ThienNhien.Net – Người dân ĐBSCL đang mong đợi những giải pháp căn cơ, bền vững hơn để ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ sông, đê biển.
Trước những khó khăn do biến đổi khí hậu ngày một nghiệm trọng, từ năm 2008 đến nay, tỉnh Trà Vinh đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt hơn 530 tỷ đồng để xây dựng các đê chắn sóng bằng bê tông kiên cố.
Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Trà Vinh, để có được một hệ thống đê kiên cố, bảo vệ an toàn đời sống người dân cần phải có nguồn kinh phí ít nhất 1.500 tỷ đồng. Nếu đầu tư theo kiểu chắp vá như hiện nay, những đoạn đê không hoàn chỉnh tiếp tục sẽ bị sóng biển đánh lở kéo theo kinh phí sửa chữa, xây mới tăng gấp nhiều lần.
Ông Nguyễn Văn Trưởng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Trà Vinh cho biết, do nguồn vốn đầu tư hàng năm hạn chế nên hầu hết các dự án sửa chữa đê chắn sóng vẫn tập trung vào chống đỡ tạm thời. Hàng năm, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão có kế hoạch gia cố để bảo vệ đất sản xuất của người dân. Về giải pháp lâu dài, cần phải trồng rừng ngập mặn để giảm bớt cường độ sóng xâm nhập vào bờ biển đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ đê.
Còn tại Kiên Giang, Ông Cao Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh cho rằng, chặt phá rừng là nguyên nhân chủ yếu gây xói lở đê biển và chỉ có giữ được rừng phòng hộ thì mới quản lý và đảm bảo an toàn cho đê biển.
“Theo thời gian mức độ sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn nếu như mình không có biện pháp bảo vệ rừng phòng hộ phía ngoài. Do vậy việc khôi phục, bảo vệ phát triển rừng phòng hộ ven biển là rất cần thiết, góp phần cho công tác quản lý đê về lâu về dài”, ông Nam cho biết.
Được biết, hiện nay Kiên Giang đã có nhiều cố gắng để trồng lại rừng nhưng kết quả còn nhiều hạn chế, đặc biệt là việc trồng rừng ở những vị trí bị xói lở. Nguyên nhân là do chưa có các mô hình trồng rừng thích hợp, các hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản ở vùng ven biển đã gây tác động xấu đến việc trồng rừng và việc đầu tư nghiên cứu mô hình trồng rừng và suất đầu tư cho công tác trồng rừng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Đây là những khó khăn rất lớn trong công tác phòng, chống sạt lở đê biển ở Kiên Giang.
Cùng với những vấn đề đặt ra đối với các tuyến đê biển, việc ứng phó với tình hình thời tiết bất thường và sạt lở bờ sông ở các tỉnh giáp sông Tiền, sông Hậu cũng đang được các địa phương nhanh chóng triển khai. Tại Hậu Giang, dự báo tình hình thời tiết sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới nên hiện nay lãnh đạo tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để phòng chống.
Ông Lê Phước Đại, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi – Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão – tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang cho biết, tình hình thời tiết năm nay có những biểu hiện bất thường với lượng mưa nhiều và cường độ lớn. Đơn vị đã có tham mưu với các cấp lãnh đạo để chủ động bảo vệ sản xuất và đời sống, đặc biệt là bảo vệ tính mạng người dân.
Còn ở Sóc Trăng, hiện địa phương đang triển khai nhiều biện pháp khắc phục, ứng phó như tiếp tục kiểm tra, gia cố hệ thống đê yếu, tăng cường công tác tuần tra các tuyến đê suốt mùa mưa bão, lập phương án cụ thể sơ tán dân đến nơi an toàn khi có tình huống xấu xảy ra, huy động mọi nguồn lực và phương tiện cần thiết sẵn sàng khi cần có thể điều động.
Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Cù Lao Dung, hiện các công trình quan trọng để ứng phó với đợt triều cường, chống sạt lở đã được triển khai và cơ bản hoàn thành. Cụ thể, huyện đã gia cố đê bao xung yếu với tổng chiều dài gần 3 km, 13 công trình được nạo vét kết hợp gia cố bờ bao, khai thông thủy lợi, phục vụ, bảo vệ sản xuất của người dân cũng đang được thực hiện.
Ông Phạm Hồng Văn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung cho biết, người dân rất tích cực trong việc gia cố các bờ bao xung yếu, phối hợp với các cơ quan huyện, ủy ban các xã quan tâm công tác khảo sát các công trình. Đến giờ này kết quả gia cố được trên 252.000 khối, ước tính trên 6 tỷ đồng.
Thống kê mới nhất ở tỉnh An Giang cho thấy, hiện có khoảng 50 đoạn bị sạt lở gồm các điểm trên sông Tiền, sông Hậu, Bình Di, Vàm Xáng, Vàm Nao, sông Ông Chưởng… với tổng chiều dài trên 150 km. Trong đó, có 6 đoạn sông sạt lở được cảnh báo mức độ rất nguy hiểm và 27 đoạn ở mức độ nguy hiểm.
Để khắc phục và đảm bảo an toàn sản xuất và đời sống nhân dân theo hướng “chung sống với lũ,” An Giang đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục, bao gồm cả giải pháp công trình và phi công trình; trong đó tỉnh tập trung công tác tuyên truyền giáo dục cộng đồng cùng tham gia bảo vệ, khai thác công trình thủy nông, chủ động di dời nhà dân và cơ sở hạ tầng ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở.
Ông Đỗ Vũ Hùng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho biết, phía địa phương đã triển khai nhiều chương trình, trong đó tập trung vào việc thông tin rộng cho người dân nắm rõ các điểm dự báo sạt lở. Bên cạnh đó, Sở vận động tuyên truyền để di dời những người dân tại những điểm nguy hiểm đến nơi an toàn đồng thời tập trung xây dựng các công trình dân cư.
Thời gian gần đây, sạt lở gần như “bủa vây” khắp ĐBSCL, từ các tuyến đê bao trồng mía mới xây dựng ở Hậu Giang đến đất cặp bờ sông Tiền, sông Hậu, nơi có những cánh đồng lúa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Không những thế, tuyến đê biển Tây, các vạt rừng ven biển đều chịu thiệt hại nghiêm trọng của tình trạng sạt lở.
Lúc này đây, người dân ĐBSCL đang mong đợi những giải pháp căn cơ, bền vững hơn để ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ sông, đê biển. Từ đó, mới có thể đảm bảo an toàn tính mạng và góp phần ổn định cuộc sống của những người dân vùng sông nước đồng bằng.