ThienNhien.Net – 99,7% hộ dân ở các khu tái định cư thủy điện tại tỉnh Phú Yên thuộc diện nghèo và tỉ lệ này tiếp tục tăng.
Ngày 12-8, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên đã tiến hành giám sát đời sống của người dân bị ảnh hưởng từ 2 thủy điện Sông Ba Hạ và Sông Hinh.
Sông Hinh và Sơn Hòa là 2 huyện mất đất nhiều nhất từ 2 thủy điện nêu trên. Theo ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, huyện mất hơn 1.500 ha đất, chủ yếu là đất nông nghiệp. Huyện Sông Hinh cũng mất hơn 1.600 ha đất cho thủy điện. Để xây dựng 2 thủy điện nêu trên, gần 300 hộ dân ở 2 huyện này phải vào sống ở các khu tái định cư (TĐC).
Qua giám sát, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên khẳng định đời sống của người dân trong các khu TĐC khó khăn hơn nhiều so với nơi ở cũ. Đất xung quanh các khu TĐC phần lớn là đất xấu nên không thể canh tác. Tại các khu TĐC buôn Đức, buôn Mùi (xã EaTrol, huyện Sông Hinh), đất không trồng được cây gì nên người dân chẳng biết làm thế nào để sống. Dù 2 thủy điện đã phối hợp với 2 huyện xây dựng các cánh đồng lúa nước nhưng sau 5 năm, những cánh đồng này chỉ mới san ủi được một phần và nước về nhỏ giọt.
Nhà đầu tư thủy điện Sông Ba Hạ và huyện Sơn Hòa đã xây 2 công trình thủy lợi nước tự chảy ở xã Suối Trai, trạm bơm điện buôn Lé ở xã Krông Pa với diện tích 410 ha cho 221 hộ nhưng hiện chỉ san ủi được hơn 70 ha ruộng. “Chừng ấy thôi đã rất vất vả. Để lấy đất làm ruộng lúa nước cho người dân mất đất sản xuất thì lại phải lấy thêm đất của một số hộ khác nên họ không chịu” – ông Phụng giải thích.
Thiếu cái ăn, người dân bị ảnh hưởng thủy điện còn thiếu cả nước uống. Phần lớn giếng đào đầu tư cho các khu TĐC giờ đã hư hỏng, xuống cấp. “Hệ thống nước sạch xây chưa xong thì bỏ đó, đến giờ có hoạt động được đâu! Huyện đề nghị nhiều lần nhưng chẳng thấy ai đả động gì” – ông Phụng băn khoăn.
Điều mà chính quyền các địa phương và người dân bức xúc nhất hiện nay là đất sản xuất đã mất nhiều nhưng các thủy điện lại không có phương án đào tạo để chuyển đổi nghề. Vì vậy, người dân chưa có cách gì giảm nghèo.
Đến nay, huyện Sông Hinh chưa nhận được đồng nào để đào tạo, chuyển đổi nghề cho người dân. Theo quy định, tiền đào tạo chuyển đổi nghề cho 1 ha đất bị thủy điện lấy đi là 110.000 đồng x 2,5 lần. Nếu nhân với diện tích đất đã mất vì thủy điện thì số tiền đào tạo chuyển đổi nghề cho dân 2 huyện Sông Hinh và Sơn Hòa là cực lớn. Tuy nhiên, theo ông Lê Sỹ Thúy, cán bộ Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ, quy định tạm thời khi xây dựng thủy điện này không đề cập điều đó.
Ông Lâm Ngọc Thừa, Trưởng Phòng Công tác Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, cho rằng các đơn vị thủy điện đã không hợp tác với địa phương để giải quyết đời sống khó khăn của người dân bị ảnh hưởng. “Kiểm tra trước đây, đoàn thấy các giếng nước bị hư, giờ trở lại vẫn còn hư. Các cơ quan nhà nước còn giúp những xã nghèo mà thủy điện hưởng lợi từ sự mất đất, phải di dời của người dân, trong khi thủy điện chẳng giúp được gì. Đó là lý do vì sao năm 2013, tỉ lệ hộ nghèo ở các khu TĐC thủy điện đến 99,7% nhưng giờ lại tăng thêm” – ông Thừa bức xúc.
Trong văn bản đề cập những khu TĐC thủy điện mới đây, ông Đặng Đình Toại, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, khẳng định các chủ đầu tư không quan tâm gì đến cộng đồng. Từ khi thủy điện Sông Hinh hoạt động đến nay đã hơn 10 năm, địa phương chưa nhận được sự quan tâm gì của nhà đầu tư.
Trả lời những băn khoăn nêu trên của địa phương, đại diện 2 nhà máy thủy điện Sông Hinh và Sông Ba Hạ chỉ… than khó!
Sông “chết” từ khi thủy điện ngăn dòng
Trả lời kiến nghị của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên về việc thủy điện Sông Ba Hạ chưa thực hiện tốt việc xả nước theo quy định nhằm bảo đảm môi trường (dòng chảy tối thiểu), để xảy ra tình trạng “dòng sông chết”, ông Đặng Văn Tuần, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ, cho rằng đoạn sông từ đập tràn về nhà máy dài 4 km không có dân cư sinh sống ở 2 bờ, không có các công trình bơm tưới, chỉ trồng cây ngắn ngày. Ngoài ra, đoạn sông này có những dòng suối với tổng lưu lượng 8 m3/giây nên đã bảo đảm môi trường sinh thái. Trong khi đó, thực tế thì đoạn sông này đã “chết” từ khi thủy điện Sông Ba Hạ ngăn dòng. |