đột. Sự xung đột này càng đến mức đáng báo động hơn, khi trong 2 năm: 2009 và 2013 đã có 1 người chết, 3 người bị thương và 9 con voi bị chết. Từ đầu năm 2014 đến nay, theo người dân ở những địa phương nói trên, voi vẫn ra, nhưng không nguy hiểm như những năm trước.
Voi chờ bảo tồn, nguy cơ tuyệt chủng
Chỉ trong 15 năm, hơn 50% số cá thể voi đã chết do sinh cảnh sống bị tác động và thu hẹp, thiếu nguồn thức ăn, thiếu vùng hoạt động, thiếu mặt bằng di chuyển, đối mặt với nguy cơ bị săn bắn, đầu độc và thường xuyên xung đột với con người… Voi ở Đồng Nai vì thế đang có nguy cơ tuyệt chủng. Ông Tôn Hà Quốc Dũng, Trưởng phòng bảo tồn Chi Cục kiểm lâm Đồng Nai cho biết: “Tình trạng chậm kinh phí này càng gây bất lợi cho công tác bảo tồn voi. Chỉ lo khi tiền về đến địa phương, voi đã chẳng còn để bảo tồn”.
Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai nói: “So với những đàn voi ở các tỉnh, thành khác, voi ở Đồng Nai chính xác là voi Việt Nam, không có sự qua lại biên giới như voi các tỉnh khác. Đây cũng là động vật hoang dã nằm trong sách đỏ Việt Nam cần bảo tồn”.
Song, cũng theo ông Mùi, đến nay chiến lược quan trọng này chưa được thực hiện, trong khi quần thể voi của Đồng Nai đang bị sức ép về môi trường, sinh cảnh sống, do diện tích rừng bị thu hẹp. Nếu dự án bảo tồn voi được triển khai kịp thời thì đàn voi đã không bị suy giảm, đây là điều rất đáng tiếc. Hiện tình trạng của đàn voi rất nguy cấp, nếu dự án kéo dài đến năm 2020, e rằng voi đợi không nổi. Cần nói thêm rằng, Đồng Nai ra sức làm tốt công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, bảo vệ sự đa dạng sinh học là đem lại lợi ích chung cho cả các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Trước tình trạng voi chết, cũng như xung đột giữa người và voi ngày càng căng thẳng, tháng 3-2013, UBND tỉnh quyết định chi tạm ứng 6 tỷ đồng trong số 9 tỷ đồng vốn đối ứng 20% của tỉnh để triển khai trước dự án xây dựng hàng rào lưới điện, nhằm kịp thời ngăn cản, hạn chế xung đột và kéo dài nguy cơ bị tuyệt chủng của voi. Theo ông Mùi, biện pháp bảo tồn voi bằng hàng rào lưới điện là an toàn cho cả voi, người và các loài động vật khác.
Dự án hàng rào lưới điện bảo vệ voi dài 50 km, trong đó có 30 km hàng rào cố định và 20 km hàng rào di động. Hàng rào lưới điện này sẽ sử dụng vừa nguồn điện lưới quốc gia, vừa từ hệ thống điện năng lượng mặt trời với cường độ từ 800-1.000V/10mA. Dọc hàng rào cũng sẽ có gần 1.500 biển báo nguy hiểm, 8 cửa để lực lượng kiểm lâm và người dân có thể đi lại vào rừng. |
Tuy nhiên, qua trao đổi, TS. Vật lý Nguyễn Văn Khải, nguyên Trưởng phòng Quang dẫn Viện Kỹ thuật quân sự cho rằng: “Xây dựng hàng rào lưới điện trong bảo tồn voi là một biện pháp rất sai lầm. Người hay động vật, chỉ cần chạm phải dòng điện 200 mA là tim đã bị tác động. Có thể hàng rào điện không làm chết voi hay người, nhưng sẽ gây những phản ứng rất không có lợi cho loài động vật này”.
Theo giải thích của TS. Khải, cũng như con người, khi voi đụng vào hàng rào điện, phản ứng đầu tiên là giật mình, sau đó là đau đớn. Tình trạng bị đau đớn và ức chế đó làm cho voi hoảng loạn và tức giận, lúc đó nó sẽ trở nên hung hãn hơn, dễ xung đột hơn khi gặp vật cản, kể cả con người. Lúc đó, việc bảo tồn sẽ có tác dụng ngược: voi bị phản ứng, chạy hoảng loạn sẽ bị tai nạn thương tích, hoặc theo bản năng, nó sẽ tìm mọi cách phá hàng rào. Cả hai kết quả đều có hại.
Cũng theo TS. Khải, nếu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai quyết tâm muốn bảo tồn voi, cần phải hy sinh một số nguồn lợi để dành cho voi một diện tích rừng nguyên sinh đáng kể, không cho dân lấn chiếm môi trường, cũng như tác động vào sinh cảnh của voi. Đồng thời, phải nghiên cứu tập tính của loài voi để có cách bảo tồn phù hợp. Vốn là động vật hoang dã, có tập tính thường xuyên di chuyển, nên tạo ra môi trường hoang dã phù hợp với sinh cảnh để voi có thể ăn uống, nghỉ ngơi, tìm bạn tình, di chuyển cùng bầy đàn…là việc làm hết sức cần thiết. Còn làm hàng rào lưới điện, có thể voi không chết, nhưng chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến tâm – sinh lý của voi. Với cường độ dòng điện 800-1.000V/10mA là nhỏ, nhưng khi mưa gió hay cây cối ngã đổ làm dòng điện rò rỉ, chập mạch, sẽ tạo ra hiệu điện thế rất cao. Lúc đó sẽ có thể gây chết người và các động vật khác.
Một số con số đáng quan tâm về voi Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng: