ThienNhien.Net – Từ ngày 4/8, người dân thôn Áng Sơn (xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) lập “hào” chặn đường vào nhà máy xi măng.
“Làm như vậy chúng tôi biết là vi phạm pháp luật nhưng nếu không làm thì chúng tôi không thể chịu đựng được tiếng ồn, khói bụi của nhà máy.”- ông Đoàn Kim Xuyên, trưởng thôn Áng Sơn nói.
Chung sống với bụi khói, tiếng ồn
Nhiều người dân cho hay, hơn 5 năm qua, người dân ở xóm Lèn (thôn Áng Sơn) phải sống khổ sở vì ô nhiễm tiếng ồn và khói bụi từ Nhà máy xi măng Áng Sơn 2 của Cty CP Xi măng Vicem Hải Vân. Vì vậy trong thời gian qua, người dân liên tiếp chặn đường không cho xe chở clinke từ nhà máy ra và xe chở nguyên liệu vào.
Nguyên nhân chính của việc chặn đường là để tạo áp lực đối với nhà máy trong việc xử lý, giải quyết nạn ô nhiễm và tiếng ồn từ nhà máy mà người dân đang ngày đêm hứng chịu. Nhà anh Đỗ Bá Lực sinh sống ở đây từ những năm 1995 và nằm cách nhà máy xi măng đúng 30m.
Anh bức xúc: “Trước đây thì chúng tôi yên ổn làm ăn. Nhưng từ năm 2008, nhà máy xi măng của Cty CP Xi măng Vicem Hải Vân đi vào hoạt động thì sự bình yên không còn nữa”.
Hầu hết nhà người dân xóm Lèn đều vắng hoe hoắt. Hỏi lý do thì mới biết là tất thảy đám con nít được gửi sang nhà ông bà nội ngoại hay người thân ở xa nhà máy để tránh tiếng ồn.
Ông Nguyễn Xuân Khiều- Phó Chánh văn phòng, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, trước việc người dân khiếu nại như vậy, UBND tỉnh đã có làm việc với nhà máy và giao UBND huyện Quảng Ninh họp dân lấy ý kiến xây dựng phương án di dời, đồng thời giao Sở Tài chính cùng với nhà máy và các cơ quan liên quan thống nhất kinh phí bồi thường. Trước mắt khi chưa di dời dân được thì yêu cầu nhà máy thực hiện nghiêm các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm. |
Ngoài khổ sở vì khói bụi và tiếng ồn thì 21 hộ dân với gần 100 nhân khẩu còn phải gánh thêm nạn lụt lội, vì nhà máy xây hàng rào cao đã ngăn hết các chỗ thoát nước lâu nay của vùng ruộng và dân cư xóm Lèn, nên mùa mưa là nhà dân bị ngập lụt từ 1,2-1,5m…
Không có đủ kinh phí di dời?
Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh Nguyễn Văn Thế cho biết, trong bán kính 1km quanh nhà máy có 65 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 20 hộ ảnh hưởng nặng và khu vực chịu ô nhiễm nặng nề nhất gồm 7 hộ dân ở xóm Lèn, thôn Áng Sơn.
Việc di dời tái định cư đối với các hộ bị ảnh hưởng ô nhiễm là rất cần thiết và cấp bách, xã đã nhiều lần kiến nghị với các cấp chính quyền nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Cũng theo ông Thế, nguyên nhân là do chưa thống nhất được phương án và thiếu kinh phí hỗ trợ di dời. Phương án được đưa ra là Nhà nước hỗ trợ di chuyển nhà cửa ra khỏi khu vực bị ô nhiễm và đất tái định cư, các hộ tiếp tục sản xuất trên đất cũ.
Qua lấy ý kiến nhân dân thì 13/20 hộ dân đồng tình với phương án này, song có 7 hộ xóm Lèn thì yêu cầu Nhà nước đền bù cho họ di chuyển hoàn toàn khỏi vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, không sử dụng đất đó để sản xuất.
Với phương án trên, dự kiến cần số tiền 20 tỷ đồng, song theo lãnh đạo tỉnh Quảng Bình là quá lớn, chưa thể thu xếp được nguồn vốn. Vì vậy, vấn đề di dời người dân ra khỏi vùng ô nhiễm đã được các cấp, ngành tỉnh Quảng Bình xem xét từ 7 năm trước nhưng đến đầu tháng 8/2014 vẫn chưa thực hiện được.