ThienNhien.Net – Suốt tuần, hồ đập thủy điện làm nóng các trang báo, nóng dư luận xã hội. Không ai có thể thờ ơ trước sự đe dọa của những “quả bom nước” treo lơ lửng phía thượng nguồn. Thông tin vỡ đập thủy điện làm người ta cực kì lo lắng. Không chỉ vùng sát hồ thủy điện, mà ở hạ du người ta cũng nơm nớp đêm ngày. Hạ du e còn nhiều phen náo động vì lũ thiên tai và nhân tai. Chưa hết, nạn xả lũ vô tội vạ như định xóa sổ hạ du đã từng làm chúng ta quặn thắt!
Vấn đề an toàn hồ đập thủy điện nóng lên suốt tuần qua với tình trạng đầu tư tràn lan thủy điện nhỏ, nạn phá rừng ở Tây Nguyên liên tục nhiều năm luôn ở mức phức tạp nhất nước. Người dân và dư luận dường như chưa thể nguôi mối lo thường trực về chất lượng công trình thủy điện, đã đặt không ít câu hỏi rằng hệ luỵ các dự án thuỷ điện kém hiệu quả gây ra kéo dài tới bao giờ?
1. Đảm bảo an toàn hồ đập không chỉ là nâng cấp các hồ đập mà còn phải nâng cao năng lực quản lý. Xây dựng quy trình vận hành hồ chứa phải có sự đồng thuận của các bên liên quan, hài hòa lợi ích và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hạ tầng kỹ thuật và người dân. Phải hài hòa lợi ích phát điện và điều tiết nước. Đó là những thông điệp được đưa ra từ những cuộc họp trong tuần qua ngay sau sự cố vỡ đê quai tại Thủy điện Ia Krel 2 (tỉnh Gia Lai), ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân vùng hạ du.
Không hoàn toàn mới nếu không nói là đều đã cũ và quá cũ, song các thông điệp trên vẫn nguyên tính thời sự, bởi không chỉ dừng ở việc mổ xẻ phân tích, phàn nàn như lâu nay, mà ít nhiều đều đã mang tính khẳng định.
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: “Thời gian tới cần tăng cường kiểm tra đôn đốc, nghiêm khắc xử lý các trường hợp sai phạm. Nếu mức độ sai phạm nghiêm trọng, không loại trừ xử lý theo pháp luật để làm gương”. Song nhận diện được những hạn chế, yếu kém, thiếu sót là rất quan trọng, nhất là vấn đề kiểm định an toàn đập khi một số chủ đầu tư lâu nay chưa thực hiện nghiêm túc.
2. Đã có hàng trăm bài báo, trang mạng xã hội, với các góc nhìn mổ xẻ khác nhau về vụ vỡ đập Ia Krel 2 tại tỉnh Gia Lai và sự cố vỡ đê quai ngay tại vị trí cũ của công trình này mới đây chỉ sau 1 năm. Nhiều tờ báo nhìn nhận, sự cố vỡ đập thủy điện ở Gia Lai là bài học sâu sắc về đầu tư ồ ạt làm thủy điện mà không chú trọng tới kỹ thuật thiết kế, thi công và cả những hậu quả. Và cảnh báo rất nhiều hộ ở hạ du sẽ lâm vào đói nghèo.
Hàng loạt bom nước vẫn đang treo lơ lửng gây hại cho người dân. Tây Nguyên từng xảy ra nhiều vụ vỡ đập thủy điện, thủy lợi gây thiệt hại nghiêm trọng. Cũng chưa dễ quên thủy điện Sông Tranh 2 tại huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam gần một năm trước từng gây lo ngại cho hàng chục ngàn dân quanh vùng khi thân đập rung chuyển do động đất. Việc tích nước sau đó chỉ được thực hiện trở lại vào cuối năm 2013… Các công trình chứng nọ tật kia đó đều không tuân thủ quy trình, dẫn đến sự cố nghiêm trọng. Thủy điện một khi phát triển quá nóng sẽ còn tiếp tục dẫn đến những hệ lụy và hậu quả khôn lường.
Chỉ tính ở Lâm Đồng hiện có 28 công trình thủy điện nhỏ đã đưa vào hoạt động và đang thi công xây dựng. Đáng lo 6 công trình hồ đập thủy lợi ở đây hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng do xây đã gần 40 năm. Chủ trương nâng cấp, sửa chữa thì có nhưng kinh phí đến thời điểm này vẫn chưa. Nguy cơ mất an toàn hồ đập thủy điện thủy lợi trong mùa mưa bão năm nay rất lớn. Vùng hạ du e còn nhiều phen náo động vì lũ thiên tai và nhân tai!
3. Thủy điện – nguồn năng lượng sạch và rẻ, dễ tái tạo, đáng lẽ cần phải được tôn vinh cho một thế giới xanh, sạch hơn, khi mà khủng hoảng năng lượng và biến đổi khí hậu đang là những mối quan tâm lớn nhất của cả thế giới. Ở ta theo Bộ Công thương, đến cuối năm 2013 các nhà máy thủy điện đã đóng góp gần 50% điện lượng cho hệ thống điện Quốc gia.
Nay chỉ vì gây ra thiệt hại về người và của quá lớn do các sự cố an toàn đập, do xả lũ gây ra đã làm biến mất bao cánh rừng nguyên sinh quý báu mà thủy điện bỗng trở nên “nguy hiểm”, đáng sợ và đáng ngờ. Ngay cả những công trình thủy điện quy mô nhỏ nhưng tác động môi trường, xã hội không hề nhỏ. Thậm chí còn làm tình trạng ngập lụt cục bộ trầm trọng hơn, nếu nhìn vào hậu quả do các đợt xả lũ của thủy điện ở Gia Lai, Kon Tum hay Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế và Hà Tĩnh gây ra suốt một năm qua.
4. Ở góc độ quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện và thủy điện, Bộ Công thương khẳng định quyết tâm quản lý chặt chẽ các dự án thủy điện. “Vấn đề xây dựng công trình phải siết chặt hơn nữa, nhất là những công trình nhỏ, chủ đầu tư không có kinh nghiệm chuyên môn về thủy điện”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói. Bộ này cũng vừa cho biết sẽ loại bỏ 12 dự án thủy điện ra khỏi quy hoạch, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực của 11 đơn vị khác, tiếp tục kiểm tra năng lực của các đơn vị tư vấn điện lực ở miền Trung và các tỉnh phía Nam.
Song lãnh đạo, người dân các địa phương khốn khổ vì thủy điện vẫn chưa vơi lo ngại, về an toàn hồ đập, về nạn xả lũ vô tội vạ như định xóa sổ hạ du, về việc tàn phá rừng và đất trồng của bà con chưa biết bao giờ “cứu” lại được.
Tại cuộc họp giữa 6 bộ và 38 tỉnh, thành có hồ thủy điện đầu tuần qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai – Đào Xuân Liên chỉ ra việc đầu tư Thủy điện An Khê Ka Nak đang gây nhiều hệ lụy do việc đánh giá tác động môi trường có vấn đề. “Đến giờ mà dòng sông Ba không hề có nước, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”. Còn Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng – Nguyễn Xuân Tiến than phiền việc trồng rừng sau khi làm thủy điện hiện rất gian nan.
Thật ra, tình trạng nhiều nhà máy thủy điện không chịu nộp tiền phí dịch vụ môi trường rừng là chuyện không hiếm. Nhưng nghịch lý là những dự án thủy điện nhỏ do doanh nghiệp tư nhân đầu tư lại tệ hơn các doanh nghiệp lớn. “Tôi đề nghị Chính phủ phải có chỉ đạo”, ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu nói.
Không phải ngẫu nhiên tình trạng phá rừng ở Tây Nguyên bị cảnh báo ở mức phức tạp nhất so với cả nước. Tại hội nghị bảo vệ phát triển rừng do Tổng cục Lâm Nghiệp tổ chức hôm 8-8, tại tỉnh Đắc Lắc, dù được cho là đã giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng 7 tháng qua, Tây Nguyên vẫn mất hơn 200 ha rừng tự nhiên. Có lãnh đạo tỉnh thừa nhận sự bất lực trước nạn phá rừng do thực tế khách quan!
Giữa tuần qua một trận động đất mạnh 2,6 độ richter đã xảy ra tại vùng thủy điện Sông Tranh 2 thuộc huyện vùng cao Bắc Trà My, tỉnh (Quảng Nam). Người dân quanh khu vực đều nghe thấy tiếng nổ, cảm nhận được rung lắc.Sau rất nhiều tai tiếng mất an toàn, Thủy điện Sông Tranh 2 đã được phép tích nước trở lại cuối năm ngoái 2013, quanh khu vực này Viện Vật lý Địa cầu đã đưa vào hoạt động 10 trạm quan trắc động đất, trong đó 9/10 trạm có đường truyền internet và truyền dữ liệu về Hà Nội.Dù những trạm quan trắc đó vẫn cập nhật liên tục 24/24 giờ, những trận động đất tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 tái xuất hiện gần đây làm thiệt hại, gây nứt tường nhà, khiến người dân trong vùng vẫn hết sức hoang mang. Câu hỏi động đất liên tiếp có phải do thủy điện gây ra vẫn ám ảnh người dân và cả những nhà quản lý, nhà khoa học. |
5. Bộ Công thương nhận trách nhiệm về các sự cố công trình thủy điện, Lời cảnh báo về an toàn thủy điện, Người dân sẽ còn khổ dài vì vỡ đập thủy điện, Bộ Công thương sẽ đền bù thiệt hại vụ vỡ đập thủy điện Krel 2, Thủy điện có nghe lời Bộ Công thương, Hết thời tràn lan các dự án thủy điện…, là những hàng tít lớn trên các báo điện tử tuần này.
Sự vào cuộc quyết liệt và sẵn sàng chịu trách nhiệm với mọi vấn đề liên quan đến thủy điện của lãnh đạo Bộ Công thương đáng ghi nhận, nhưng rõ ràng việc vào cuộc của một Bộ là không đủ. Muốn đảm bảo an toàn cho hạ du, như đã nói, vấn đề không chỉ là nâng cấp các hồ đập mà còn phải nâng cao năng lực quản lý ở mọi cấp và liên Bộ ngành, trong khi hiện nay cơ chế phối hợp chưa chặt chẽ – giữa Bộ Công thương với Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng và UBND các tỉnh.
Điều này thể hiện không chỉ trong việc kiểm tra, rà soát hệ thống công trình thủy điện thủy lợi, mà cả trong quy trình vận hành liên hồ chứa, quy hoạch thủy lợi với quy hoạch giao thông, lắp đặt thiết bị quan trắc đập và hệ thống cảnh báo lũ…
Hiện Bộ TN&MT đã xây dựng 11 quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện. Thủ tướng đã ký ban hành 6 quy trình. Nhưng theo ông Châu Trần Vĩnh, Phó cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT), mối nguy hiện nay là tổng dung tích các hồ trên các dòng sông so với tổng cơn lũ hằng năm chiếm một phần rất nhỏ. Vì thế, việc cắt giảm lũ cho hạ du rất khó khăn.
Theo Bộ Công thương, các sự cố thủy điện thời gian qua chủ yếu xảy ra ở thủy điện nhỏ do doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Nhiều chủ đầu tư vừa thiếu kinh nghiệm làm thủy điện vừa “điếc không sợ súng”, dám liều lĩnh điều chỉnh quy mô, thay đổi cả thiết kế bản vẽ kỹ thuật thi công đã được phê duyệt. Một số công trình thủy điện không có khả năng cắt lũ, chống hạn, cũng vì chủ đầu tư đã chia nhỏ các hồ đa mục tiêu… |
6. Rõ ràng, sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương, cách kiểm tra rà soát của cơ quan chức năng nghiêng về đơn lẻ, “mùa vụ”, chính ở kẽ hở trong phối hợp đó mà biết bao tai họa đã xảy ra với người dân hạ du, thiệt hại lớn về kinh tế mà còn gây cho xã hội hiểu sai về thủy điện, tiếp tay cho phá rừng, phá sông…
Rút cục, để lập lại kỷ cương quản lý thủy điện sau nhiều sự cố bị phát giác, để xóa những bất an cho đồng bào hạ du và đem lại lòng tin cho người dân nói chung, không thể chỉ có những chủ đầu tư trực tiếp phải chịu xử lý của pháp luật, còn các cơ quan ban ngành các cấp chính quyền cứ tiếp tục vô can, hoặc rút kinh nghiệm, theo cái cung cách lâu nay.
Chừng nào hội chứng coi thường phép nước và đổ trách nhiệm cho “cơ chế” không bị xóa bỏ tận gốc và đồng bộ thì điệp khúc an toàn cho hạ du còn buồn, và bức tranh thủy điện còn xám.