ThienNhien.Net – Trận động đất tại Vân Nam, Trung Quốc ngày 3/8 đã làm ít nhất 400 người chết và trên 1.000 người bị thương. Đây được xem là một trong những trận động đất lớn tại châu Á trong vòng 40 năm qua. Dự báo trong thời gian tới, động đất và sóng thần sẽ có thể xuất hiện nhiều hơn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Các trận động đất lớn từ 9 độ richter
Khoảng 1.655 người chết, 3.000 người bị thương, 2 triệu người vô gia cư và tổng thiệt hại trên 550 triệu USD. Đó là con số thiệt hại do trận động đất được xem là lớn nhất trong thế kỷ 20 với cường độ 9,5 độ richter ở miền Nam Chile. Trận động đất xảy ra vào lúc 19 giờ 11 phút (giờ địa phương) ngày 22-5-1960. Thiệt hại nặng nhất là khu vực Valdivia-Puerto Montt. Hầu hết các thương vong và thiệt hại là do sóng thần gây ra dọc theo bờ biển của Chile từ Lebu đến Puerto Aisen. Thị trấn Puerto Saavedra hoàn toàn bị sóng thần cao 11,5m phá hủy. Sóng thần cuốn trôi nhiều căn nhà cách bờ biển 3km. Trận động đất này cũng gây ra sóng thần làm 61 người chết ở Hawaii và gây thiệt hại cho hòn đảo này 75 triệu USD; làm 138 người chết và thiệt hại 50 triệu USD ở Nhật Bản; 32 người chết và mất tích ở Philippines; gây thiệt hại hơn 500.000 USD ở bờ biển phía Tây của Mỹ.
Trận động đất và sóng thần lớn thứ hai trong thế kỷ 20 xảy ra tại Alaska, Mỹ vào lúc 17 giờ 36 phút (giờ địa phương) ngày 27-3-1964 với cường độ 9,2 độ richter. Trận động đất làm chết 131 người (trong đó 122 chết vì sóng thần, 9 người chết vì động đất) và gây thiệt hại về tài sản khá cao, khoảng 2,3 tỷ USD (năm 2013, tương đương 311 triệu USD thời điểm năm 1964). Tâm chấn cách thành phố Anchorage, khu vực đông dân cư nhất Alaska, khoảng 120km về phía Tây Nam. Vì vậy, Anchorage bị thiệt hại nghiêm trọng nhất về tài sản. Khoảng 30 khối nhà ở và các tòa nhà thương mại hư hại hoặc bị sóng thần phá hủy. Các vụ lở đất lớn nhất và khủng khiếp nhất xảy ra tại Turnagain Heights. Sóng thần cũng tàn phá nhiều thị trấn dọc theo vịnh Alaska gây thiệt hại lớn ở Alberni và Port Alberni, Canada cũng như dọc theo bờ biển phía Tây nước Mỹ (15 người chết).
Trận động đất có cường độ lớn thứ ba (9,1 độ richter) trong thế kỷ 20 xảy ra vào lúc 7 giờ 58 phút (giờ địa phương) ngày 26-12-2004 ở phía Bắc đảo Sumatra, Indonesia. Số người chết trong trận động đất và sóng thần này cao nhất trong thế kỷ 20. Trận động đất xảy ra khi xuất hiện lực đẩy đứt gãy giữa mảng Ấn Độ và mảng Myanmar. Tổng cộng đã có 227.898 người chết và mất tích, khoảng 1,7 triệu người mất chỗ ở, ảnh hưởng đến 14 nước ở Nam Á và Đông Phi.
Trận động đất có cường độ lớn thứ tư (9 độ richter) xảy ra vào lúc 14 giờ 46 phút (giờ địa phương) ngày 11-3-2011 ngoài khơi đảo Honshu (Nhật Bản). Trận động đất làm ít nhất 15.703 người thiệt mạng, 4.647 người mất tích, 5.314 người bị thương, 130.927 mất nhà cửa và làm sập ít nhất 332.395 tòa nhà, 56 cây cầu và 26 đường sắt dọc theo toàn bộ bờ biển phía Đông của đảo Honshu từ Chiba đến Aomori. Đa số thương vong và thiệt hại xảy ra ở Iwate, Miyagi và Fukushima do sóng thần với chiều cao 37,88m gây ra. Tổng thiệt hại kinh tế ở Nhật Bản được ước tính 309 tỷ USD, trong đó chưa tính các hậu quả sau thảm họa tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima làm toàn bộ hệ thống điện hạt nhân của Nhật Bản phải ngừng hoạt động. Ngoài Nhật Bản, còn một số tòa nhà bị hư hại nhẹ tại quần đảo Galapagos, Ecuador, Peru, Chile.
Một trận động đất cường độ 9 độ richter (bằng với trận động đất sóng thần ở Nhật Bản năm 2011) ngoài khơi bán đảo Kamchatka, Liên Xô vào ngày 4-11-1952 kéo dài 17 phút. May mắn là trận động đất sóng thần này không gây chết người nhưng gây thiệt hại từ 800.000 USD đến 1 triệu USD.
Nguy cơ
Dự báo, trong thời gian khoảng 50 hoặc 60 năm tới, thế giới sẽ tái xuất hiện các trận động đất và sóng thần lớn như từng xảy ra ở Indonesia hay Nhật Bản những năm 2004 và 2011. Nổi bật nhất là dự báo về một trận động đất sóng thần lớn ở Tây Bắc nước Mỹ.
Theo dự báo của các nhà nghiên cứu, một trận động đất và sóng thần có thể sớm tấn công bờ biển Tây Bắc nước Mỹ, làm chết hơn 10.000 người, làm ngập toàn bộ các thị trấn và gây thiệt hại kinh tế với tổng cộng 32 tỷ USD. Một báo cáo đáng báo động được Ủy ban Tư vấn chính sách bang Oregon (Mỹ) công bố cho biết những ảnh hưởng nghiêm trọng của trận động đất sắp tới tại khu vực này và cho biết nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bản báo cáo do một nhóm hơn 150 chuyên gia tình nguyện nghiên cứu và biên soạn, yêu cầu của cơ quan lập pháp tiểu bang Oregon chuẩn bị đầy đủ đối phó với thảm họa này.
Trận động đất có cường độ lớn nhất trong khu vực này xảy ra vào năm 1700 có cường độ từ 8,7 đến 9,2 độ richter. Các nhà địa chất trong năm 2010 dự báo rằng xác suất tái xuất hiện trận động đất như vậy là 37% trong vòng 50 năm tới. Trong năm 2012, con số này tăng lên 40%. Nhưng theo báo cáo mới nhất thì gần như chắc chắn 100% sẽ xảy ra trận động đất như vậy trong khu vực. Vấn đề là các nhà khoa học không biết thời điểm nào. Ngay từ bây giờ bang Oregon đã phải chuẩn bị đối phó. “Oregon đang chuẩn bị”, ông Maree Wacker, Giám đốc điều hành của Hội Chữ thập đỏ Mỹ Oregon, nói với AP. Một trận động đất kèm sóng thần có làm Oregon hư hại hệ thống cấp nước, điện, nhiệt, dịch vụ điện thoại và cả hệ thống cung cấp xăng dầu. Bản báo cáo nói rằng về địa lý, Oregon và Nhật Bản gần như giống hệt nhau. Vùng Tây Bắc Mỹ đã quá lâu chưa xảy ra một trận động đất vì vậy, đó chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi bờ biển ở đây một lần nữa chứng kiến một trận động đất với cường độ lớn hơn 8 độ richter.
Theo ông Jay Patton, đồng tác giả của nghiên cứu của Đại học bang Oregon, đến năm 2060, nếu khu vực này không có động đất, có nghĩa là quá 85% khoảng thời gian giữa các trận động đất tái diễn. Khoảng thời gian giữa các trận động đất tại một khu vực dao động từ vài chục năm đến hàng ngàn năm. Và khu vực Tây Bắc Mỹ đã vượt quá khoảng 3/4 đoạn đường này.