Tái cơ cấu theo hướng phát triển bền vững cây cao su
ThienNhien.Net – Không chỉ đưa ra các giải pháp ngắn hạn trước sự sụt giảm giá mạnh của thị trường cao su thế giới, các giải pháp dài hơi để nâng cao giá trị và thương hiệu cao su Việt Nam là vấn đề được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) và từng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Theo đó, các giải pháp như quy hoạch lại, tạm dừng trồng mới, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ góp phần giúp cao su Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Tạm dừng không trồng mới
Trước dự báo, thị trường cao su thế giới sẽ tiếp tục dư thừa trong 2 năm tới, tại hội nghị sản xuất cao su năm 2014 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ kiên trì thực hiện mục tiêu phát triển ngành cao su bền vững, không chạy theo diện tích. Theo đó, ngành cao su sẽ tập trung vào việc cải thiện khâu trồng trọt để năng suất cao hơn, chi phí thấp hơn; đồng thời tăng tiêu thụ nguyên liệu cao su trong nước cho lĩnh vực chế biến sâu, giảm lệ thuộc xuất khẩu nguyên liệu thô để nâng cao giá trị gia tăng.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đề nghị Cục Trồng trọt phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp cao su, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh có văn bản hướng dẫn kỹ thuật khai thác vườn cây cao su phù hợp với thị trường. Sắp tới mùa trồng mới cao su, các đơn vị phải rà soát lại các dự án trồng mới cao su. Những nơi nào tính trong 25 năm nữa với điều kiện giá 1.500 USD/tấn mà vẫn có lãi thì mới trồng mới, còn không thì “kiên quyết không được trồng mới”. Thay vào đó, Bộ trưởng cho rằng, các doanh nghiệp, địa phương cần tập trung tái canh vườn cây hết tuổi khai thác và thâm canh các cây hiện có để nâng cao năng suất chất lượng.
Cùng với những chỉ đạo của lãnh đạo ngành, mới đây để đảm bảo diện tích cao su theo đúng quy hoạch đề ra, Cục Trồng trọt đã yêu cầu các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Bắc Trung Bộ, những diện tích trồng ngoài quy hoạch có nguy cơ cao do gió bão không trồng tiếp cao su sau khi đã hết chu kì kinh doanh; diện tích bị ảnh hưởng nặng do bão cần thanh lý trồng lại hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác. Đối với vùng miền núi phía Bắc, tạm dừng không tiếp tục mở rộng diện tích ở vùng đã quy hoạch như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu; đồng thời không chủ trương trồng tiếp cao su ở các tỉnh vùng Đông Bắc.
Ông Trần Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc VRG cho rằng: “Đây là cơ hội để chúng ta tái cơ cấu lại ngành cao su nói chung và vườn cây cao su nói riêng. Với giá gỗ cao su trên thị trường hiện nay là khá tốt từ 180-200 triệu/ha thì người dân vừa tái canh, vừa có một khoản tiền đầu tư để “chịu đựng” trong những năm giá cao su xuống quá thấp. Về lâu dài, Nhà nước nên duy trì quy hoạch cả nước là 800.000 ha cao su là hợp lý, tuy nhiên cần điều chỉnh quy hoạch diện tích cao su ở từng vùng miền, vùng nào phù hợp thì phát triển cao hơn, vùng nào không phù hợp thì phát triển ít hơn, khi thành công thì phát triển tiếp theo”.
Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm
Trong giai đoạn giá thấp hiện nay, Hiệp hội Cao su Việt Nam cho rằng, người trồng cao su cần đa dạng hóa sản phẩm và tăng thu nhập từ vườn cao su bằng xen canh, chăn nuôi kết hợp… Ngành cao su Việt Nam và doanh nghiệp cần nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu sản phẩm cao su thiên nhiên đáp ứng thị trường, đảm bảo chất lượng, uy tín, xây dựng thương hiệu quốc gia và quốc tế. Đồng thời, tăng tiêu thụ nguyên liệu cao su trong nước cho lĩnh vực chế biến sâu những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và thân thiện môi trường, giảm lệ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô để hướng đến phát triển bền vững.
Hiện nay với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, ngoài sản phẩm chính là mủ cao su, đã tăng cường phát triển các sản phẩm liên quan đến cây cao su như: chế biến gỗ và công nghiệp cao su. Qua đó, đã có những kết quả bước đầu và thời gian tới sẽ khai thác tối đa hiệu quả từ cây cao su, giảm xuất khẩu sản phẩm thô, tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu.
Theo ông Trần Ngọc Thuận, ngành công nghiệp cao su cần được đẩy mạnh đầu tư và tập trung vào các sản phẩm nhúng như găng tay, chỉ sợi, nệm… là các sản phẩm có lợi thế về nguồn nguyên liệu và có sức cung cao ở thị trường thế giới. Trong 5 năm gần đây (từ 2008 đến 2013), các sản phẩm cao su Việt Nam đã được đa dạng hóa như xăm lốp, đế giày, băng tải, cao su y tế, nệm cao su… giá trị xuất khẩu đã tăng bình quân 37,2%/ năm, đạt 1 tỷ USD trong năm 2013 (tăng 20% so với cùng kì năm trước) và đạt 35,3% so với xuất khẩu cao su thiên nhiên. Riêng săm, lốp ô tô là sản phẩm Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh với các công ty đa quốc gia, ông Thuận cho biết VRG sẽ tiếp tục tìm đối tác để liên doanh, kêu gọi đầu tư tại Việt Nam qua việc VRG cam kết cung cấp ổn định nguồn nguyên liệu.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đăk Lăk cho rằng, cây cao su là cây có thời gian kiến thiết cơ bản khá dài (7 năm), trong khi thời gian vay vốn chậm. Do vậy, cần có cơ chế và chính sách phù hợp cho nông dân được vay vốn đầu tư trong thời gian kiến thiết cơ bản và 3 năm đầu khai thác để người dân yên tâm sản xuất; đồng thời cần nghiên cứu thí điểm bảo hiểm cho ngành cao su.
Để đảm bảo duy trì và phát triển bền vững diện tích cao su theo quy hoạch, theo ông Phan Văn Đon, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước kiến nghị, Hiệp hội Cao su Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam sớm trình Chính phủ thành lập quỹ bình ổn giá để xử lý các tình huống bất lợi khi có biến động giảm về giá thu mua.
Trong điều kiện tiêu thụ mủ cao su không thuận lợi và sản lượng mủ cao su tăng nhanh sau năm 2015, để cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu, hiện nay ngành cao su đang nỗ lực đảm bảo mục tiêu: giảm giá thành, có cơ cấu sản phẩm phù hợp và đảm bảo chất lượng. Trong đó, việc giảm giá thành được xác định là phải thực hiện chủ yếu ở các vườn cây khai thác (chiếm 85% giá thành). Ở khâu khai thác chỉ có thể giảm chi phí lao động thông qua việc tăng năng suất lao động. Hiện nay, để nâng cao chất lượng mủ xuất khẩu, nhiều nhà máy trong khoảng 144 nhà máy chế biến mủ cao su đã được chuẩn hóa công nghệ và quy trình chế biến, từ khâu chế biến đến kiểm tra chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn đăng ký, trong đó có cả các tiêu chuẩn về môi trường, lao động. Việc đảm bảo chất lượng sản phẩm bao gồm cả chế biến cho cao su tiểu điền với mức trên 100.000 tấn vào năm 2015 và duy trì tốc độ tăng trưởng trên 10%/năm của VRG đặt ra đang được coi là giải pháp đảm bảo tính ổn định chất lượng của cao su Việt Nam.