ThienNhien.Net – Bất cập rõ nét nhất của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 là việc xử lý lâm tặc xâm hại rừng cộng đồng với nhiều biểu hiện tiêu cực.
Sau 10 năm, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 và những chính sách liên quan đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, một số quy định hiện không còn phù hợp với thực tế, qua đó làm nảy sinh nhiều tiêu cực. Đây là kết quả nghiên cứu gần đây do Trung tâm phát triển nông thôn miền Trung, Đại học Nông Lâm Huế phối hợp với Đại học Tây Nguyên và Mạng lưới Đất rừng (FORLAND) thực hiện tại tỉnh Đắk Lắk.
Nghiên cứu được thực hiện ở 4 buôn gần rừng, thuộc xã Ea Sol, huyện Ea H’leo và xã Yang Mao, huyện Krông Bông. Ở 4 buôn này, bất cập rõ nét nhất là trong việc xử lý lâm tặc xâm hại rừng cộng đồng, với nhiều biểu hiện tiêu cực.
Ông Nay Pá, dân tộc Ja Rai, đại diện cho cộng đồng buôn Taly, xã Ea Sol, huyện Ea H’leo nói: “Ở buôn, nhiều lúc muốn thông báo cho kiểm lâm hoặc người của UBND xã đến bắt giữ xe vi phạm, xâm hại rừng cộng đồng và các loại rừng khác nhưng không có ai đến. Sau khi xe đã đi rồi thì mới có người tới. Ở buôn cũng không có công cụ hỗ trợ nào khác nên không dám giữ xe người ta lâu. Trong khi đó, từ ủy ban về buôn Taly chỉ khoảng 3km”.
Cùng với việc xử lý vi phạm không quyết liệt, có dấu hiệu tiêu cực, việc giao quyền cho cộng đồng cũng không phù hợp với thực tế. Trong khi đời sống kinh tế của các buôn còn khó khăn, cơ chế hưởng lợi cho cộng đồng lại không cụ thể nên không khuyến khích được người dân nêu cao tinh thần trách nhiệm. Ở một số cộng đồng tham gia quản lý bảo vệ rừng, vì bà con còn đói nghèo, thiếu đất sản xuất, nên đã xảy ra tình trạng phát rừng làm rẫy.
Anh Y Phối, dân tộc Ê Đê, ở buôn Hàng Năm, xã Yang Mao, huyện Krông Bông cho biết: “Buôn của tôi nằm chân núi Chư Yang Sin. Buôn làng tôi thật sự còn nghèo. Ông bà tôi ngày xưa có nhiều đất, nhưng bây giờ, đối những người vừa tách hộ như tôi lại không còn đất để canh tác. Tôi vẫn biết Luật của nhà nước đề ra quản lý và bảo vệ rừng nhưng mà tình hình hiện tại khiến tôi gặp khó khăn, thiếu thốn, không đủ điều kiện để nuôi nấng con cái, gia đình. Tôi phải làm ít để có lúa, tôi xâm lấn đất rừng của lâm trường cũng là để trồng lúa khô”.
Ở khía cạnh khác, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra có dấu hiệu mập mờ khi một số doanh nghiệp được chính quyền tạo điều kiện để liên kết với người dân, cộng đồng để phát triển rừng, nhưng doanh nghiệp đã không thực hiện theo cam kết, khiến người dân lo lắng.
Ông Nay Nhoen, dân tộc Ja Rai, ở buôn Chăm, xã Ea Sol, huyện Ea H’leo cho biết: “Công ty Hoàng Việt (Đắk Lắk) đã liên kết với buôn, hứa với buôn nhằm phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Năm 2014, công ty này trồng rừng mà không thông báo cho bà con trong buôn. Công ty trồng cây trong rẫy của bà con nhưng thuê người ở Phú Bổn chứ không thuê đồng bào buôn Chăm. Mặt khác, công ty cam kết, bà con góp 1ha là 4 triệu, 4 triệu là ngày công đi trồng và chăm sóc rừng. Sau này chia tỷ lệ phần trăm lợi nhuận. Hai bên đã thỏa thuận, cam kết với nhau nhưng công ty đã không thực hiện cam kết.”
Song song với việc nêu ra những tồn tại, hạn chế và bất cập trong Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra một số vấn đề mà cơ chế, chính sách còn bỏ ngỏ. Điển hình như việc, làm thế nào để cộng đồng hiểu và sử dụng rừng bền vững, làm thế nào để phát triển rừng thông qua một đơn vị chuyên trách, song hành với cộng đồng, cầm tay chỉ việc.
Tiến sĩ Cao Thị Lý, Bộ môn Quản lý Tài nguyên Rừng và Môi trường, Trường Đại học Tây Nguyên phân tích: “Điều quan trọng đối với cộng đồng là phải làm sao có những người song hành, đơn vị song hành. Thực ra, ban bảo vệ phát triển rừng hiện nay đến xã thì chỉ có kiểm lâm địa bàn, xã đội, công an, tất cả đều tập trung cho bảo vệ rừng. Quản lý rừng bền vững mà chỉ bảo vệ rừng là chưa đủ, mà cần làm thế nào để cộng đồng hiểu và sử dụng rừng bền vững, làm thế nào để phát triển rừng. Đây là những câu chuyện còn bỏ ngỏ, chính sách rất cần.”
Tổng hợp thông tin từ các địa phương được lấy mẫu tại Đắk Lắk, nhóm nghiên cứu cho rằng điểm cốt lõi trong bảo vệ và phát triển rừng dựa vào cộng đồng là vấn đề hưởng lợi. Trách nhiệm giữ rừng phải gắn với lợi ích kinh tế từ rừng. Đây là vấn đề quan trọng nhất mà Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và các chính sách liên quan cần phải được sửa đổi cho phù hợp, đồng bộ trong thời gian tới.