ThienNhien.Net – Trong sáu tháng đầu năm 2014, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xảy ra hơn 600 vụ vi phạm luật Bảo vệ – Phát triển rừng.
Ngày 6/8, Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên cùng đại diện các bộ, ban ngành Trung ương đã có buổi làm việc về giám sát công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại tỉnh Gia Lai. Nhiều vấn đề nóng liên quan đã được nêu ra, mổ xẻ để tìm nguyên nhân.
Trong sáu tháng đầu năm 2014, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xảy ra hơn 600 vụ vi phạm luật Bảo vệ – Phát triển rừng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Các cơ quan chức năng đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính gần 530 vụ và xử lý hình sự 18 vụ. Qua đó, tịch thu khoảng 420 mét khối tròn, 815 mét khối gỗ xẻ từ nhóm 1 đến nhóm 5, thu giữ gần 100 chiếc xe các loại dùng để vận chuyển gỗ. Tổng số tiền thu, nộp vào Kho bạc Nhà nước gần 10 tỷ 300 triệu đồng.
Đáng chú ý, mặc dù tại Gia Lai không còn chỉ tiêu khai thác gỗ rừng tự nhiên, nhưng hiện vẫn còn rất nhiều cơ sở chế biến gỗ được cấp phép hoạt động, nhiều cơ sở nằm ở trong hoặc sát với rừng tự nhiên. Đây là một bất cập, khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nêu thực tế qua quá trình giám sát tại địa phương: “Gia Lai là tỉnh có nhiều cơ sở chế biến nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên. Tới 276 cơ sở chế biến lấy gỗ từ rừng, chủ yếu là rừng tự nhiên. Trong khi đó, trồng rừng của tỉnh Gia Lai là thấp nhất trong 5 tỉnh. Rừng tự nhiên thì đóng cửa rồi, chế biến lâm sản bây giờ không trồng rừng sản xuất thì lấy gỗ ở đâu ra. Đây là câu chuyện bất cập.”
Một vấn đề quan trọng khác được đoàn giám sát của Ban chỉ đạo Tây Nguyên và đại điện các bộ, ngành nêu ra đó là công tác chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su ở Gia Lai đã không đi đúng hướng. Theo chủ trương của Chính Phủ, hai mục tiêu chính của chuyển đổi rừng nghèo để phục vụ tạo sinh kế và tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là người dân bản địa. Tuy nhiên, cả hai mục tiêu này đều chưa thực hiện được. Việc chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su ở Gia Lai hiện nay mới chủ yếu phục vụ lợi ích của các doanh nghiệp tư nhân. Đây là vấn đề cần phải được xem lại.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng vụ nông nghiệp nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương nói: “35-36 nghìn ha rừng chuyển đổi mà chỉ giải quyết việc làm cho 986 lao động người đồng bào dân tộc tại chỗ là quá ít. Trong kiểm tra giám sát theo yêu cầu của thường trực Ban bí thư về chuyển rừng nghèo sang trồng cao su, chúng tôi rất không đồng tình là toàn bộ diện tích chuyển rừng nghèo sang trồng cao su là giao cho các doanh nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương và các doanh nghiệp tư nhân họ vào làm mà không gắn với việc giải quyết đất ở, đất sản xuất và tranh chấp đất ở, đất sản xuất giữa đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ với các công ty này rất nhiều.”
Không chỉ có vấn đề trong quản lý – bảo vệ rừng và chuyển đổi rừng sang trồng cao su, Gia Lai còn yếu kém trong công tác phát triển rừng, khi suốt hơn 1 năm nay, tỉnh không trồng rừng phòng hộ, với lý do là thiếu kinh phí.
Sau khi nắm bắt tình hình tại địa phương, ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng, Gia Lai nên học tập kinh nghiệm trồng rừng của Kon Tum, tỉnh liền kề, có điều kiện kinh tế eo hẹp hơn: “UBND tỉnh Kon Tum trồng rừng sản xuất với mức 43,7 triệu đồng/ha, trồng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ với mức 36,3 triệu đồng/ha. Họ triển khai từ tháng 3 và tháng 6 năm 2013. Chính mức này đã làm cho việc giao khoán rừng và trồng rừng ở các công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp và giao rừng cho cộng đồng tốt hơn. Rồi, người dân trước đây từ chỗ lấn chiếm đất rừng, nhưng nay có chính sách này, người ta quay lại hợp tác với công ty lâm nghiệp để góp phần trồng rừng.”
Đối với việc chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, ông Trần Việt Hùng đề nghị UBND tỉnh Gia Lai rà soát lại để giải quyết những tồn tại, đảm bảo chủ trương chuyển đổi rừng nghèo của Chính phủ đạt các mục tiêu đề ra là phục vụ tạo sinh kế, phát triển đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
Về vấn đề đã xác định được các đầu nậu gỗ nhưng không thể xử lý, đây là điều bất cập khi tỉnh có cả một hệ thống các cơ quan chức năng có đủ thẩm quyền. Đây là bất cập lớn mà Gia Lai cần khắc phục trong thời gian tới.