Núp bóng để “móc” khoáng sản
ThienNhien.Net – Khi bị bắt thì các chiêu lách luật, núp bóng để khai thác trái phép khoáng sản đem bán thu lời của các Cty, cá nhân mới được phanh phui. Và ngay cả cơ quan quản lý cũng không thể ngờ, việc cấp phép cho Cty, cá nhân với mục đích khác lại bị biến thành “bùa hộ mệnh” để thực hiện hành vi vi phạm.
Xin một đằng làm một nẻo
Trung tá Lê Bá Công – Đội trưởng Tổng hợp – Kiểm định thuộc Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường CATP Đà Nẵng cho biết, tại địa bàn Hòa Vang thời gian qua xuất hiện tình trạng các hộ dân xin phép chính quyền địa phương được hạ độ cao đất đồi để làm vườn phục vụ sản xuất.
Các khu vực đồi này vốn được cấp phép cho DN khai thác đất để san lấp mặt bằng, tuy nhiên khi DN ngừng khai thác còn dư lại, người dân đã xin hoán đổi từ đất đồi sang đất vườn mục đích nhằm tận thu. Được cho phép, người dân tiếp tục bán lại cho đơn vị khác để khai thác tận thu nhằm kiếm lời.
Trung tá Công dẫn chứng vụ việc tại thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc- H. Hòa Vang xảy ra vào giữa tháng 7-2014. Tại thời điểm đó, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường bất ngờ kiểm tra khu đất tại thôn Nam Mỹ của ông Trần Văn Định (1969, trú thôn Nam Mỹ) và phát hiện 1 xe múc, 2 xe tải đang thực hiện việc khai thác, vận chuyển khoáng sản. Trên mỗi xe tải có 7m3 đất màu trắng (người dân thường gọi là cao lanh).
Qua xác minh thì toàn bộ hoạt động khai thác, vận chuyển này là của Cty cổ phần xây dựng và thương mại Thùy Dương. Ông Hoàng Thanh Hải, đại diện Cty Thùy Dương cho biết, Cty có hợp đồng với ông Định về việc cải tạo mặt bằng khu đất này để trồng cây ăn quả. Trong quá trình cải tạo, Cty Thùy Dương được toàn quyền thu hồi và sử dụng phần đất dư thừa để phục vụ việc san lấp mặt bằng trong khu vực.
Tuy nhiên, Cty Thùy Dương lại khai thác lượng đất dư thừa và vận chuyển đi đổ tại Cty Trường Cửu Phát (đường số 9 KCN Hòa Khánh) thì bị phát hiện. Được biết lượng đất này được dùng làm nguyên liệu chế biến nguyên liệu sản xuất gạch men. Trung tá Công cho biết, Cty Thùy Dương không xuất trình được giấy phép khai thác khoáng sản do cơ quan có thẩm quyền cấp vì thế lực lượng CSMT đã đình chỉ khai thác để điều tra làm rõ.
Mặc dù việc khai thác của Cty Thùy Dương đã bị đình chỉ song hoạt động khai thác ở vị trí này vẫn tiếp tục diễn ra vào hôm sau. Ngay tại đây, CAH Hòa Vang đã tiến hành kiểm tra và phát hiện có 3 xe tải chứa khoảng 15m3 đất đang chuẩn bị vận chuyển. Qua làm việc, những người có mặt ở hiện trường khai nhận người khai thác và thuê xe vận chuyển là ông Nguyễn Văn Hải (trú Hòa Khánh Nam- Liên Chiểu). Điều đáng nói là cùng một vị trí khai thác và cùng sử dụng 1 loại phương tiện (xe đào) nên lực lượng CSMT nhận định có thể hoạt động khai thác này cũng chính do Cty Thùy Dương thực hiện.
Thượng tá Đặng Văn Khuôn- Trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường CATP Đà Nẵng cho biết, đúng vào thời điểm lực lượng chức năng đang xử lý vụ việc tại thôn Nam Mỹ thì CAH Hòa Vang cũng kiểm tra, phát hiện 6 xe ô-tô chở cao lanh (khoảng 90m3) đi Đại Lộc cung cấp cho nhà máy gạch Prime.
Số khoáng sản này do ông Trương Phát (1986, trú 40-Đào Duy Anh- Đà Nẵng ) thuê 2 Cty chở đi Đại Lộc. Nguồn gốc số khoáng sản này được xác định khai thác tại KCN CNTT tập trung tại xã Hòa Liên mà không được cấp phép.
Vừa chờ vừa… chở
Trong lúc giấy phép của DN Tiến Thanh đã hết hạn, đang xin được gia hạn, hồ sơ đã được Sở TN&MT tiếp nhận và chờ xử lý thì đoàn xe mang tên Tiến Thanh vẫn liên tục chở đất từ Trường bắn 372 ở Hòa Nhơn – Hòa Vang đi san lấp mặt bằng. Thực trạng này đang đặt nhiều nghi vấn và bức xúc trong dư luận.
Có mặt tại khu vực Trường bắn 327, chúng tôi liên tục chứng kiến các xe ben chở đất từ cổng trường bắn đi ra về hướng cầu vượt Hòa Cầm và Đại Lộc (Quảng Nam). Theo chân một xe ben của Tiến Thanh, chúng tôi ghi nhận điểm đáp và đổ đất của xe ben này chính là một dự án ở Hòa Xuân.
Thượng tá Đặng Văn Khuôn- Trưởng phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường CATP Đà Nẵng cho biết, tại khu vực Trường bắn 327 có 2 DN khai thác và vận chuyển đất đồi đi san lấp mặt bằng, trong đó 1 DN là An Hải Sơn còn hiệu lực giấy phép tới tháng 9-2014, trong khi DN Tiến Thanh thì đã hết giấy phép từ tháng 6. Hiện DN này đang làm thủ tục cấp phép, hồ sơ được Sở TN&MT tiếp nhận.
Tuy vậy, theo thông tin Sở TN&MT không cấp phép cho DN nào khai thác vận chuyển đất đồi tại khu vực Trường bắn 327. Sở TN&MT cũng có báo cáo gửi TP Đà Nẵng về tình trạng khai thác đất đồi trái phép làm vật liệu xây dựng khu vực trường bắn đồng thời gây ô nhiêm môi trường trên Quốc lộ 14B.
Tương tự tình trạng khai thác cát trắng làm thủy tinh tại Liên Chiểu cũng diễn ra phức tạp khi mà nguồn khoáng sản của Nhà nước được DN “vừa chờ vừa… chở”. Cty cổ phần đầu tư Đà Nẵng- Miền Trung được TP Đà Nẵng cho phép khai thác tận thu nguồn cát trắng tại phía tây hồ Bầu Tràm và phía Tây Bắc đường số 5 với khối lượng 227 ngàn m3.
Lượng cát trắng này sau khi khai thác được Cty Cổ phần Đà Nẵng – Miền Trung bán cho Cty khoáng sản Transcend Việt Nam (đường số 3 KCN Hòa Khánh) với giá 100 ngàn đồng/tấn. Sau gần 2 năm, Cty đã khai thác và bán được hơn 194 ngàn tấn cát trắng. Nguồn cát này được xuất qua cảng Đà Nẵng đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan để sản xuất thủy tinh.
Hiện Cty đã hết giấy phép khai thác vì thế đã làm thủ tục xin gia hạn cấp phép, UBND TP Đà Nẵng đã đồng ý về nguyên tắc. Để được phép khai thác, Cty phải trình Bộ TN&MT xin ý kiến trước khi triển khai. Nhưng trong thời gian chờ đợi Bộ TN&MT, khi chưa có giấy phép khai thác khoáng sản, Cty vẫn hoạt động khai thác và đã bị lực lượng chức năng phát hiện, lập biên bản xử lý.
Rõ ràng tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại Đà Nẵng đang khá “nóng” với rất nhiều thủ thuật. Một nguồn lớn khoáng sản của Nhà nước đã bị thất thoát và chảy vào túi người dân, DN. Thực trạng này cũng chỉ ra những lỗ hổng đáng lo ngại trong quản lý khoáng sản tại TP cần phải được kiểm tra xử lý để chấn chỉnh kịp thời.